Sở Xây dựng TP. Hà Nội vừa đưa ra 4 nguyên nhân đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ tên và trách nhiệm cụ thể của những cá nhân, tập thể liên quan.

da lat via he ha noi 1
Công nhân đang thi công lát đá vỉa hè tại phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngày 13/12/2022. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Sở Xây dựng nêu nguyên nhân đầu tiên là do việc khảo sát, thiết kế các dự án lát đá chưa đầy đủ thông tin như số lượng, vị trí công trình ngầm, các khớp nối hạ tầng kỹ thuật, nơi quy hoạch bãi đỗ xe, số liệu địa chất, hiện trạng sử dụng vỉa hè.

Hồ sơ nhiều công trình chưa có thiết kế chi tiết giải pháp xử lý tại các khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm, tủ điện, chân cột đèn, gốc cây. Thuyết minh thiết kế trong hồ sơ chưa nêu rõ tiêu chí để lựa chọn kích thước viên đá tùy theo đặc điểm, yêu cầu sử dụng của từng tuyến phố. Vì vậy, tại một số dự án, tỷ lệ kích thước của viên đá lát (độ dày so với kích thước dài, rộng) chưa phù hợp.

Nguyên nhân thứ hai, theo Sở Xây dựng, việc khảo sát, đánh giá nguồn cung cấp vật liệu đá tự nhiên tại một số dự án chưa đầy đủ để có cơ sở lựa chọn chủng loại yêu cầu kỹ thuật phù hợp, đảm bảo các tiêu chí theo thiết kế. Việc kiểm soát, nghiệm thu vật liệu đá lát tại một số công trình chưa đảm bảo quy định, một số viên không đủ khả năng chịu lực uốn, chịu mài mòn theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bên cạnh đó, một số mẫu đá có thớ đá phân tách tự nhiên, không nhìn thấy được bằng mắt thường, chỉ khi đưa vào máy uốn mới phát hiện. Những viên đá này không đạt yêu cầu độ bền uốn cong.

Nguyên nhân thứ ba là quy trình, kỹ thuật thi công các lớp kết cấu vỉa hè tại một số dự án cũng bị đánh giá là chưa đúng; không có giải pháp kết nối xử lý một số đường ống thoát nước.

Một số tuyến phố đã đầu tư lát đá vỉa hè nhưng chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, trong quá trình sử dụng, đơn vị hạ ngầm thoát nước, điện lực, viễn thông khi hoàn trả không đảm bảo kỹ thuật, dẫn tới vỉa hè hư hại, xuống cấp.

Cuối cùng, Sở Xây dựng đánh giá quá trình duy tu bảo dưỡng sau đầu tư một số vỉa hè không tốt, có nơi sử dụng không đúng công năng. Kết cấu hè phố được thiết kế chỉ áp dụng cho người đi bộ, xe thô sơ, nhưng thực tế lại thành nơi dừng đỗ của ô tô hoặc làm vị trí lên xuống của nhiều phương tiện tải trọng lớn.

“Giờ cao điểm, xe cơ giới di chuyển trên vỉa hè một số tuyến phố; nhiều điểm bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến độ bền của vật liệu. Ban đầu chỉ một viên đá bị vỡ nhưng việc thay thế không làm kịp thời, tiếp tục chịu tác động của phương tiện nên nhiều viên đá liền kề nứt vỡ tạo thành khu vực xuống cấp”, báo cáo nêu.

Trước đó, từ cuối năm 2016, nhiều quận Hà Nội đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, dự kiến có thể sử dụng 50-70 năm. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, mặt đá lát đã bong tróc, gãy nát, khiến nhiều người bức xúc.

Sau đó, việc lát đá tiếp tục được thực hiện. Hiện vỉa hè 255 tuyến phố đã được lát đá tự nhiên, tập trung ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ.

Tuy nhiên, một số tuyến phố lát đá tự nhiên vẫn tiếp tục nứt vỡ.

Nói về việc trên, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng các tuyến vỉa hè bị nứt, vỡ chủ yếu là những tuyến được làm trước giai đoạn ban hành quyết định 1303 năm 2019 của UBND TP (quyết định về việc ban hành thiết kế mẫu hè đường đô thị tại TP. Hà Nội).

Thời điểm này, chất lượng đá sử dụng để lát vỉa hè trước khi có quyết định 1303 của thành phố được khai thác bằng phương pháp nổ mìn nên đá bị om. “Ngoài ra, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất, khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý”, ông Phong cho hay và nói thêm hiện các tuyến đường dùng đá Granite “rất đẹp, rất bền”.

Việc lý giải từ phía ông Phong đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Kim Long