Tổng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm tính đến 31/12/2023 dự kiến là 38.400 tỷ đồng. 

cho vay tao viec lam
Quầy tiếp nhận yêu cầu tại Trung tâm bảo hiểm thất nghiệp Quận 4, TP.HCM, tháng 1/2023. (Ảnh: Huntergol hp/Shutterstock)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 181 về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi vốn để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo tin công bố, 15.500 tỷ đồng sẽ được bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm để tổng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 43/2022/QH15 là tối đa 38.400 tỷ đồng.

Số tiền trên được lấy từ vốn dự kiến không giải ngân hết của 4 chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Người nhận hỗ trợ gồm người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành tạo động lực cho phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Thời gian hỗ trợ hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Tại Nghị quyết 43, chính sách khoản giải ngân cho an sinh xã hội, lao động, việc làm thuộc nhóm chi cho chính sách đầu tư phát triển, trong đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội được cấp tối đa 5.000 tỷ đồng (trong đó cấp bù lãi suất và phí quản lý là 2.000 tỷ đồng) để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình;

Hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng cho người vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm;

Chi tối đa 3.150 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm.

Ngoài ra, tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Theo TTXVN, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết đến hết tháng 6/2023, toàn hệ thống đã giải ngân hơn 19.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2022. Lượng khách hàng được vay vốn khoảng 351.000 người.

Từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% với số vốn là 139.000 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 1.940 tỷ đồng.

Theo Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý 3/2023, lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước.

Chính vì đặc trưng của thị trường lao động Việt Nam có tỷ lệ phi chính thức cao nên “mặc dù có một số doanh nghiệp cắt giảm hoặc giãn, hoãn lao động nhưng thất nghiệp chung biến động không nhiều so với quý trước” – báo cáo quý III cho hay.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6.300 người so với quý trước và tăng 22.100 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2023 là 2,3%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Nguyễn Minh