Một luật sư không nhất thiết phải họat động dưới một chế độ tàn bạo để giúp đỡ những nạn nhân đang đau khổ dưới bàn tay của chế độ đó. Năm 2020, trong một lần diễn thuyết về nhân quyền, luật sư người Canada từng được đề cử Nobel Hòa bình, ông David Matas, đã chia sẻ về cách mà ông cùng luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh hợp tác để điều tra tội ác thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Điều đặc biệt là David Matas thực hiện cuộc điều tra của mình từ bên ngoài Trung Quốc mà vẫn có thể đưa ra được những kết quả điều tra mang tính khả tín rất cao. Đồng thời ông cũng góp phần đặc biệt quan trọng trong việc phơi bày tội ác, nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế trong nhiều năm.

Phép thử ngoại giao

“Chúng ta không cần phải ở trong một quốc gia để chống lại sự đàn áp của quốc gia đó”, ông David Matas chia sẻ, “Phản kháng bất bạo động phải chuyển từ bên trong ra bên ngoài. Chỉ huy sự chú ý, truyền bá nhận thức, thu hút dư luận toàn cầu, một phong trào quần chúng không thể ra đời từ bên trong đất nước bị đàn áp… “ Đây là điều luật sư David Matas đã trải nghiệm trong suốt hơn 1 thập kỷ.

Năm 2006, cùng với cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương David Kilgour, ông David Matas được ủy thác để thực hiện một cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc liên quan đến nạn thu họach nội tạng tại Trung Quốc. Bên cạnh các phương pháp điều tra độc lập khả thi, như một phép thử ngoại giao, hai ông đã trực tiếp đặt vấn đề này khi xin thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc. Phản ứng lại, các quan chức đại sứ quán Trung Quốc nói rõ rằng họ muốn phủ nhận các cáo buộc này-thay vì tạo điều kiện cho một cuộc điều tra minh bạch.

Nhưng David Kilgour và David Matas không dừng lại ở đó. Cả hai tiếp tục kêu gọi một cá nhân ở bên trong Trung Quốc gửi lời mời cho một cuộc điều tra độc lập. Và người đáp lại lời mới ấy chính là luật sư nhân quyền nổi tiếng Cao Trí Thịnh, người được phương Tây mệnh danh là “lương tri của Trung Quốc”.

Từ luật sư chính nghĩa đáp lại lời mời…

Cao Trí Thịnh xuất thân từ một gia đình nông dân ở Thiểm Bắc, từng nhập ngũ, sau khi giải ngũ thì đi bán rau. Ông tự học thành tài và hành nghề luật sư. Năm 2001, Cao trở thành một trong mười luật sư hàng đầu Trung Quốc trong cuộc thi hùng biện quốc gia được Bộ Tư pháp tài trợ. Trong suốt nhiều năm, Cao Trí Thịnh dành một phần ba thời gian của mình để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo. Ông cũng biện hộ cho những người Thiên Chúa giáo bị bức hại, những tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, tham gia vào các phong trào nhân quyền tại Trung Quốc. (Xem loạt bài: Cao Trí Thịnh: Từ anh nông dân đến vị luật sư hàng đầu Trung Quốc)

Chuyện về hai luật sư "chưa từng gặp mặt" chung tay vạch trần tội ác thu hoạch tạng
Luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh.

Từ năm 2004, Cao Trí Thịnh đã thâm nhập điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Sau quá trình tiếp xúc điều tra thực tế, ông liên tục gửi đi 3 lá thư ngỏ, tiết lộ sự thực khủng khiếp về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Trong thư, ông cũng yêu cầu chính quyền phải dừng ngay sự bức hại tự do tín ngưỡng và các hành động tra tấn dã man:

“Ngài Hồ Cẩm Đào, ngài Ôn Gia Bảo, và tất cả người dân Trung Quốc: Đã đến lúc chúng ta nghiêm khắc nhìn lại chính mình! Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một nhóm người nào lớn đến vậy lại phải chịu đựng một cuộc bức hại tàn bạo và kéo dài tới như thế trong thời bình chỉ bởi vì đức tin của họ. Thảm họa này đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội đáng quý và đã cướp đi tự do của hàng trăm ngàn người. Cuộc bức hại hoàn toàn vô nhân tính này đã gây đau đớn cho hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công cùng gia đình họ. Nó thật phi lý, dối trá, và vô đạo đức! Đó là một sự chà đạp người dân Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa, và đạo đức của toàn nhân loại!”

