Bắc Kinh đã hết cách với Đài Loan nên phải nhắc lại “1 nước 2 chế độ”?
- Trí Đạt
- •
Về việc ông Tập Cận Bình nhắc lại vấn đề thực hiện “thống nhất 2 bờ eo biển” bằng phương thức “1 nước 2 chế độ”, giới bình luận tại Hồng Kông cho rằng, chính quyền Trung Quốc “đã không còn chiêu gì” với Đài Loan nữa, “1 nước 2 chế độ” từ lâu đã “không còn đất dụng võ nữa”.
Hôm 2/1/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu kỷ niệm 40 năm công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, và đưa ra định nghĩa mới cho “Nhận thức chung năm 1992”, nhắc đến 5 chủ trương “hòa bình thống nhất” và “phương án 2 chế độ tại Đài Loan”. Truyền thông Hồng Kông đã có nhiều giải thích khác nhau về vấn đề này.
Phương án đối với Đài Loan chắc chắn khác với Hồng Kông, Macau nhưng đều không đáng tin
Nhà bình luận thời sự Lâm Hòa Lập tại Hồng Kông chia sẻ với tờ Apple Daily cho biết, mặc dù ông Tập Cận Bình không biểu thị rõ và chi tiết về “phương án 2 chế độ đối với Đài Loan”, nhưng tin chắc rằng sẽ không thể giống với Hồng Kông và Macau. Ví dụ như có thể giữ nguyên chế độ bầu cử và quân đội của Đài Loan, nhưng đối với thế giới bên ngoài mà nói, ví dụ của Hồng Kông đã hoàn toàn chứng minh “1 nước 2 chế độ” không khả thi, quốc tế cũng đang chú ý đến việc Bắc Kinh liên tiếp can thiệp vào Hồng Kông và sự thất bại của “1 nước 2 chế độ” tại Hồng Kông.
Lâm Hòa Lập hình dung, khi cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề xuất “1 nước 2 chế độ”, thực ra chính là vì để đảng Cộng sản Trung Quốc thống nhất Đài Loan, tuy nhiên phiên bản “1 nước 2 chế độ” tại Hồng Kông đã hoàn toàn mất tín dụng trên quốc tế, thực ra nó là điều rất nực cười, “ông Tập Cận Bình có thể cảm thấy ‘1 nước 2 chế độ’ làm rất tốt, cho rằng người Đài Loan sẽ chấp nhận”.
Ông Lâm cũng nói thêm, ông Tập Cận Bình đề xuất 5 chủ trương “hòa bình thống nhất”, cho thấy ông đang mong muốn có thể thống nhất Đài Loan trong thời gian mình làm lãnh đạo, đồng thời cũng nói rõ sẽ không từ bỏ việc dùng vũ lực để thống nhất. Tuy nhiên chướng ngại là hiện nay Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thể hiện thiện ý với Đài Loan và có thái độ ủng hộ bán vũ khí cho Đài Loan, do đó, dự đoán trong 5 – 7 năm tới, cơ hội động thủ của Trung Quốc tương đối ít. Nhưng cũng vì thế mà Trung Quốc sẽ tăng mạnh dã tâm đối với Đài Loan để làm cho Đài Loan phải “thần phục” dưới bá quyền.
“1 nước 2 chế độ” đã “hết đất dụng võ”
Nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu tại Hồng Kông cho biết, mặc dù ông Tập Cận Bình nhắc lại cách “thống nhất” 1 nước 2 chế độ, nhưng những gì ông ấy nói “không có ý mới nào, vẫn lôi giọng điệu cũ ra”, điều này cho thấy Trung Quốc đã “không còn chiêu nào” đối với Đài Loan. Lưu Nhuệ Thiệu hình dung, 10 năm trước cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu “còn có ý mới và thực tại” hơn so với hiện nay ông Tập phát biểu.
