Năm 2017, doanh thu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu là hơn 8 tỷ USD, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra của Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

rung viet nam
Rừng tại Mai Châu, Hòa Bình. (Ảnh: Shutterstock)

Mới đây, báo cáo về kết quả của ngành lâm nghiệp,  Tổng cục Lâm nghiệp cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam tăng từ 250 triệu USD năm 2000 lên trên 6,2 tỷ USD vào năm 2014, đạt 7,1 tỷ USD vào năm 2015. Đây là ngành hàng có tỷ trọng xuất siêu cao, theo Tổng cục Lâm nghiệp.

Năm 2017, doanh thu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu là hơn 8 tỷ USD, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra của Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

Tổng cục Lâm nghiệp cho hay Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam ước đạt hơn 7,6 tỷ USD, bằng 84% kế hoạch năm, tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 10 tháng ước đạt hơn 5,7 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu, chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu.

Giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ chủ yếu là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Chi Lê, Đức, Brazil, Pháp, New Zealand.

Một nguồn thu khác là từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết từ năm 2011 đến năm 2017 đã thu 8.005,179 tỷ đồng từ DVMTR. Riêng 10 tháng đầu năm 2018, số tiền này là 2.557 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm 2018 và 61% so với cùng kỳ năm 2017.

Mức thu trung bình từ 1.200 – 1.300 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2015 – 2016, và 1.709 tỷ đồng năm 2017.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đây là nguồn tài chính sử dụng để hỗ trợ bảo vệ gần 6 triệu ha rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân miền núi, các chủ rừng là tổ chức, đặc biệt là 85 công ty lâm nghiệp trong bối cảnh đóng cửa rừng tự nhiên.

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết diện tích rừng từ 12,306 triệu ha với độ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên 14,061 triệu ha với độ che phủ rừng 40,84% năm 2015. Đến năm 2017, độ che phủ rừng là 41,45%; năm 2018 ước đạt 41,6%.

Về năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, đến năm 2017, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn của cả nước là 130 ngàn ha, chiếm 3,65% diện tích rừng trồng cả nước. Mỗi năm phủ xanh thêm trên 235 ngàn ha rừng tập trung, trong đó trên 90% là rừng sản xuất.

Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt 85%, tăng 15% so với năm 2013; xây dựng các mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, điển hình như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai…

Năng suất rừng trồng bình quân hiện đạt 21.86 m3/ha/năm. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng từ 8 triệu m3 năm 2013 lên 18 triệu m3 năm 2017. Tỷ trọng nguyên liệu gỗ sản xuất trong nước cung cấp cho công nghiệp chế biến tăng từ 66% năm 2012 lên khoảng 80% năm 2017.

Về các vụ vi phạm bảo vệ và phát triển rừng, trong năm 2017, kiểm lâm đã lập hồ sơ xử lý vi phạm 16.531 vụ vi phạm pháp luật về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, giảm 4.933 vụ (23%) so với năm 2016. Tổng diện tích rừng thiệt hại là 1.451 ha, giảm 3.148 ha (68%) so với năm 2016. Tổng số lâm sản tịch thu 17.179 m3 gỗ các loại (giảm 45%) so với năm 2016. Thu nộp ngân sách 163.541.073.000 đồng.

Trong 10 tháng đầu năm, phát hiện 10.728 vụ, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017. Diện tích rừng bị thiệt hại là 461 ha, giảm 476 ha (tương ứng giảm 51%) so với cùng kỳ.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: