Sau khi cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tần Cương mất tích nửa năm, gần đây có nguồn tin truyền thông Mỹ cho rằng ông Tần Cương đã chết, nguyên nhân có thể do tự sát hoặc bị tra tấn. Tính xác thực của thông tin này thế nào? Tại sao cái chết của Tần Cương lại là tin xấu cho ĐCSTQ và tin tốt cho Đài Loan? Sự kiện thứ hai là chuyện ông Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu tuyên bố dốc toàn lực để truy bắt nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Chu Đình (Agnes Chow) đang sống lưu vong, vì sao động thái “dùng đại bác bắn chim” này chỉ phá hoại mặt trận thống nhất và vấn đề can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử của ĐCSTQ đối với Đài Loan? Chuyên gia về các vấn đề quốc tế Đường Hạo (Tang Hao) có những phân tích về hai trường hợp này.

Tan Cuong Chu Dinh
Cựu Ngoại trưởng Tần Cương của Trung Quốc (trái) và cô Chu Đình. (Ảnh ghép Vision Times)

Về sự kiện cựu Ngoại trưởng Tần Cương

Ngày 6/12, hãng thông tấn chính trị Politico đã đăng một bài, dẫn lời hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, cho biết ông Tần Cương đã qua đời vào tháng 7 năm nay tại một bệnh viện quân y chuyên điều trị cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, tuy nhiên không rõ nguyên nhân chết như thế nào. Vì sao ông Tần Cương bị thanh trừng chết? Nguồn tin cho biết lý do là từ cảnh báo của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Rudenko. Ông Rudenko nói với ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng ông Tần Cương đã hợp tác với gia đình của một số quan chức cấp cao của Quân chủng Tên lửa để tiết lộ thông tin tình báo về vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ cho tình báo phương Tây. Ông Tập sau khi nghe được điều này đã rất tức giận và lập tức ra lệnh làm rõ tình hình, hệ quả sau đó là Tần Cương “mất tích”.

Nhà bình luận thời sự Trung Quốc Đường Hạo cho biết, tờ Politico không không phải tờ lá cải mà là cơ quan truyền thông khá uy thế, cho nên thông tin có thể tin cậy. Tuy nhiên, tờ Politico cũng nhấn mạnh vấn đề mờ ám trong hoạt động của ĐCSTQ nên họ khó xác minh tính xác thực của thông tin này.

Những người ngoài cuộc không thể rõ ông Tần Cương còn sống hay đã chết, nhưng ước tính hung nhiều cát ít, xét cho cùng có liên quan đến vấn đề không trung thành và gây rò rỉ bí mật quân sự. Nhưng ông Đường Hạo nhận định rằng cái chết của ông Tần Cương sẽ tốt cho Đài Loan, tức là trong ngắn hạn hoặc trong vòng vài năm tới, sẽ không xảy ra chiến tranh quy mô lớn ở eo biển Đài Loan. Tại sao?

Thứ nhất, vụ rò rỉ bí mật của Quân chủng Tên lửa đã khiến ông Tập Cận Bình phải thúc đẩy chỉnh đốn trên quy mô lớn đối với đơn vị này và các quân chủng khác liên quan, hiện tại ông Tập và phe quân đội không tin tưởng lẫn nhau, ông Tập chắc chắn sẽ tiếp tục thanh trừng và truy cứu toàn bộ hệ thống quân đội và ngoại giao để bắt nhiều hơn những trường hợp tương tự, vì thế trong ngắn hạn chưa thể phát động cuộc chiến quân sự.

Thứ hai, vụ rò rỉ bí mật của Quân chủng Tên lửa đã cung cấp cho Mỹ quá nhiều thông tin tình báo quân sự quan trọng, thậm chí cả thông tin tình báo về vũ khí hạt nhân. Việc triển khai di dời các căn cứ quân sự và vũ khí này khó có thể làm trong thời gian ngắn. Vì vậy trong khi mọi thứ chưa thu xếp tốt, nếu manh động điều quân tại eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ hoặc Đài Loan chắc chắn sẽ “tấn công ngay vào đầu nguồn” làm ĐCSTQ sẽ chịu tổn thất nặng nề và bị suy yếu nghiêm trọng. Điều này lý giải trong ngắn hạn ĐCSTQ không dám manh động.

Hơn nữa kể từ Đại hội 20 của ĐCSTQ vào năm ngoái, rõ ràng ĐCSTQ đã thay đổi cách tiếp cận với Đài Loan, chuyển sang dùng cuộc chiến tâm lý và nhận thức thông qua Mặt trận Thống nhất, tuyên truyền mạnh mẽ hai bên eo biển là người một nhà, đồng thời nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử của Đài Loan. Điều này thực chất phản ánh rằng ĐCSTQ biết lỗ hổng quân sự của họ quá lớn, phải tạm thời từ bỏ phương án cấp tiến dùng vũ lực để xâm chiếm Đài Loan, do đó trong ngắn hạn sẽ không nổ ra chiến tranh eo biển Đài Loan.

Nhưng ông Đường Hạo cũng cho biết, dù ĐCSTQ không phát động chiến tranh quân sự nhưng chắc chắn sẽ phát động chiến tranh trên các mặt trận khác như chiến tranh nhận thức, chiến tranh kinh tế, chiến tranh tâm lý… và chắc chắn sẽ nỗ lực để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Bởi vì ĐCSTQ biết rằng trong ngắn hạn không có cách nào để “thống nhất” Đài Loan bằng vũ lực, nhưng họ lại đang rất cần một chiến thắng lớn để “lấy lại uy phong” cho ông Tập Cận Bình, vì từ Đại hội 20 đến nay Trung Quốc không có tin vui gì: kinh tế không ngừng lao dốc, quân đội rối ren, ngoại giao bị hủy hoại, giờ đây dịch bệnh lại hoành hành dữ dội trở lại… Dĩ nhiên chính quyền Tập Cận Bình không muốn tình hình cứ tiếp tục như vậy.

Vì thế, dù chỉ còn một tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử ở Đài Loan nhưng ĐCSTQ chắc chắn sẽ tăng cường nỗ lực bằng các thủ đoạn: cuộc chiến dư luận, bôi nhọ, gây chia rẽ… để phá rối kết quả bầu cử.

Về sự kiện nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Chu Đình

Ngoài ra, nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Chu Đình (Agnes Chow) mới đây đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với đài truyền hình BBC của Anh, nói rằng cô không muốn quay lại Hồng Kông vì Hồng Kông đã trở thành “nơi đáng sợ” khiến cô bị tổn thương về thể chất và tinh thần, cô sợ trở về quê hương. Vụ việc này cũng khiến ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông vô cùng tức giận. Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu giận dữ nói rằng cảnh sát Hồng Kông “đối xử khoan dung” với Chu Đình để đổi lấy việc bị lừa, nên họ phải dốc toàn lực truy bắt Chu Đình.

Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cũng đe dọa rằng Chu Đình đang “trắng trợn thách thức pháp luật”, ngụ ý rằng ĐCSTQ sẽ leo thang vấn đề này thành một cuộc truy đuổi khủng bố xuyên quốc gia nhằm vào một bé gái, tất cả chỉ để bảo vệ thể diện của ĐCSTQ và vị thế của ông Lý Gia Siêu.

Ông Đường Hạo nhận định, động thái của Lý Gia Siêu nhằm nhấn mạnh ông ta sẽ mạnh tay đối với bất cứ ai dám thách thức quyền lực mình và ĐCSTQ, nhưng kiểu “dùng đại bác bắn chim” săn lùng dân thường này là không phù hợp với nguyên tắc cân đối, đặc biệt là truy sát một cô bé tay không, như vậy khác gì làm trò hề trước cộng đồng quốc tế, phá hủy đại sự của ĐCSTQ trong thủ đoạn chính sách “một nước, hai chế độ” để thống nhất Đài Loan.

Hãy nghĩ kỹ xem, nếu Chính phủ Hồng Kông truy đuổi một bé gái như Chu Đình theo cách bành trướng như vậy, thì điều đó chứng minh cho cộng đồng quốc tế và đặc biệt là giới trẻ Đài Loan thấy rằng trong trường hợp họ phải sống trong xã hội kiểu “một nước, hai chế độ” cùng ĐCSTQ, khi đó nếu họ muốn sống thật, tiêu biểu như theo đuổi tự do, dân chủ, nhân quyền hay công lý, có thể sẽ gặp đủ loại rắc rối như trường hợp của Chu Đình.

Thứ nhất, họ mất tự do cá nhân và phải chịu sự tra hỏi của tòa án. Giống như những trường hợp như Chu Đình hay Hoàng Chi Phong, họ đều bị bắt, bị kết án và bỏ tù vì đấu tranh cho tự do và dân chủ, khi bị bắt thì họ phải chịu đủ mọi hình thức tra tấn tinh thần và thể xác. Một khả năng khác là đối với những người bị bắt và bỏ tù là những sinh viên trẻ vô danh, liệu họ có bị ĐCSTQ thu hoạch nội tạng bán không – đây không phải vấn đề nói quá.

Thứ hai, cuộc sống bế tắc và bị theo dõi suốt đời. Chu Đình nói với BBC rằng sau khi ra tù, không những cô không tìm được việc làm vì không có công ty nào dám thuê cô, mà thậm chí còn bị từ chối mở tài khoản ngân hàng vì tất cả các công ty, ngân hàng đều nằm dưới sự quản lý của Chính phủ ĐCSTQ, không có công ty nào dám mạo hiểm giúp cô để rồi gây sự với ĐCSTQ. Hơn nữa, sau khi Chu Đình ra tù, cô vẫn luôn bị cơ quan an ninh quốc gia theo dõi, điều này gây ra những vấn đề nghiêm trọng về thể chất và tinh thần, luôn sống trong lo âu, hoảng sợ, căng thẳng, trầm cảm…

Thứ ba, bị sỉ nhục nhân cách và chuyển hóa tư tưởng. Chu Đình cho biết, sau khi ra tù, cô không chỉ thường xuyên bị buộc phải viết “thư sám hối” để ăn năn về hành động đấu tranh cho dân chủ tự do, mà còn bị đưa đến Thâm Quyến để chứng kiến kỳ tích phát triển đất nước của ĐCSTQ, thực chất thủ đoạn là cái gọi là “giáo dục lòng yêu nước”, đồng thời cô đã nhiều lần bị cưỡng bức chụp ảnh, nghi ngờ những bức ảnh được dùng để tuyên truyền rằng cô đã “cải tà quy chánh” theo ĐCSTQ.

Ông Đường Hạo cho rằng đó là thủ đoạn hạ nhục nhân cách và chuyển hóa tư tưởng mà ĐCSTQ thường sử dụng. Chúng dùng đủ mọi hình thức vừa mềm vừa cứng (đe dọa, lừa dối, mềm mỏng)… để buộc nhà đấu tranh có biểu hiện trái với tâm tính, qua đó ép thuận theo tinh thần đảng phái của ĐCSTQ, đó cũng gọi là “tẩy não”.

Thứ tư, ĐCSTQ quấy rối người thân gia đình, nếu ra nước ngoài cũng vẫn bị đe dọa. Chu Đình cho biết vì lý do an toàn nên cô không tiết lộ liệu gia đình cô ở Hồng Kông có bị chính quyền Hồng Kông quấy rối hay đe dọa hay không, nhưng cô cho biết rất lo lắng rằng ĐCSTQ có thể sử dụng gián điệp ở Canada hoặc “cảnh sát hải ngoại” để quấy rối và đe dọa cô.

Ông Đường Hạo cho rằng hiện Chu Đình là trang sách giáo khoa sống, những rắc rối và nỗi sợ hãi mà cô đang gặp phải hiện nay, không chỉ đánh thức cộng đồng quốc tế về môi trường sống và tình trạng nhân quyền tại Hồng Kông, cũng cho thấy cái gọi là “một nước, hai chế độ” của ĐCSTQ thực chất là trò dối trá và là cái bẫy. “Một nước, hai chế độ” kiểu ĐCSTQ không chỉ tước đoạt hoàn toàn quyền tự do, nhân quyền của người dân, biến nơi đó thành nơi giống như xã hội toàn trị của ĐCSTQ khiến mọi người bị tước bỏ quyền tự do, cũng tước đi ước mơ và hy vọng của nhiều người dân. Tóm lại có thể ví như bị ĐCSTQ trực tiếp cai trị cũng như bị kết án tử hình; bị cai trị kiểu “một nước, hai chế độ” là bản án tử hình treo chỉ chờ ngày chấp hành.

Ông Đường Hạo cho rằng việc Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu truy đuổi một cô bé như Chu Đình đầy khoa trương như vậy, không khác gì khai báo cho cộng đồng quốc tế và Đài Loan thấy rõ trò đạo đức giả và tà ác của cái gọi là “một nước, hai chế độ”, như vậy chỉ gây tác dụng ngược đối với mặt trận thống nhất của ĐCSTQ đối với Đài Loan.