Phòng truyền dịch và phòng khám của một số bệnh viện nhi ở Bắc Kinh chật kín trẻ em mắc bệnh viêm phổi mycoplasma pneumoniae, nhiều phụ huynh phải mang theo ghế xếp riêng đến để truyền dịch ở hành lang.

dịch benh o Trung Quoc
Phòng truyền dịch và phòng khám của một số bệnh viện nhi ở Bắc Kinh chật kín trẻ em mắc bệnh viêm phổi mycoplasma. (Ảnh chụp màn hình)

Trang Haibao Xinwen đưa tin hôm 21/11, các bệnh về đường hô hấp như nhiễm mycoplasma pneumoniae rất phổ biến trong mùa đông năm nay khiến nhiều bệnh viện nhi đang quá tải.

Cùng ngày, rất đông phụ huynh đưa con em mình đến hội trường ngoại trú Bệnh viện Nhi trực thuộc Viện Nghiên cứu Nhi khoa Thủ đô (Viện Nhi Thủ đô) để lấy thuốc và thanh toán hóa đơn.

Theo bàn hướng dẫn của bệnh viện, Viện Nhi Thủ đô hiện chưa hỗ trợ đặt lịch offline, số lượng lịch hẹn tuần này rất eo hẹp. Biển thông tin y tế trong ngày tại bàn hướng dẫn cho thấy, sáng ngày 21/11, danh sách chờ vào phòng khám nội tổng hợp đã kín chỗ, có 628 người chờ điều trị tại khoa cấp cứu nội khoa.

Các phòng truyền dịch và phòng chẩn đoán điều trị của các khoa trong bệnh viện gần như chật kín. Ngoài hành lang bệnh viện còn có rất nhiều trẻ em ngồi trên những chiếc ghế xếp được bố mẹ chuẩn bị sẵn để truyền dịch. Trẻ em xếp hàng dài trước mỗi cửa để lấy máu, phụ huynh chờ lấy phiếu xét nghiệm cũng xếp thành nhiều hàng dài ở các cửa tương ứng. Ngoài ra tại bàn phân loại cấp cứu cũng có phụ huynh xếp hàng dài để chờ đăng ký phân loại.

Hai phụ huynh có con bị bệnh tiết lộ, hơn 700 trẻ được đưa vào phòng cấp cứu ngày hôm trước vẫn chưa hoàn thành việc điều trị, tính đến 11:20 sáng, các bệnh nhân xếp hàng đợi hôm nay vẫn chưa bắt đầu điều trị. “Chúng tôi đưa con đến bệnh viện từ 8:00 sáng, viết phiếu, lấy máu, hóa nghiệm, đợi kết quả, tổng cộng gần 3 tiếng đồng hồ, hiện vẫn đang xếp hàng chờ bác sĩ đọc báo cáo xét nghiệm.”

Về vấn đề này, có cư dân mạng bình luận rằng: “Thật đau lòng khi thấy các cháu bị bệnh khổ đến thế này. Bệnh viện quá tải, phụ huynh phải chạy đua với thời gian để được đăng ký”; “Gần đây quá nhiều trẻ nhỏ bị bệnh, cần chú ý phòng ngừa”; “Khám bệnh mà khó khăn quá”…

Chuyên gia: Nhiều loại virus đang lưu hành

Theo tờ “Tin tức Bắc Kinh” (Beijing News) đưa tin hôm 21/11, mycoplasma pneumoniae đã hoành hành ở Bắc Kinh gần 3 tháng nay, các phòng khám ngoại trú nhi khoa vẫn đang chịu áp lực cao, các virus như cúm, corona, hợp bào, v.v. đã bắt đầu hoạt động mạnh.

Ông Vương Toàn Ý (Wang Quanyi), Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) TP. Bắc Kinh, đồng thời là trưởng khoa dịch tễ học, cho biết mycoplasma pneumoniae không còn là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em nhập viện ở Bắc Kinh, mà 3 nguyên nhân hàng đầu là cúm, adenovirus và virus hợp bào hô hấp.

Ông Vương cho biết, tỷ lệ dương tính với axit nucleic của virus cúm trong các trường hợp tương tự cúm ở các phòng khám ngoại trú đã tăng lên 40,75%. Loại virus phổ biến chính ở Bắc Kinh là H3N2, chiếm 96,7%. “Dịch cúm đang gia tăng nhanh chóng”, và đỉnh điểm có thể đến sớm hơn những năm trước.

Theo thông tin trên trang web của Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh, 14.744 trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm đáng chú ý đã được báo cáo vào tuần thứ 45 của năm 2023, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

5 bệnh hàng đầu là cúm, bệnh tay chân miệng, nhiễm virus corona mới, các bệnh tiêu chảy truyền nhiễm khác và viêm gan do virus, chiếm 97,0% số ca mắc các bệnh truyền nhiễm đáng chú ý phải khai báo theo quy định.

Ngoài Bắc Kinh, Thiên Tân, Tây An và nhiều nơi khác cũng bị nhiễm bệnh nghiêm trọng

Trang Jiupai Xinwen đưa tin hôm 21/11, gần đây nhiều người báo cáo rằng giường nhi của bệnh viện đang thiếu hụt do “viêm phổi do mycoplasma”.

Một bác sĩ bệnh truyền nhiễm cho biết, trong hơn 30 năm hành nghề, đây là lần đầu tiên ông gặp nhiều trẻ mắc bệnh viêm phổi do mycoplasma đến vậy. Trong tháng 9 và tháng 10 năm nay, số trẻ nhiễm mycoplasma pneumoniae tại 3 bệnh viện trọng điểm ở Cù Châu, Chiết Giang gấp 17,8 lần cùng kỳ năm ngoái.

Bác sĩ Trâu Ánh Tuyết (Zou Yingxue), bác sĩ trưởng và chuyên gia về nhiễm trùng đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi Thiên Tân, cho biết trong tuần qua, số lượt khám ngoại trú và cấp cứu hàng ngày tại hai cơ sở của Bệnh viện Nhi đồng đã vượt quá 12.000 lượt người.

Sáng sớm 21/11, Bệnh viện nhi Tây An quá tải, nhiều trẻ em phải truyền dịch. Một số phụ huynh không còn cách nào khác đành chụp lại tình hình hiện tại ở bệnh viện từ sáng sớm và nói: “Thậm chí phải xếp hàng để lấy mũi kim”.

Về tỷ lệ mắc bệnh hô hấp tăng cao gần đây, một số cư dân mạng than thở: “Năm nay các bậc cha mẹ vất vả quá!”

Theo báo cáo, số lượng phòng khám ngoại trú nhi khoa tại một bệnh viện ở Hàng Châu, Chiết Giang đã tăng hơn 3 lần so với năm ngoái, với số lượng bệnh nhân ngoại trú hàng ngày hơn 1.900 lượt người, trong đó khoảng 30% – 40% là bệnh viêm phổi do mycoplasma.

Một số trẻ mắc bệnh cho biết: “Một số lớp học ở trường chúng con đã phải tạm nghỉ”. Một số lớp học tại một trường học ở Thiệu Hưng, Chiết Giang đã phải tạm nghỉ do bùng phát bệnh viêm phổi do mycoplasma.

Lây nhiễm hỗn hợp xuất hiện

Theo Haibao Xinwen đưa tin hôm 22/11, số lượt khám ngoại trú và cấp cứu tại nhiều bệnh viện ở Trung Quốc gần đây đã tăng lên ở các mức độ khác nhau, nhưng hầu hết bệnh nhân là trẻ em, các triệu chứng lây nhiễm bệnh đường hô hấp cũng có xu hướng gia tăng.

