Liên quan thông tin vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ không được đảm bảo đủ chế độ dinh dưỡng, lãnh đạo Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã lên tiếng.

vu van dong vien tre bong ban keu doi lien doan bong ban viet nam noi gi3
Bữa ăn trị giá 800.000 đồng nhưng không đủ dinh dưỡng của vận động viên đội tuyển trẻ bóng bàn. (Ảnh: Chụp màn hình/video/tienphong.vn)

Thông tin bữa ăn theo chế độ 320.000 đồng/người nhưng vận động viên ăn không đủ no được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội gây xôn xao từ ngày 2/10. Cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho hay đã biết được thông tin này và xác minh, làm việc với các cán bộ phụ trách, ban huấn luyện và vận động viên.

Theo lãnh đạo Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, ban huấn luyện đội tuyển báo cáo không có sự việc như thông tin trên truyền thông và mạng xã hội.

“Sáng nay (ngày 3/10), lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao triệu tập Ban huấn luyện đội tuyển họp. Ban huấn luyện, vận động viên báo cáo tình hình ăn uống vẫn đầy đủ, không như thông tin phản ánh trên truyền thông. Lãnh đạo Cục TDTT chỉ đạo tiếp tục làm việc với các bên liên quan để báo cáo lại. HLV trưởng khẳng định không có sự việc như vậy”, ông Phan Anh Tuấn – Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nói với báo VTC News.

Vận động viên nói gì trong phóng sự của Báo Tiền Phong?

Theo video phóng sự của Báo Tiền Phong, vận động viên cho biết bữa sáng có tiêu chuẩn 100.000 đồng tiền ăn/người nhưng chỉ được ăn 1 gói xôi và 1 chai nước ngọt; bữa ăn tối của 8 vận động viên với chi phí 800.000 đồng nhưng chỉ có đậu rán, cá basa kho, nem rán, một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua; bữa trưa có tiêu chuẩn 120.000 đồng/người cũng tương tự như thế.

Các vận động viên cho biết vì ăn uống không đầy đủ nên thường xuyên phải tự đi mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập.

Bên cạnh đó, một số tuyển thủ phản ánh tiền công của họ bị “teo tóp” bởi những khoản khấu trừ tiền ăn.

vu van dong vien tre bong ban keu doi lien doan bong ban viet nam noi gi scaled
Các vận động viên không được cung cấp bữa ăn đủ dinh dưỡng. (Ảnh: Chụp màn hình/video/tienphong.vn)

Nói với báo Thanh Niên, một huấn luyện viên cho rằng sự cố xảy ra ở đội dự tuyển bóng bàn trẻ đặt ra những vấn đề cấp thiết của thể thao Việt Nam. Lãnh đạo ngành thể thao cần phải trả lời được câu hỏi, tại sao không để đội tuyển trẻ này tập huấn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

“Khi đưa đội sang địa điểm khác tập huấn, Cục Thể dục Thể thao và những người có trách nhiệm của môn bóng bàn, có quán xuyến được việc tập luyện, sinh hoạt của đội hay không, hay buông lỏng hoàn toàn. Chất lượng bữa ăn, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, có được kiểm soát hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hay không?

Lãnh đạo ngành cần có câu trả lời thỏa đáng. Gia đình các vận động viên trẻ không thể yên tâm khi con em họ phải tập luyện trong điều kiện thiếu chuyên nghiệp. Và dĩ nhiên, vận động viên không thể có thành tích nếu không được chăm sóc tốt về mọi mặt, trong đó có vấn đề quan trọng nhất là dinh dưỡng”, vị huấn luyện viên nói.

Các vận động viên quốc gia đã phản ánh sự việc trong nhiều năm qua

Theo thông tư 86 Bộ Tài chính quy định về chế độ dinh dưỡng đặc thù với vận động viên, huấn luyện viên thể thao có hiệu lực từ ngày 1/1/2021: vận động viên đội tuyển quốc gia và trẻ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng 320.000 đồng/người/ngày.

Vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games, Asiad, Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày.

Với vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng Asiad, Olympic trẻ, có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.

Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng cho vận động viên được lấy từ ngân sách Nhà nước cấp cho ngành thể thao hằng năm. Tiền ăn, tiền nước uống hằng ngày của vận động viên được gói gọn trong số kinh phí này theo thông tư 86.

Mức chi này với người bình thường có thể là ổn, nhưng với vận động viên thể thao thì chưa đáp ứng được nhu cầu vận động cao, đòi hỏi dinh dưỡng và thực phẩm hỗ trợ chất lượng. Nhiều năm qua, các vận động viên quốc gia tập huấn ở các trung tâm huấn luyện thường xuyên kêu ca về việc họ chưa được ăn đủ dinh dưỡng, đủ chất.

Các vận động viên cũng không được cung cấp thường xuyên thực phẩm chức năng trong quá trình tập huấn và thi đấu. Cùng với việc thiếu trang thiết bị hồi phục, nên sau khi tập nặng, vận động viên dễ chấn thương, thành tích khó phát triển.

Khánh Vy (t/h)