Người dân Trung Quốc gần đây đổ xô tranh giành mua muối, khiến nhiều nơi cung không đủ cầu, nguyên nhân là do xuất phát từ tâm lý lo ngại nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, từ đó thiếu muối sạch, trong khi thực tế 87% muối ăn của Trung Quốc lại là muối giếng.

p3380621a33719319
Khẩu hiệu chống Nhật xuất hiện ở thành cổ Lệ Giang, tỉnh Vân Nam – Trung Quốc vào năm 2013. (Nguồn: Wikipedia)

Cường điệu vấn đề ô nhiễm hạt nhân của Nhật Bản

Nhiều hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đồng loạt đưa tin, nước này xuất hiện tình trạng thiếu muối ví như ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Châu… Muối trong siêu thị dù liên tục được bổ sung nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí trên các nền tảng thương mại điện tử cũng hiển thị “hết hàng” hoặc “đang bổ sung”.

Đồng thời, các tìm kiếm hàng đầu trên Sina và Baidu đều là về chủ đề xả thải ô nhiễm từ Nhật Bản, cộng đồng mạng Trung Quốc thì la ó “bài Nhật”“tẩy chay sản phẩm Nhật Bản”…

p3380291a24674280
Tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Châu và nhiều nơi khác tại Trung Quốc đã xảy ra hiện tượng người dân tranh giành tích trữ muối. (Ảnh: MXH)

Theo trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, Đại sứ Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao) của phía Trung Quốc hôm 24/8 đã lên tiếng phản đối với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masaki Okano, cho hay Trung Quốc đã đình chỉ hoàn toàn việc nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Những nguồn tin cũng cho hay nhân viên nhiều cửa hàng thực phẩm Nhật Bản ở Bắc Kinh cho biết họ gần như không còn bán nguyên liệu Nhật Bản trong cửa hàng nữa, nhiều nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng ở Quảng Châu và Thượng Hải cũng đưa ra tuyên bố rằng họ không sử dụng nguyên liệu Nhật Bản, kiểm soát viên thị trường nhiều nơi ở Thượng Hải đã thường xuyên kiểm tra đột xuất việc kinh doanh thực phẩm Nhật Bản.

Bên cạnh đó còn có làn sóng chống Nhật trên các nền tảng xã hội trực tuyến của Trung Quốc. Tờ Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) đã thực hiện khảo sát thăm dò về việc người Trung Quốc có nên tiếp tục ăn đồ Nhật hay không, trong số 92.000 người tham gia thì có 81.000 người trả lời “Không ăn, rất lo lắng về an toàn”.

Nhưng hơn 80% muối ăn ở Trung Quốc không liên quan đến muối biển

Việc truyền thông nhà nước Trung Quốc định hướng người dân về vấn đề nước thải hạt nhân của Nhật Bản, khiến bùng nổ cảnh nhiều người tranh nhau đi mua muối, là chuyện bi hài, vì thực tế hơn 80% nguồn muối ăn tại thị trường Đại Lục đến từ việc khai thác muối giếng, không có nhiều liên quan đến muối biển.

Theo dữ liệu công khai của Tập đoàn Công nghiệp Muối Quốc gia Trung Quốc, phần lớn muối ở Đại Lục hiện được khai thác từ muối mỏ dưới lòng đất hoặc nước muối tự nhiên dưới lòng đất, cơ cấu tỷ lệ chiếm 87% muối mỏ giếng, 10% muối biển, và 3% muối hồ.

Tập đoàn Công nghiệp Muối Quốc gia Trung Quốc là nhà sản xuất muối lớn nhất thế giới, với công suất sản xuất muối hàng năm hơn 10 triệu tấn, trong đó muối mỏ chiếm 95%, muối hồ chiếm 4%, và muối biển chỉ chiếm 1%.

Ngoài ra, thực tế nước thải hạt nhân của Nhật Bản không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, lượng xả thải còn nhỏ hơn nhiều của Trung Quốc.

Theo thông tin của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), thiết kế xả nước thải chứa triti tại Fukushima – Nhật Bản đã vượt qua quá trình kiểm tra của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Nhật Bản (NRA), đáp ứng quy định an toàn về xả nước thải trong quá trình vận hành bình thường của nhà máy điện hạt nhân quốc tế.

Mặc dù vậy, hôm 25/8 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân vẫn công khai chỉ trích rằng Chính phủ Nhật Bản phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và coi thường các quyền về sức khỏe… là vô trách nhiệm. Nhưng ông Uông Văn Bân không đề cập đến lượng nước thải hạt nhân của Nhật Bản chỉ bằng 1/10 lượng nước thải hạt nhân của Trung Quốc.

Được biết, tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc có 16 nhà máy điện hạt nhân và 49 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động.