Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, cùng với làn sóng người chết sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ bỏ chính sách phòng dịch “Zero-COVID”, đã khiến dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp. Các chuyên gia tin rằng điều này sẽ có tác động sâu đến tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế.

r shutterstock 1250093989
Hình ảnh phố Laojie, Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh minh họa: StreetVJ / Shutterstock)

Theo Cục Thống kê Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tổng dân số Trung Quốc giảm 2,08 triệu người vào cuối năm 2023, mức giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước đó (năm 2022) xuống còn 1,4967 tỷ người. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm dân số 850.000 người vào năm 2022.

Trung Quốc có 9,02 triệu ca sinh vào năm 2023, tỷ lệ sinh 6,39‰ là mức thấp kỷ lục, thấp hơn mức 6,77‰ vào năm 2022; số người chết là 11,1 triệu, tỷ lệ tử vong dân số là 7,87‰; tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên là -1,48‰.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp dân số sinh của Trung Quốc bị giảm, với khoảng 9 triệu trẻ sơ sinh chỉ chiếm một nửa năm 2016. Điều này sẽ đặt ra những thách thức kinh tế và xã hội lâu dài cho Trung Quốc. Một xã hội già hóa sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế theo thời gian và làm tăng áp lực lên việc chăm sóc người già.

Sau 3 năm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, Trung Quốc vội vàng dỡ bỏ chính sách “Zero-COVID” vào tháng 12/2022 khiến dịch bệnh bùng phát khắp nước này.

Tổng số người chết đã tăng 6,6% vào năm ngoái, đạt mức cao nhất kể từ Cách mạng Văn hóa năm 1974. Đồng thời, số ca sinh mới giảm 5,7%, đạt mức thấp kỷ lục.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm nhanh chóng trong nhiều thập kỷ do chính sách một con được thực hiện từ năm 1980 đến năm 2015 và quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong khoảng thời gian này. Cũng giống như Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời kỳ đầu nền kinh tế cất cánh, một lượng lớn người dân đã di cư từ nông thôn lên thành thị, trong khi chi phí sinh nở và nuôi dạy con ở thành phố cũng cao hơn.

Năm 2022, tỷ lệ sinh của Nhật Bản là 6,3‰ và của Hàn Quốc là 4,9‰.

Bà Chu Vận (Yun Zhou), nhà nhân khẩu học tại Đại học Michigan, nói với Reuters: “Như chúng tôi đã nhiều lần quan sát thấy ở các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp khác, mức sinh giảm thường sẽ rất khó đảo ngược”.

Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, lương của nhiều công nhân cổ trắng giảm xuống và cuộc khủng hoảng bất động sản cũng làm giảm tài sản của các gia đình Trung Quốc. Những yếu tố này càng làm suy yếu thêm sự sẵn lòng sinh con của giới trẻ Trung Quốc.

Đồng thời, dân số già của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Cuối năm 2023, dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc đạt 296,97 triệu người, chiếm khoảng 21,1% tổng dân số, tăng từ mức 280,4 triệu người vào năm 2022.

Mặc dù dữ liệu dân số do chính quyền ĐCSTQ công bố gây ngạc nhiên, vẽ ra một triển vọng kinh tế ảm đạm. Tuy nhiên, nhiều nhà nhân khẩu học và chuyên gia tài chính trong nhiều năm đã tin rằng dữ liệu dân số do ĐCSTQ công bố có thể đã bị làm sai lệch ở mọi cấp độ. Họ tin rằng trên thực tế, dân số Trung Quốc từ lâu đã ở mức dưới 1,4 tỷ người.

Thậm chí, theo dữ liệu do ĐCSTQ công bố, có thể thấy rằng người lao động và người tiêu dùng Trung Quốc đang sụt giảm nhanh chóng, đồng thời chi phí chăm sóc người già và trợ cấp hưu trí ngày càng tăng cũng sẽ gây áp lực lớn hơn lên chính quyền địa phương đang ngập trong nợ nần.

Theo “Báo cáo Phát triển Trung Quốc 2023” do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc công bố ngày 16/1, trong 12 năm qua, dân số trong độ tuổi lao động và tổng dân số của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao. Tổng dân số hiện đang ở thời kỳ đỉnh cao và dự kiến ​​sẽ có xu hướng giảm trong thời gian dài tới, với dân số sinh hàng năm giảm khoảng 1 triệu trong khoảng 10 năm.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc vào năm ngoái để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, điều này đã tạo thêm động lực cho các công ty quốc tế chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ trong khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng.

Về lâu dài, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc tin rằng dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, gấp hơn 3 lần dự báo năm 2019.

Dự kiến ​​đến năm 2035, dân số trong độ tuổi nghỉ hưu trên 60 tuổi của Trung Quốc sẽ vượt quá 400 triệu người, tương đương với vượt quá tổng dân số của Mỹ. Điều đó có thể khiến hệ thống lương hưu của Trung Quốc cạn tiền.

Chi phí chăm sóc và giáo dục con cái cao đã khiến nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc từ bỏ việc sinh con, trong khi sự bất ổn của thị trường việc làm khiến phụ nữ không muốn tạm dừng sự nghiệp.

Điều này xảy ra bất chấp các tỉnh của Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích sinh con, bao gồm cắt giảm thuế, kéo dài thời gian nghỉ thai sản và trợ cấp nhà ở. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều chính sách chưa được thực hiện do không đủ kinh phí và thiếu sự tích cực từ chính quyền.

Trí Đạt (t/h)