Các tín đồ Phật giáo Tây Tạng đã được nhà lãnh tụ tinh thần do Bắc Kinh chỉ định tránh xa “các lực lượng ly khai” và điều chỉnh tôn giáo của họ cho phù hợp với “chủ nghĩa xã hội và các điều kiện của Trung Quốc”, theo truyền thông nhà nước.

Embed from Getty Images

Gyaincain Norbu, Ban Thiền Lạt Ma được chính quyền vô thần Bắc Kinh lựa chọn, đã đưa ra nhận xét nêu trên trong chuyến thăm các khu vực Tây Tạng ở tỉnh Tứ Xuyên và Cam Túc vào đầu tháng này, tờ China News Service đưa tin hôm thứ Ba (27/7).

Bài báo được đưa ra vài ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Tây Tạng nhân kỷ niệm 70 năm “giải phóng hòa bình”, kêu gọi người dân Tây Tạng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản. Ông Tập đã đến thăm khu vực này lần cuối cùng với tư cách là phó chủ tịch vào năm 2011, thề sẽ chống lại “các hoạt động ly khai” có liên quan đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong mà Trung Quốc đã mất nhiều năm cố gắng xóa bỏ ảnh hưởng.

Gyaincain Norbu, Ban Thiền Lạt Ma “chính thức” của Bắc Kinh, là nhân vật cao thứ hai trong hệ thống cấp bậc tâm linh của Tây Tạng. Theo báo cáo, ông này bắt đầu chuyến thăm vào ngày 12/7 tại thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên, thăm Tu viện Wenshu; và tiếp tục đến các khu vực Ganzi và Aba của tỉnh. Ông cũng đi đến Cam Túc và thăm Tu viện Labrang. Tuy vậy, ông đã không đến thăm Tây Tạng.

Ông đã nói với các nhà sư trong một bài phát biểu: “Chúng ta phải kiên quyết tách mình khỏi tất cả các lực lượng ly khai, và kiên quyết ngăn chặn Phật giáo Tây Tạng – bao gồm các chùa chiền, tăng ni – trở thành công cụ của các lực lượng phương Tây chống Trung Quốc để chống lại mẫu quốc và chia rẽ quốc gia, và để khỏi trở thành nạn nhân của âm mưu chính trị của họ.”

Ông cũng phát biểu về sự Hán hóa của Phật giáo Tây Tạng, nói rằng nó phải được hòa nhập vào văn hóa Trung Quốc, và thích nghi với xã hội xã hội chủ nghĩa.

Gyaincain Norbu còn cảnh báo chống lại “mê tín dị đoan” và nói rằng các giáo lý nên hướng đến việc “siêng năng, khôn ngoan, tử tế và tích cực hơn” – tương tự như các giá trị xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản đề ra.

Tenzin Lekshay, phát ngôn viên của Cục Quản lý Trung ương Tây Tạng, chính phủ Tây Tạng lưu vong có trụ sở chính tại thị trấn đồi Dharamsala, Ấn Độ, cho biết các nhà sư ở Tây Tạng theo truyền thống được giảng dạy bằng kinh Phật nhưng giờ đây họ được giáo dục lòng yêu nước “với sự giám sát nghiêm ngặt”.

Ông cũng cho biết các hướng dẫn gần đây cho các cán bộ ở Tây Tạng đã nhấn mạnh rằng họ nên tách biệt khỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma và những lời dạy của Ngài.

Đây là năm thứ hai liên tiếp ông Gyaincain Norbu, hiện đang ở Bắc Kinh, đến thăm các khu vực Tây Tạng nhằm nâng cao “uy tín” của ông và thúc đẩy các chính sách của ông Tập, theo các nhà quan sát.

Theo một nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Norbu cần phải “thu phục nhân tâm” bằng cách gặp gỡ các Phật tử Tây Tạng. “Những chuyến đi này rất quan trọng để truyền đạt các chính sách mới nhất của chính phủ trung ương về các vấn đề tôn giáo. Ai có thể làm điều này tốt hơn Ban Thiền Lạt Ma?” nhà nghiên cứu giấu tên nói với SCMP.

Sau khi Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 qua đời vào năm 1989, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xác định Gedhun Choekyi Nyima, khi đó 6 tuổi, là hóa thân tiếp theo vào năm 1995. Nhưng thay vào đó, Bắc Kinh đã chọn một nhân vật do chính quyền dựng lên làm “Đức Phật sống” là Gyaincain Norbu. 

Trong khi đó, Ban Thiền Lạt Ma ban đầu Gedhun Choekyi Nyima đã “biến mất” ngay sau khi ĐCSTQ chọn người của riêng họ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào năm 2019 cho biết anh đang sống một cuộc sống bình thường sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy vậy, tin tức này không được kiểm chứng.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: