Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 truyền thuốc BAT, tình trạng hai bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum trong dịp Tết vừa qua đã cải thiện. Số lượng giải độc tiếp tục giảm, chỉ còn 3 chai.

thuoc bat
Bệnh viện Nhân dân Gia Định hoàn tất các thủ tục giao nhận khẩn cấp thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) vào 21h ngày 24/5/2023. (Ảnh: medinet.hochiminhcity.gov.vn)

Chiều 22/2, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – ông Nguyễn Hải Nam cho hay sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 truyền thuốc BAT, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Nội tổng hợp, một trẻ tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.

Hiện tại, cả hai bệnh nhi vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu phân từ Viện Y tế công cộng TP.HCM để chẩn đoán xác định.

Sở Y tế TP.HCM cũng cập nhật lại thông tin cụ thể và chính xác hơn về hai trường hợp bệnh nhi trên. Hai bệnh nhi lần lượt 6 tuổi và 7 tuổi, cùng ngụ ở phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Ngày 3/2 trên đường về quê cùng gia đình, bệnh nhi 6 tuổi nôn ói nhiều, được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Ngày 4/2, sau 2 ngày nằm viện, bé vẫn nôn ói nhiều kèm co giật và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 vào lúc 18h ngày 6/2 với chẩn đoán theo dõi viêm não cấp;

Bệnh nhi thứ hai, 7 tuổi, nhập viện Bệnh viện Hạnh phúc vào ngày 5/2. Sau hai ngày nôn ói nhiều và cử động hàm khó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc 00g00 ngày 7/2 với chẩn đoán theo dõi xuất huyết não.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau khi khai thác bệnh sử và tiền sử ăn uống ghi nhận cả hai trẻ đều ăn tiệc tất niên tại nhà của một gia đình ở khu vực sinh sống (phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP.HCM). Trong 7 người tham gia bữa ăn chỉ có 2 trẻ có triệu chứng. Tất cả các thực phẩm trong bữa ăn đều đã sử dụng hết, thực phẩm mua tại chợ tự phát, người đi chợ không nhớ rõ người bán.

Qua thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan sọ não, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc Botulinum toxin. Các bác sĩ thống nhất sử dụng giải độc tố Botulinum.

Theo đó, may mắn cả hai bệnh nhi được kịp thời dùng thuốc giải độc, sức khỏe dần hồi phục. Về tình hình thuốc lưu giữ, ông Nam cho biết trong năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ cho TP.HCM 6 lọ BAT. Hiện tại các bệnh viện trực thuộc sở chỉ còn 3 lọ BAT.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân đảm bảo các nguyên tắc về an toàn thực phẩm để hạn chế khả năng ngộ độc botulinum, như: ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; đối với thực phẩm chế biến, cần lưu ý về nhãn hiệu đầy đủ, còn hạn sử dụng; đối với thực phẩm đóng hộp cần quan sát hình dáng bên ngoài hộp (hộp phải sáng bóng, không rỉ sét, hộp kín, không biến dạng và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của người sản xuất).

Nguyễn Sơn

6 lọ thuốc giải độc BAT đã về đến VN, điều trị gấp cho 6 bệnh nhân