Tập Cận Bình nói về quan hệ 2 bờ eo biển và mục tiêu “thống nhất” Đài Loan
- Trí Đạt
- •
Ngày 2/1/2019 là ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, nhân dịp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài khoảng 30 phút về vấn đề Đài Loan, trong đó nhấn mạnh lại việc phản đối Đài Loan độc lập, nhắc lại vấn đề “1 nước 2 chế độ”, và thống nhất 2 bờ eo biển, đồng thời cũng nhấn mạnh “không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực”. Cùng ngày, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cũng đã có buổi họp báo, bà cho biết, Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận “1 nước 2 chế độ”, tuyệt đại đa số ý nguyện của người dân phản đối “1 nước 2 chế độ”, đây cũng là “nhận thức chung của Đài Loan”.
Trước khi ông Tập Cận Bình có bài phát biểu nhân dịp 40 năm Trung Quốc công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành tuyên truyền mạnh về việc này, trong đó nhiều kênh truyền thông của chính quyền Trung Quốc cũng liên tiếp giới thiệu về “bài phát biểu quan trọng” này của ông Tập.
Dựa trên “Nguyên tắc một Trung Quốc” để thúc đẩy phát triển 2 bờ eo biển
Ông Tập Cận Bình cho biết, 70 năm qua, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh khởi động đàm phán hiệp thương dựa trên nguyên tắc một Trung Quốc “hai bờ eo biển cùng thuộc 1 Trung Quốc, cùng nỗ nực cho thống nhất quốc gia” trong “Nhận thức chung năm 1992”, đẩy mạnh giao lưu giữa 2 chính đảng của 2 bờ eo biển. Ông Tập cũng nói, sẽ dốc sức “mở con đường phát triển hòa bình trong quan hệ giữa hai bờ eo biển, thực hiện cuộc gặp mang tính lịch sử giữa lãnh đạo 2 bờ eo biển, làm cho tiếp xúc chính trị giữa 2 bờ eo biển đạt được tầm cao mới”.
Đối với quan hệ giữa 2 bờ eo biển, ông Tập chỉ ra: “Kiên trì nguyên tắc một Trung Quốc, thì quan hệ giữa 2 bờ eo biển mới có thể của thiện và phát triển, đồng bào Đài Loan mới có thể hưởng lợi. Trái với nguyên tắc một Trung Quốc, sẽ dẫn đến quan hệ căng thẳng giữa 2 bờ eo biển, tổn hại đến lợi ích thiết thân của đồng bào Đài Loan.”
Nhắc đến “1 nước 2 chế độ” và “hòa bình thống nhất”
Bên cạnh đó, trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình cũng nhiều lần nhắc đến thống nhất 2 bờ eo biển: “Tương lai của Đài Loan nằm ở việc thống nhất quốc gia, hạnh phúc và lợi ích của đồng bào Đài Loan gắn với phục hưng dân tộc.”; “không cam kết từ bỏ việc dùng vũ lực là phương thức tốt nhất để thực hiện thống nhất quốc gia; chế độ khác nhau không phải là chướng ngại thống nhất, càng không phải là cái cớ để phân tách”; “1 nước 2 chế độ” là để “chiếu cố đến tình hình thực tế của Đài Loan, duy hộ lợi ích của đồng bào Đài Loan”.
Ông Tập cũng cho biết, hình thức thực hiện “1 nước 2 chế độ” tại Đài Loan sẽ xem xét cụ thể tình hình thực tế tại Đài Loan, đồng thời mong muốn “triển khai các cuộc đối thoại, nói chuyện về vấn đề vấn đề chính trị hai bờ eo biển và đẩy mạnh tiến trình thống nhất tổ quốc với các đảng phái, đoàn thể, nhân sĩ tại Đài Loan; mở rộng việc trao đổi ý kiến, tìm kiếm nhận thức chung của xã hội, thúc đẩy đàm phán chính trị”.
Về việc làm thế nào để đạt được “thống nhất”, ông Tập Cận Bình đưa ra 5 luận thuật “hòa bình thống nhất”, trong đó có “chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc, thực hiện mục tiêu hòa bình thống nhất; tìm kiếm phương án ‘hai chế độ’ tại Đài Loan, làm phong phú thực tiễn hòa bình thống nhất; kiên trì nguyên tắc ‘1 nước 2 chế độ’, duy hộ triển vọng hòa bình thống nhất; làm sâu sắc thêm sự hòa hợp phát triển giữa 2 bờ eo biển; thực hiện hòa hợp tinh thần đồng bào, tăng thêm sự tán đồng về hòa bình thống nhất”.
Tuy nhiên, ông Tập nhấn mạnh, Bắc Kinh “không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, giữ nguyên lựa chọn dùng mọi biện pháp cần thiết là nhắm vào thế lực bên ngoài can thiệp và số ít phần tử ly khai đòi “Đài Loan độc lập”, có các hoạt động chia rẽ, chứ không phải nhắm vào người dân Đài Loan, đồng bào 2 bờ eo biển cần cùng xây dựng hòa bình, cùng bảo vệ hòa bình và cùng hưởng hòa bình.”