Lưu Nhuệ Thiệu chỉ ra, hiện nay dưới áp lực của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nên Trung Quốc sẽ không có thực lực để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, trong khi chiêu bài “hòa bình thống nhất” ví dụ mặt trận thống nhất, xâm nhập vào Đài Loan cũng lại chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Do đó Trung Quốc mới lôi giọng điệu cũ “1 nước 2 chế độ” ra. Còn tại Hồng Kông, biểu hiện của “1 nước 2 chế độ” cũng đã khiến thế giới chú ý, tại Đài Loan cũng thỉnh thoảng có người cảnh báo nói “hôm nay là Hồng Kông, ngày mai có thể là Đài Loan”.
“‘1 nước 2 chế độ’ do lãnh đạo thế hệ thứ 2 của Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề xuất, từ này xuất hiện sớm nhất vào tháng 1/1982, tức có thể cho phép 2 chế độ, họ (Đài Loan) không được phá hoại chế độ của Đại lục, chúng tôi (Đại lục) cũng không được phá hoại chế độ của Đài Loan.” Cuối năm 1982, Trung Quốc và Anh bắt đầu đàm phán về vấn đề chủ quyền Hồng Kông, ông Đặng Tiểu Bình đem “1 nước 2 chế độ” áp dụng vào Hồng Kông, chủ trương sau khi Trung Quốc có chủ quyền đối với Hồng Kông, “xã hội, kinh tế, chế độ hiện hành của Hồng Kông không thay đổi, pháp luật về cơ bản cũng không đổi, đời sống cũng không thay đổi, địa vị tự do của Hồng Kông và địa vị trung tâm thương mại, tài chính quốc tế cũng không thay đổi”, duy trì trong thời gian 50 năm.
Quốc tế chú ý đến “1 nước 2 chế độ” đang dần thất bại tại Hồng Kông
Tuy nhiên, nhiều năm qua, Bắc Kinh ngày càng can thiệp sâu vào Hồng Kông. Từ lâu tờ Nhật báo Phố Wall (The Wall Street Journal) đã đưa tin, quốc tế chỉ trích Bắc Kinh chèn ép Hồng Kông khiến cho thành phố này trở thành không còn tự chủ và dân chủ, đồng thời cũng lấy ví dụ, các nhà sách của Hồng Kông bị các công ty do Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Hồng Kông lũng đoạn, tất cả những sách báo nào “mạo phạm” đến Bắc Kinh đều sẽ không được phép bán; các cổ phiếu chính của thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng bị chi phối bởi các công ty Trung Quốc, và một số trong số đó thuộc về các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Bên cạnh đó là việc liên tiếp đàn áp chính trị đối với những người vận động dân chủ đã làm cho cộng đồng quốc tế nhận ra rằng “1 nước 2 chế độ” tại Hồng Kông đã bị Bắc Kinh làm mai một.
Ngày 3/1, tờ New York Times có bài viết chỉ ra, ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã bước sang năm thứ 7, việc ông Tập Cận Bình chủ trương “một Trung Quốc” cũng rất khó giành được sự ưu ái của người dân Đài Loan. “Nguyên nhân chủ yếu là một mặt Bắc Kinh dùng vũ lực đe dọa ngăn cản Đài Loan, một mặt lại nói nếu Đài Loan chấp nhận thống nhất 2 bờ eo biển, trong tiền đề ‘1 nước 2 chế độ’ sẽ đảm bảo quyền lợi của người Đài Loan”, điều này rất giống với năm 1997 khi Trung Quốc tiếp nhận chế độ tự do dân chủ của Hồng Kông từ Anh: “Nhưng sau khi Hồng Kông trở về Trung Quốc, quyền tự do của Hồng Kông lại có bước lùi lớn. Điều này phản ánh quyền tự trị và tự do của Hồng Kông liên tiếp bị Bắc Kinh đàn áp, người Đài Loan đều nhìn thấy”.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa 1 nước 2 chế độ Hồng Kông Trung Quốc Đài Loan