Ông Lư Hồng Châu (Lu Hongzhou), giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng quốc gia về bệnh truyền nhiễm Trung Quốc và Giám đốc Bệnh viện nhân dân số 3 Thâm Quyến, cho biết sau kỳ nghỉ “Quốc khánh” (ngày 1/10), kết quả xét nghiệm axit nucleic của vi sinh vật gây bệnh đường hô hấp cho bệnh nhân tại bệnh viện của ông cho thấy kết quả dương tính cao nhất, tỷ lệ là mycoplasma pneumoniae chiếm 34,33%, tiếp theo là virus cúm A chiếm 12,17% và virus cúm B chiếm 5,79%, adenovirus hô hấp chiếm 2,76% và virus hợp bào hô hấp chiếm 2,03%.

Ông Lư nhắc nhở rằng adenovirus và phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) có thể bị trộn lẫn với nhiễm trùng mycoplasma, trẻ càng nhỏ thì nguy cơ nhiễm hỗn hợp càng lớn. Nếu kết hợp với nhiễm mycoplasma, các triệu chứng của trẻ sẽ trầm trọng hơn.

Bà Cao Linh (Cao Ling), Chủ nhiệm Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi trực thuộc Viện Nhi Thủ đô, cho biết nhiều trẻ nhiễm mycoplasma sau đó nhiễm virus khác, có trẻ nhiễm virus này rồi nhiễm virus kia, hoặc có trẻ nhiễm 3 – 4 mầm bệnh. Vì vậy, điều đó không có nghĩa là một bệnh nhiễm trùng chỉ có thể lây nhiễm một mầm bệnh. Khi lây nhiễm hỗn hợp xảy ra, tình trạng thường tương đối nghiêm trọng.

Chủ đề “#virus hợp bào” từng trở thành tìm kiếm nóng trên Weibo

Theo Jimu Xinwen đưa tin hôm 22/11, nhiều người đã bị “tấn công” bởi nhiều loại virus đường hô hấp trong mùa thu đông này như bệnh viêm phổi do mycoplasma, COVID-19, cúm A, cúm B… Một số cư dân mạng cũng chia sẻ các triệu chứng của họ sau khi bị nhiễm virus hợp bào, chẳng hạn như “lại sốt trở lại”, “lần này ho dữ dội”, “giống như thổi ống thổi và hơi giống hen suyễn”.

Bà Cao Vi Vi (Gao Weiwei), bác sĩ trưởng khoa hô hấp sơ sinh của Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Quảng Đông, cho biết: “Nhiễm virus hợp bào là nguyên nhân số một phải nhập viện vì cảm nhiễm phổi ở trẻ dưới 1 tuổi, 95% trẻ em có thể đã bị nhiễm virus hợp bào trước khi trẻ được 2 tuổi. Trong mùa dịch cao điểm, hơn 80% số ca cảm nhiễm đường hô hấp dưới cấp tính ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là do nhiễm virus hợp bào.”

Khả năng lây nhiễm của virus hợp bào cao gấp khoảng 2,5 lần so với cúm, nếu trẻ bị nhiễm virus hợp bào nặng ở độ tuổi 0-1 tuổi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng phổi của trẻ, thậm chí ảnh hưởng liên tục trong thời gian dài.

Đáp lại những thông tin trên, một số cư dân mạng ở An Huy và Liêu Ninh đã chỉ ra rằng “đó là virus corona mới”

Một số cư dân mạng Quảng Đông cũng cho biết: “Không hề điên rồ, đó thực sự là di chứng của COVID-19.” 

“Hiện tại những bậc cha mẹ bị giày vò đến nửa sống nửa chết, có bao nhiêu người biết rằng đứa con quý báu của mình bị bệnh là do virus corona tấn công hệ thống miễn dịch?”

Một cư dân mạng ở Bắc Kinh cho biết: “Chỉ cần có một người trong lớp nhiễm, cả lớp nhất định sẽ không thoát được!”

Nhiều trẻ em bị bệnh nặng được rửa phổi, một bệnh viện đã rửa 67 ca/ngày

Theo Dawan Xinwen đưa tin, do số ca viêm phổi ở trẻ em gia tăng đột ngột gần đây, một số trẻ bị bệnh đã có dấu hiệu đông đặc phổi, xẹp phổi và các biến chứng trong phổi khác, cần phải “rửa phổi”.

