Trong nạn đói lớn giữa phong trào “Đại nhảy vọt”, em họ của ông Đặng Tiểu Bình đã giải tán nhà ăn tập thể ở Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên và tự chia đất cho nông dân. Kết quả là trong “Cách mạng Văn hóa”, ông bị gán nhãn là “nhân vật kiểu Bành Đức Hoài”, bị đấu tố và ép uống nước tiểu.

p2071153a19193567
ĐCSTQ đấu tố cựu Tổng Bí thư Trương Văn Thiên và Nguyên soái Bành Đức Hoài. (Ảnh: MXH)

Năm 1958, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Mao Trạch Đông đã phát động phong trào “Công xã Nhân dân” “Đại nhảy vọt”, dẫn đến nạn đói lớn. Nạn đói ở vùng đất Tứ Xuyên trù phú trước kia ngày càng trở nên nghiêm trọng, thảm kịch ăn thịt người cũng xuất hiện.

Từ năm 1959, Tứ Xuyên bắt đầu xảy ra nạn đói lớn, Lô Châu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau Tết năm 1960, người dân muốn bắt chuột ăn cũng khó.

Khi đó, Đặng Tự Lực, em họ ông Đặng Tiểu Bình, đã giải tán nhà ăn tập thể ở Lô Châu, tự chia đất cho xã viên, cho phép tư nhân chăn nuôi lợn, thành lập đội sản xuất nhỏ, khoán sản xuất theo nhóm, khoán lao động cho hộ gia đình. Kết quả là ông đã bị chỉ trích nặng nề, và bị coi là “nhân vật kiểu Bành Đức Hoài”, “kẻ cơ hội hữu khuynh”.

Sau khi Lô Châu được sáp nhập vào Nghi Tân, trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, ông Đặng Tự Lực lại bị đấu tố, bức hại và bị ép uống nước tiểu.

p1981801a461210314
Đại hội đấu tố trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: MXH)

Đặng Tự Lực, em họ của Đặng Tiểu Bình, đã kể lại trong “Trắc trở Nhân sinh” rằng sau khi “Công xã nhân dân” thay đổi, cuộc sống của người dân ngày càng khốn khổ hơn, cuối cùng tình trạng ăn thịt người bi thảm đã diễn ra.

Nhà ăn tập thể của “Công xã nhân dân” chẳng những khiến xã viên ăn không no, mà còn kéo theo vô số bất tiện. Bình thường mọi người có thể tận dụng nước nóng còn dư để rửa chân, rửa mặt khi nấu ăn ở nhà. Sau khi mở nhà ăn tập thể để thực hiện lý tưởng chủ nghĩa bình quân, thậm chí nước nóng trong nhà cũng không có, chứ đừng nói đến có nước đun sôi để uống.

Nhà ăn tập thể có nhiều người đến nỗi, không đủ lá cây, cỏ khô để nấu chín cơm, phải dùng than củi. Nhưng hầu hết các nhà ăn đều không có nhiều tiền, nên phải chặt cây do nhà nước trồng, hoặc phá hủy các ngôi đền và nhà cửa để kiếm củi đốt.

Các nhà ăn tập thể lớn được hơn nửa năm thì hết lương thực, chất đốt khó giải quyết. Có nhà ăn 2, 3 ngày mới phát được một bữa cơm, có nhà ăn phải đóng cửa.

Công xã được thành lập không lâu thì “Đại nhảy vọt” đã gây ra nạn đói lớn, nông dân bị phù nề và ốm đau bệnh tật, xác chết la liệt khắp nơi. Bệnh phù nề là do dinh dưỡng không đủ, lại phải làm lụng vất vả trường kỳ. Khi đó, người mắc bệnh này toàn thân sưng tấy, tay chân yếu ớt, muốn ngấu nghiến tất cả những gì nhìn thấy.

Nếu không đủ thức ăn, họ sẽ ăn những thứ thay thế, như lá đậu, đầu chuối tiêu, tảo lục, rễ rau dại, v.v., để thỏa mãn cơn đói. Sau đó, những thứ này cũng khó kiếm, một số người bắt đầu ăn đất sét tượng Quan Âm. Sau khi ăn, bụng phình to, không thể bài tiết vài ngày sau bị chướng bụng mà chết.

Người dân cố kiếm một ít rau rừng để ăn, nhưng nạn đói ngày càng trầm trọng, nạn bán thịt người, ăn thịt người khủng khiếp cũng diễn ra.

Ở thành phố Nghi Tân, trẻ em bị lừa vào nhà, nấu chín và bán như thịt thỏ trên đường phố. Có tin đồn rằng ăn thịt người có thể chữa được bệnh phù nề, nên những người mắc bệnh này đã lấy một ít thịt của người chết và nấu chín.

Tình trạng thiếu lương thực lan rộng khắp Trung Quốc, nhưng họ không dám đối mặt với nó một cách thẳng thắn. Nếu ai đó nói rằng chết là do thiếu ăn, hay bệnh phù nề là do ăn không đủ no, họ sẽ bị công kích là “phỉ báng hệ thống xã hội chủ nghĩa và bất mãn với xã hội mới”.

Thư ký Lý Duệ (Li Rui) của Mao Trạch Đông nhận xét: “Giương cao ‘3 lá cờ đỏ’, đặt mục tiêu cao, chỉ huy mù quáng, chủ nghĩa bình quân (nhà ăn tập thể), điều động tùy tiện (sức người, sức của), đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc dân, khiến hàng chục triệu người chết đói. Đây là chuyện giữa thời bình xưa nay chưa từng có trong lịch sử.”

Trong cuốn sách “Nhân họa: ‘Đại nhảy vọt’ và nạn đói lớn” xuất bản năm 1991 của ông Đinh Trữ, một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc đương đại, theo tính toán dựa trên số liệu về tăng trưởng dân số và tử vong của Cục Thống kê Quốc gia, có 35 triệu – 40 triệu người đã chết đói trong nạn đói của Trung Quốc năm đó.

Sau nhiều năm điều tra chuyên sâu, cựu phóng viên Tân Hoa xã Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) đã viết cuốn sách “Bia mộ: Tài liệu về nạn đói lớn ở Trung Quốc những năm 1960”. Ông tiết lộ, dựa trên các sự kiện và số liệu chặt chẽ rằng từ năm 1958 -1962, ở Trung Quốc, 36 triệu người đã chết vì đói.

ĐCSTQ đổ lỗi nạn đói cho “3 năm thiên tai” từ 1959 đến 1961, sau này được đổi tên thành “Ba năm khốn khó”.

Các ghi chép lịch sử cho thấy, trong 3 năm đó, trên thực tế, thời tiết rất thuận lợi, không xảy ra lũ lụt, hạn hán, hay thiên tai nghiêm trọng trên quy mô lớn. Nạn đói lớn hoàn toàn là một “thảm họa nhân tạo” do ĐCSTQ gây ra.