Được đầu tư xây dựng với số tiền hơn 17 tỷ đồng với diện tích gần 20.000m2, thế nhưng hơn 10 năm qua, Trung tâm phát triển nông thôn Thanh Hóa gần như bỏ không, gây lãng phí.

trung tam phat trien nong thon thanh hoa
Trung tâm phát triển nông thôn Thanh Hóa. (Ảnh: google-maps)

Trung tâm phát triển nông thôn Thanh Hóa (trước là Trung tâm Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa) được xây tại xã Hoằng Kim từ năm 2009 theo chương trình tín dụng chuyên ngành JICA SPL IV do Nhật tài trợ, thuộc quản lý của UBND huyện Hoằng Hóa.

Trung tâm được xây dựng với tổng diện tích 19.693m2, chi phí xây dựng hơn 17 tỷ đồng, gồm các hạng mục nhà trung tâm (phục vụ trưng bày và bán sản phẩm, hội thảo, tập huấn), nhà sơ chế rau quả, nhà kho chứa rau quả, kho lạnh, công trình phụ trợ và kinh tế hạ tầng.

Mục tiêu của dự án là nơi trưng bày, sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đưa sản phẩm nông nghiệp đến đến tay người tiêu dùng.

Trung tâm này được đưa vào hoạt động từ năm 2011. Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động không hiệu quả, giới chức tỉnh Thanh Hóa đã chuyển Trung tâm Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa về cho Sở NN-PTNT tỉnh quản lý và thành lập Trung tâm phát triển nông thôn Thanh Hóa.

Dù đã chuyển về tỉnh, nhưng trung tâm này cũng không phát huy được hiệu quả và hầu như bỏ không nhiều năm nay khiến nhiều hạng mục của công trình ngày càng hư hỏng, xuống cấp, gây hoang phí.

Khuôn viên rộng hàng nghìn m2 của Trung tâm cỏ mọc um tùm. Hội trường lớn (ở tầng 1) dự kiến là nơi trưng bày bán các sản phẩm nông nghiệp thì trống hoắc, dùng làm nơi nấu ăn và nơi ngủ của bảo vệ. Sảnh tầng 2 thì để không. Chỉ duy nhất một phần nhỏ trong Trung tâm này được dành cho môt công ty phân bón làm nơi chứa đồ. Còn nhà kho cũng bỏ hoang nhiều năm.

Đáng nói, từ năm 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa chi thường xuyên hơn 200 triệu đồng để trả lương cho 2 biên chế và hơn 600 triệu đồng cho các hoạt động của trung tâm.

Ông Hà Đình Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: “Trung tâm này vốn thuộc chương trình JICA của Nhật, người Nhật muốn đưa mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín từ khâu định hướng quy hoạch sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua, bảo quản, đưa đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất ở Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ nên mô hình này khó thực hiện. Chúng tôi đã nhìn thấy thực tế và trình đề án phát triển trung tâm chờ tỉnh phê duyệt. Rõ ràng để trung tâm cứ như hiện tại sẽ rất xót”, theo Báo Dân Việt.

Còn Báo Bảo vệ Pháp Luật dẫn lời một cán bộ của Sở NN&PTNT (giấu tên) nói: “Khoảng tháng 6/2018, Sở có tổ chức triển lãm một số sản phẩm của các doanh nghiệp và mời Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền về dự để quay camera đưa lên truyền hình… “làm hàng”. Nhưng thực tế, nhiều năm nay khu vực sử dụng không hiệu quả vì việc phối hợp với các cấp, ban ngành để thực hiện các công việc còn thụ động; nhất là phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đầu mối để tổ chức hoạt động kết nối còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê hội trường để tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn kết quả đạt được chưa cao”…

Minh Long

Việt Nam: Nhiều trụ sở cơ quan hàng tỷ, chục tỷ đồng bị bỏ hoang