Bệnh viện Nhi đồng tỉnh An Huy phát hiện bé trai 7 tuổi sốt 40°C, ho kéo dài tới 6 ngày, bác sĩ phát hiện phần dưới bên trong của thùy trên bên trái và thùy dưới bên phải của phổi cậu bé bị “đờm làm tắc hoàn toàn”. Tình trạng của cậu bé 7 tuổi này không phải là trường hợp cá biệt, phòng nội soi trẻ em của bệnh viện trước đây mỗi ngày thực hiện khoảng 10 ca “nội soi phế quản sợi”, tuy nhiên gần đây con số này đã lên tới 50 ca mỗi ngày, cao điểm thậm chí lên đến 67 ca, loại kiểm tra này thường được gọi là “rửa phổi”.

Theo Duan Xinwen, Lương Lượng (Liangliang), một cậu bé 6 tuổi ở Tân Trịnh, TP. Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, gần đây bị sốt cao kéo dài suốt một tuần. Bố mẹ đã đưa cậu bé đến Khoa Chăm sóc Hô hấp và Hồi sức của Bệnh viện Lồng ngực tỉnh Hà Nam để điều trị. Khi khám nhập viện, bác sĩ phát hiện cậu bé bị nhiễm mycoplasma gây viêm phổi, chụp CT cho thấy phổi có nhiều vùng đông đặc, có xu hướng nặng hơn nên được tiến hành rửa phế nang. 

Theo Jiangsu Xinwen đưa tin hôm 14/11, Bệnh viện Nhi đồng Nam Kinh gần đây đã thực hiện khoảng 20 ca rửa như vậy mỗi ngày.

Về vấn đề này, tài khoản weibo “Yjcel58” cho biết: “Quá trình rửa phổi rất đau đớn. Đầu tiên lấy ống soi phế quản và đưa qua mũi. Y tá bên cạnh bịt mắt, giữ đầu rồi đưa ống vào trong, nếu rửa sạch bên trong, vẫn sẽ có chút tổn thương niêm mạc, sau khi làm sạch có thể ho ra đờm và máu, dù sao cũng khá đau.”

  • Tweet: Một bệnh viện ở Bắc Kinh thông báo có hơn 700 người xếp hàng chờ khám cho trẻ nhỏ, thời gian chờ đợi dự kiến lên đến 13 giờ.

Nhiều người nói bị dương tính lần 4, 5, 6 lần

Trước thực tế là các bệnh viện ở nhiều nơi tại Trung Quốc đang tràn ngập bệnh nhân viêm phổi mycoplasma và nhiều người lớn đã bị nhiễm bệnh, cư dân mạng Đại lục đã chỉ ra rằng “nó thực sự là một loại virus corona mới’, nhưng nó đã được thay thế bằng một “áo khoác” khác. 

Ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), một học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, gần đây cũng thừa nhận rằng một đỉnh dịch nhỏ của COVID-19 đang đến và thậm chí có thể kéo dài đến tháng 1 năm sau. Gần đây, nhiều cư dân mạng trên mạng xã hội Đại lục weibo nói rằng mình bị dương tính.

Một số cư dân mạng nói rằng họ đã bị dương tính “lần 4”… đau họng, chóng mặt, chân yếu, “Không biết là dương tính lần 4 hay lần 5, triệu chứng càng ngày càng ít rõ ràng, tác động càng ngày càng lớn, toàn thân giống như mất đi linh hồn, năng lượng hoàn toàn không còn.” 

Cũng có nhiều người than thở “dương tính lần 5, lần 6”. 

“Xung quanh tôi có rất nhiều người dương tính lần 3, lần 4. Tôi cảm thấy mình sắp dương tính, nhưng quá trình chưa dương tính này lại có chút bất an.”

“Nhiều người xung quanh tôi bị sốt. Một số kháng nguyên có thể được phát hiện. Một vài trong số chúng không thể được phát hiện. Làn sóng này có được coi là dương tính thứ tư không? Gần như ba tháng một lần”.