Trước dự báo nhu cầu kiểm định phương tiện vận chuyển tăng cao trong khi khả năng phục vụ lại hạn chế, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị điều chỉnh gấp phí dịch vụ đăng kiểm.

hiep hoi o to viet nam kien nghi tang phi dang kiem de chong un tac
Trước đó, Giám đốc, Phó giám đốc cùng 3 người khác tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61-09D bị bắt khẩn cấp. (Ảnh: baobinhduong.vn)

Ngày 26/10, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã có công văn gửi Bộ GTVT liên quan đến vấn đề kiểm định xe cơ giới.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, tình hình đăng kiểm nhiều khả năng tái diễn tình trạng ùn tắc vì các đăng kiểm viên đang được tại ngoại làm việc sẽ hầu tòa trong thời gian tới, nên Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

“Giá dịch vụ đăng kiểm hiện nay đã 10 năm không được điều chỉnh. Trong khi đó, theo lộ trình phải tới tháng 7/2024, giá dịch vụ đăng kiểm mới được điều chỉnh. Quãng thời gian này là quá chậm, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải điều chỉnh sớm”, ông Quyền nói.

Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Văn Quyền bày tỏ, việc tăng giá dịch vụ đăng kiểm có thể khiến chi phí đăng kiểm tăng lên. Tuy nhiên, nếu như tăng phí đăng kiểm khiến cho công tác này diễn ra công khai minh bạch, thuận tiện thì các doanh nghiệp vận tải luôn ủng hộ.

Để tránh ùn tắc đăng kiểm, ông Quyền cho rằng một trong những giải pháp cần tính đến là thu hút nhân lực vào lĩnh vực này và các trạm đăng kiểm cần có cơ chế tài chính minh bạch, rõ ràng.

Trước đó ngày 6/6, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có tờ trình gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính về đề nghị điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành.

Cụ thể, Cục này đề xuất tăng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới với mức tăng từ 30.000 – 220.000 đồng/xe tùy theo loại xe.

Phương án giá bình quân dựa trên cơ sở xác định sản lượng, tổng chi phí của hoạt động kiểm định của hệ thống các đơn vị đăng kiểm; đồng thời xác định mức lợi nhuận tạm tính là 10% trên giá thành, thuế suất thuế VAT 10% trên cơ sở giá thành cộng lợi nhuận dự kiến để xác định giá dịch vụ kiểm định đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi để quy đổi mức giá kiểm định giữa các nhóm xe.

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm đề nghị bổ sung mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với những xe được miễn kiểm định lần đầu là 50.000 đồng.

Trường hợp in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định đối với tình huống chủ xe bị mất tem, giấy chứng nhận kiểm định hoặc xin lưu hành trở lại (sau khi xin dừng nghỉ lưu hành) thì thu bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện.

Hiện nay phương án điều chỉnh giá đã được Cục Đăng kiểm VN hoàn tất và chờ Bộ Tài chính trình dự thảo luật Giá (sửa đổi) để Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp đang diễn ra.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, Việt Nam hiện có 271/288 Trung tâm Đăng kiểm, với 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động với công suất phục vụ đạt trung bình tối thiểu một tháng là 626.400 phương tiện.

Trong 2 tháng cuối năm 2023 có khoảng 677.802 xe cơ giới đến hạn kiểm định, cụ thể tháng 11 có 275.853 xe, tháng 12 có 401.949 xe.

Sang năm 2024, số lượng phương tiện kiểm định ở tháng cao nhất là vào 7/2024 với số phương tiện đăng kiểm dự kiến là 503.276 xe. Như vậy, tính số liệu chung, năng suất kiểm định của hệ thống đăng kiểm vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, do việc phân bố mật độ các Trung tâm Đăng kiểm không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong tháng 12.2023, tại 7 tỉnh, TP sẽ xuất hiện nguy cơ ùn tắc kiểm định, gồm: Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Thừa Thiên-Huế, TP.HCM và Trà Vinh. Sang năm 2024 sẽ có thêm 4 địa phương khác cũng có nguy cơ ùn tắc như trên.

Minh Long