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên tiếng
Trong buổi chiều cùng ngày (2/1), Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Thái Anh Văn đã có cuộc họp báo và bà cũng cho biết, là Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, bà cần nói rõ lập trường của chính phủ. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc chưa hề chấp nhận “Nhận thức chung năm 1992”, nguyên nhân là định nghĩa về nhận thức này của chính quyền Bắc Kinh thực ra chính là “một Trung Quốc”, “1 nước 2 chế độ”, ý nguyện của người dân cũng kiên quyết phản đối “1 nước 2 chế độ”.
Bà Thái Anh Văn nhắc đến 4 điểm:
Thứ nhất, cần trịnh trọng chỉ ra, nguyên nhân cơ bản mà chính phủ Đài Loan không chấp nhận “Nhận thức chung năm 1992” chính là định nghĩa về nhận thức này của Bắc Kinh thực ra là “một Trung Quốc”, “1 nước 2 chế độ”. “Hôm nay phát biểu của lãnh đạo bờ bên kia eo biển (chỉ Trung Quốc) đã chứng minh nghi ngờ của chúng ta”, bà Thái nói. Bà nhắc lại, Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận “1 nước 2 chế độ”, tuyệt đại đa số ý nguyện của người dân phản đối “1 nước 2 chế độ”, mà đây cũng là “nhận thức chung của Đài Loan”.
Bà cho biết, “Chúng tôi mong muốn ngồi xuống cùng phía Trung Quốc, nhưng là một nước dân chủ, hễ liên quan đến hiệp thương chính trị, đàm phán giữa 2 bờ eo biển, thì đều cần được người dân Đài Loan trao quyền và giám sát, và do chính phủ của 2 bờ eo biển tiến hành”.
Đối với phát triển quan hệ giữa 2 bờ eo biển, bà Thái cho hay, trong bài phát biểu ngày 1/1, bà đã nói rất rõ, Trung Quốc cần nhìn nhận sự thực về sự tồn tại của Đài Loan Trung Hoa Dân Quốc, chứ không phải là phủ định thể chế quốc gia dân chủ do người Đài Loan cùng chung sức xây dựng.
Thứ hai, cần tôn trọng sự kiên trì của 23 triệu người dân đối với tự do dân chủ, chứ không phải dùng phương thức chia rẽ, dụ dỗ để nhúng tay vào lựa chọn của người dân Đài Loan.
Thứ 3, cần dùng phương thức hòa bình bình đẳng để xử lý sự khác biệt giữa 2 bên, chứ không phải là dùng phương thức chèn ép, đe dọa để mong người dân Đài Loan khuất phục.
Thứ tư, cần phải là chính phủ hoặc cơ quan do chính phủ trao quyền cùng ngồi lại để đàm phán, bất cứ hiệp thương chính trị nào không được người dân trao quyền và giám sát đều không thể gọi là “hiệp thương dân chủ”. Đây chính là lập trường của Đài Loan, cũng chính là lập trường của dân chủ.
“Chính phủ Đài Loan sẽ toàn lực thúc đẩy các chính sách và biện pháp để làm lớn mạnh Đài Loan, củng cố lấy Đài Loan làm chủ thể và Đài Loan ưu tiên đường lối phát triển kinh tế.” Bà còn nói, trong 2 năm qua, Đài Loan đã làm trọn nghĩa vụ của thành viên trong khu vực, tích cực công hiến vì sự hòa bình ổn định của 2 bờ eo biển và của khu vực. “Chúng tôi không khiêu khích, nhưng kiên trì nguyên tắc, chúng tôi chịu nhiều sự chèn ép, nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ lập trường và cam kết cơ bản trong xây dựng quan hệ 2 bờ eo biển.”
Bà Thái Anh Văn nói thêm, cái gọi là “hòa hợp tinh thần”, cần phải được xây dựng trên cơ sở đôi bên cùng tôn trọng và hiểu nhau, xây dựng trên cơ sở chính phủ 2 bờ eo biển xử lý các vấn đề thiết thực liên quan đến lợi ích hạnh phúc của người dân. Ví dụ như, hiện tại tình hình dịch heo châu Phi đang vô cùng cấp bách (cần 2 bên trao đổi thông tin nhưng chính phủ Trung Quốc lại từ chối), Trung Quốc gây áp lực buộc các doanh nghiệp quốc tế thay đổi tên gọi Đài Loan, những việc như thế này sẽ không đem đến sự hòa hợp tinh thần; mua chuộc nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan sẽ không đem lại sự hòa hợp về tinh thần; máy bay chiến đấu, tàu chiến chạy quanh Đài Loan sẽ không đem đến sự hòa hợp.
Cuối cùng, bà Thái Anh Văn nhắc lại, kết quả cuộc bầu cử “9 trong 1” của Đài Loan, tuyệt đối không đại biểu cho ý nguyện của người dân muốn từ bỏ chủ quyền, cũng không đại biểu cho việc chủ thể Đài Loan có sự nhượng bộ. “Giá trị dân chủ là giá trị và phương thức sống mà người dân Đài Loan trân quý, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dũng cảm bước lên con đường dân chủ, cũng chỉ có như thế thì mới có thể thực sự hiểu được suy nghĩ và sự kiên trì của người Đài Loan.”
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Đài Loan Thái Anh Văn Tập Cận Bình