Theo SCMP, các quy định nhập cư của Bắc Kinh đối với người lao động nước ngoài đã trở lại giống thời trước đại dịch từ thứ Hai (15/3), nhưng chỉ dành cho những ai đã được tiêm vắc-xin Trung Quốc.

Embed from Getty Images

“Công dân nước ngoài và các thành viên gia đình của họ đến thăm Trung Quốc đại lục để tiếp tục công việc… chỉ cần cung cấp các giấy tờ cần thiết [như thời] trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 khi xin thị thực,” văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.

Các thông báo tương tự đã được công bố trên tài khoản WeChat của các đại sứ quán Trung Quốc ở Nhật Bản, Israel, Thái Lan, Philippines, Pakistan và Gabon.

Thông báo này có nghĩa là những du khách như vậy không còn phải cung cấp thêm thông tin như thư mời từ một cơ quan ngoại giao, thương mại hoặc doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc để nhập cảnh vào đất nước này như các quy định tạm thời về xin thị thực.

Quyết định được đưa ra nhằm mục đích “nối lại giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và các quốc gia khác một cách có trật tự”, thông báo cho biết.

Tuy nhiên, việc miễn trừ chỉ áp dụng cho những người đã được tiêm vắc-xin COVID-19 sản xuất tại Trung Quốc (đủ 2 liều, hoặc 1 liều ít nhất 14 ngày trước khi nộp đơn visa) và có được giấy chứng nhận tiêm chủng.

Thủ tục đơn giản hóa cũng dành cho những người nộp đơn xin thị thực khẩn cấp vì lý do nhân đạo, chẳng hạn như chăm sóc một thành viên gia đình bị bệnh nặng hoặc tham dự đám tang.

Channel News Asia lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc không giải thích lý do tại sao việc nới lỏng thị thực chỉ dành cho người nước ngoài đã được tiêm vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc. Các sản phẩm vắc-xin của Trung Quốc kém hiệu quả hơn đáng kể so với các loại vắc-xin được phát triển ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Ngay cả bản thân người dân Trung Quốc cũng không mặn mà với việc tiêm vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời “các chuyên gia Trung Quốc” cho hay các quy định mới về thị thực này chính là tiền thân của hệ thống “Hộ chiếu vắc-xin”. Chính phủ Trung Quốc đang gây áp lực buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận hệ thống Hộ chiếu vắc-xin trên toàn thế giới và để Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển hệ thống này.

Bắc Kinh đã đưa ra áp dụng các chính sách nhập cảnh nghiêm ngặt để đối phó với đại dịch và hầu hết người nước ngoài đã bị cấm vào đất nước từ tháng 3 năm ngoái.

Cho đến nay, Trung Quốc đã cho phép 4 loại vắc-xin sản xuất trong nước được sử dụng trong biên giới của mình. Một số loại vắc-xin này cũng đã được phê duyệt để sử dụng ở nước ngoài.

Bắc Kinh rất muốn quảng bá các sản phẩm nội địa của mình ra nước ngoài, theo SCMP. Các số liệu chính thức cho thấy các liều vắc-xin Trung Quốc đã được tặng cho 69 quốc gia và bán cho 28 quốc gia vào cuối tháng trước. Tuy nhiên, tình trạng thiếu minh bạch về kết quả thử nghiệm lâm sàng của Đại lục cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của chúng.

Cho đến thời điểm hiện tại đã có gần 60 người tử vong khi tiêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc. Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều chưa tiêm vắc-xin.

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: