Từ đầu tháng 7/2023, giá nước sạch tại TP. Hà Nội tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 cho 10m3 đầu tiên.

tang gia nuoc sach 1
Từ đầu tháng 7/2023, giá nước sạch tại TP. Hà Nội tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 cho 10m3 đầu tiên. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải vừa ký ban hành Quyết định số 3541 phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt.

Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước sinh hoạt.

Theo quyết định, việc tăng giá nước sạch được chia làm hai giai đoạn, từ 1/7 đến 31/12/2023 và từ 1/1/2024 đến 31/12/2024.

Cụ thể, từ đầu tháng 7/2023, giá nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên là 7.500 đồng/m3 (hiện nay là 5.973 đồng/m3); từ 10-20m3 được tính giá 8.800 đồng/m3; từ 20-30m3 là 12.000 đồng/m3; trên 30m3 là 24.000 đồng/m3.

Từ 1/1/2024, giá nước sinh hoạt các mức như trên lần lượt là: 8.500 đồng – 9.900 đồng – 16.000 đồng và 27.000 đồng/m3.

tang gia nuoc sach
Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt tại Hà Nội sau khi được điều chỉnh.

Riêng đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10m3 vẫn được giữ nguyên theo mức giá cũ (Quyết định 38/2013/QĐ-UBND) là 5.973 đồng/m3.

Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp, phục vụ công cộng: Trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 9.955 đồng/m3 tăng lên thành 12.000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 13.500 đồng/m3.

Đối với đơn vị hoạt động sản xuất vật chất: Trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 11.615 đồng/m3 tăng lên thành 15.000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 16.000 đồng/m3.

Đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ: Trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 22.068 đồng/m3 tăng lên thành 27.000 đồng/m3; từ năm 2024 sẽ là 29.000 đồng/m3.

Giá nước tăng, Sở Tài chính nói gì?

Theo tính toán của Sở Tài chính Hà Nội, nhu cầu dùng nước thực tế ở nội thành dao động 100-150 lít/ngày/người. Với mức tăng như trên, mỗi hộ sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng.

Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, mỗi hộ trung bình sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền chi thêm là 10.000-13.000 đồng.

Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giá nước sạch ở thủ đô Hà Nội 10 năm qua không tăng, trong khi chi phí sản xuất đều tăng.

Theo Sở này, giá nước không tăng từ năm 2013 đến nay đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới; dự án cải tạo, nâng công suất những nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước.

Do đó, việc tăng giá nước nhằm đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

“Việc điều chỉnh giá nước còn có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cấp nước…”, Sở này cho hay.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến hết năm 2022, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Trong đó, sản xuất nước ngầm 770.000 m3/ngày đêm và sản xuất nước mặt 750.000 m3/ngày đêm.

Hồi năm 2022, báo Pháp Luật Việt Nam dẫn số liệu của Sở TN-MT Hà Nội, cho biết mỗi ngày lượng nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt tại thành phố khoảng 300.000 tấn, trong đó lượng nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi xả ra môi trường chỉ chiếm khoảng 10%.

Theo một khảo sát của Sở này, tại 65 làng nghề, thì chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Tỷ lệ này quá nhỏ so với con số làng nghề nói trên. Trong khi đó, Hà Nội có đến 1.350 làng nghề.

o nhiem nuoc
Ô nhiễm nước ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. (Ảnh: baophapluat.vn)

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Và Cộng đồng (CECR) cũng cho thấy, có tới 80/120 ao hồ của Hà Nội bị ô nhiễm. Trong số đó, 71% hồ có giá trị BOD5 >15mg/l – vượt quá tiêu chuẩn cho phép; 14% hồ bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng, 32% hồ bị ô nhiễm nhẹ. Ngoài ra, các chỉ tiêu khác như: nồng độ COD, NH4… trong hầu hết các hồ cũng đều vượt quá giá trị cho phép.

Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỷ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư… ngày càng tăng. Người dân sinh sống quanh khu vực ô nhiễm ngày càng mắc nhiều loại bệnh tình nghi là do dùng nước bẩn trong mọi sinh hoạt.

Các nghiên cứu đã chỉ ra sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm asen trong ăn uống sẽ khiến con người bị mắc bệnh ung thư, trong đó có ung thư dạ dày và ung thư da.

Ngoài ra ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe con người còn gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh, các hộ nuôi trồng thủy sản. Hậu quả của ô nhiễm nguồn nước còn gây ra tổn thất cho nền kinh tế. Vì phải tốn thêm nhiều chi phí để khắc phục và xử lý nguồn nước bị ô nhiễm.

Minh Long