Dịch viêm phổi Vũ hán: Hơn 600 trường hợp tại Đại Lục bị lây nhiễm
- Trí Đạt
- •
Vào lúc 14:06 ngày 23/1, trên Weibo chính thức của Báo Thanh niên Trung Quốc đưa tin, tính đến 14:00 ngày 23/1, theo số liệu mà Ủy ban Y tế Sức khỏe quốc gia Trung Quốc và Ủy ban Y tế Sức khỏe các địa phương thông báo, toàn Trung Quốc có hơn 600 trường hợp chẩn đoán xác nhận lây nhiễm viêm phổi do virus corona chủng loại mới (còn gọi là Viêm phổi Vũ Hán), số người tử vong vẫn là 17 người.
Người dân đồng loạt đeo khẩu trang phòng ngừa dịch bệnh viêm phổi lại do virus corona mới trong khi chờ đợi tại ga tàu Hán Khẩu (Ảnh: Getty Images)
Trong đó, tỉnh Hồ Bắc 444 trường hợp, Bắc Kinh 14, Quảng Đông 32, Thượng Hải 16, Chiết Giang 27, Vân Nam 1, Tứ Xuyên 8, Sơn Đông 6, Quảng Tây 5, Quý Châu 3, An Huy 9, Hải Nam 4, Ninh Hạ 1, Cát Lâm 1, Giang Tây 3, Thiên Tân 4, Hà Nam 5, Trùng Khánh 9, Liêu Ninh 3, Hồ Nam 9, Hắc Long Giang 2, Sơn Tây 1, Phúc Kiến 4, Giang Tô 1, Hà Bắc 1, Hồng Kông 1, Ma Cao 1.
Các tỉnh thành như Chiết Giang, Thượng Hải, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Quảng Đông, Sơn Tây, Hắc Long Giang đều xuất hiện thêm trường hợp mới lây nhiễm. Cát Lâm có trường hợp chẩn đoán xác nhận lây nhiễm đầu tiên; Thiểm Tây, Nội Mông Cổ, Cam Túc có trường hợp mới nghi lây nhiễm.
Theo Weibo chính thức của Ủy ban Y tế Sức khỏe quốc gia công bố thông tin vào lúc 10:25 ngày 13/1, đến hết ngày 22/1, tổng cộng 25 tỉnh (khu vực, thành phố) của Trung Quốc Đại Lục báo cáo xác nhận có 571 trường hợp mắc Viêm phổi Vũ Hán. Trong đó có 95 trường hợp có triệu chứng nặng; 13 tỉnh thành báo cáo tổng cộng 393 trường hợp nghi mắc bệnh. 17 trường hợp tử vong (đều là người ở tỉnh Hồ Bắc), đa số đều là người cao tuổi và có vấn đề về sức khỏe.
>>Dịch viêm phổi do virus corona từ Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng
WHO họp khẩn, chưa đưa ra kết luận
Sáng nay (23/1), hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, ngày 22/1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại Geneva, Thụy Sĩ, nhưng không quyết định dịch bệnh “Viêm phổi Vũ Hán” bùng phát là “Sự kiện Y tế công cộng gây quan ngại quốc tế”. Khoảng 15 chuyên gia lĩnh vực y tế đã có một cuộc họp kín trong vài tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng vẫn chưa đạt được nhận thức chung. Lúc 12 giờ trưa ngày 23/1 (giờ Geneva), các chuyên gia tiếp tục triệu tập cuộc họp khẩn cấp để tiến hành bàn bạc.
Theo quy định trong Điều khoản Y tế Quốc tế, “Sự kiện Y tế công cộng gây quan ngại quốc tế” cho thấy sự kiện xảy ra nghiêm trọng, đột ngột, bất thường, ngoài ý muốn, cần lập tức có hành động quốc tế. Nếu xác nhận tuyên bố là “Sự kiện Y tế công cộng gây quan ngại quốc tế”, WHO sẽ công bố hàng loạt các biện pháp ứng phó quốc tế, bao gồm kế hoạch chi tiết cho việc chẩn đoán xác nhận, cách ly và trị liệu, v.v. đồng thời đưa ra khuyến nghị du lịch đối với khu vực bùng phát dịch bệnh.
Trong lịch sử, WHO từng 5 lần tuyên bố “Sự kiện Y tế công cộng gây quan ngại quốc tế”, lần lượt là sự kiện Cúm H1N1 năm 2009, Virus bại liệt năm 2014, dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, virus Zika năm 2016 và dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2019.
Phong tỏa thành phố 11 triệu dân
Khoảng 02:00 ngày 23/1, Nhật báo Trường Giang công bố “Thông cáo của cơ quan phòng chống kiểm soát dịch bệnh Viêm phổi do virus corona chủng loại mới trong thành phố”. Thông cáo tuyên bố: “Bắt đầu từ 10:00 ngày 23/1, các phương tiện giao thông công cộng, đường sắt, tàu thuyền, vận chuyển hành khách đường dài trong thành phố đều tạm dừng hoạt động; nếu không có nguyên nhân đặc thù nào, người dân trong thành phố không nên rời khỏi Vũ Hán, tạm thời đóng cửa sân bay, ga tàu hỏa. Thời gian khôi phục kinh doanh bình thường sẽ có thông báo khác.”
Chính quyền Bắc Kinh đã lựa chọn biện pháp phong tỏa thành phố đối với Vũ Hán, khiến các giới vô cùng quan tâm. Cũng có nghi ngờ cho rằng cách làm phong tỏa thành phố Vũ Hán liệu có thực sự có hiệu quả kiểm soát dịch bệnh được hay không.
Hôm 23/1, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, trong tình huống Viêm phổi Vũ Hán đang lây lan nhanh chóng, chính quyền Bắc Kinh đã lựa chọn biện pháp phong tỏa thành phố, việc này không làm nhiều người bất ngờ. Ngày 21/1, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố lựa chọn biện pháp dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm loại A đối với dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán, thông thường các biện pháp này được dùng cho dịch bệnh nghiêm trọng như dịch hạch, dịch tả.
Do chính quyền thành phố Vũ Hán công bố thông tin phong tỏa thành phố là vào lúc sáng sớm, nên đã khiến cho một bộ phận thị dân và du khách tại Vũ Hán lựa chọn mua vé ra khỏi Vũ Hán trước 10:00.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin AP, ông Gauden Galea – Đại diện WHO trú tại Trung Quốc nói: “Theo tôi được biết, từ góc độ khoa học mà nói, việc phong tỏa thành phố 11 triệu người là một việc mới. Biện pháp y tế công cộng như thế này trong quá khứ chưa từng có. Hiện tại chúng ta chưa thể nói biện pháp này có hiệu quả hay không.”
Ông Gauden Galea cho biết, hiện rất khó để nhận định biện pháp phong tỏa thành phố mà chính quyền Bắc Kinh lựa chọn liệu có hiệu quả hay không.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện bệnh viêm phổi lạ tại Trung Quốc virus corona viêm phổi Vũ Hán