Xuất phát từ quá trình điều tra thực tế, ngay sau khi công bố bức thư ngỏ thứ hai 1 ngày, Cao tuyên bố thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông gọi đó là “ngày tự hào nhất của cuộc đời tôi”.

Pháp Luân Công là môn khí công phổ biến nhất tại Trung Quốc vào những năm 1990. Dữ liệu nội bộ của chính quyền cộng sản Trung Quốc cho thấy số người theo tập môn này nhiều hơn số Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Xuất phát từ sự đố kỵ và mong muốn thâu tóm quyền lực, cựu lãnh đạo Đảng là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

“Thực tế Pháp Luân Công là nhóm người ôn hòa, không có tổ chức và phi chính trị, nhưng việc này không thể ngăn cản những kẻ muốn leo lên nấc thang quyền lực bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, những kẻ đang tìm kiếm mục tiêu dễ dàng [để bức hại và đoạt lấy quyền lực]”, luật sư David Matas nhận xét.

Pháp Luân Công phải đối diện với một chiến dịch đàn áp quy mô cả nước. Những người không chịu từ bỏ đức tin của mình đã bị giam cầm và tra tấn trong các trại lao động. Vài năm sau, tại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện tin đồn rằng nội tạng của những tù nhân lương tâm này bị thu hoạch để bán cho hoạt động cấy ghép nội tạng, trong khi thi thể của họ bị hỏa táng để che giấu bằng chứng.

Trước khi Cao Trí Thịnh đáp lại lời kêu gọi của David Kilgour và David Matas, tuyên bố mời cả hai đến Trung Quốc điều tra về tội ác thu hoạch tạng vào năm 2006, chế độ cộng sản đã thu hồi giấy phép hành nghề luật sư của ông. Cảnh sát giám sát gia đình ông, bắt bớ ông và nhân viên hãng luật một cách tùy tiện, và từng âm mưu ám sát ông.

Tuy nhiên, trong thư ngỏ gửi đến cho hai luật sư Canada, Cao Trí Thịnh đã bày tỏ chắc chắn rằng rủi ro khi mời luật sư quốc tế đến điều tra việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng còn nhỏ hơn rất nhiều so với mối nguy hiểm luôn tồn tại khi sống dưới “một hệ thống độc tài xấu xa”. Cao nói trong thư: “Nguồn gốc của nguy hiểm đến từ hệ thống vô nhân đạo độc ác này, chứ không phải đền từ những gì chúng ta chọn làm”.

Đến báo cáo Thu hoạch đẫm máu

Tháng 7/2006, David Kilgour và David Matas công bố báo cáo đầu tiên dài 45 trang, trong đó kết luận:

“…Từ năm 1999, chính phủ Trung Quốc và các cơ quan ở nhiều nơi trong nước, nhất là các bệnh viện, và cả các trại tạm giam, toà án nhân dân, đã sát hại một số lượng lớn tù nhân lương tâm Pháp Luân Công, đến nay vẫn chưa rõ số lượng cụ thể. Nội tạng của họ, kể cả tim, thận, gan và giác mạc, gần như bị lấy đi cùng lúc để bán với giá cao, thường là cho người nước ngoài, thường phải chờ đợi lâu để tìm nguồn tạng tình nguyện trong nước.”

Báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” sau đó của hai ông đã cung cấp phương pháp điều tra và bằng chứng chi tiết để dẫn tới kết luận về hoạt động thu hoạch nội tạng bất hợp pháp do chế độ cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Bằng chứng có sức nặng nhất là các cuộc điện thọai tới các bác sĩ cấy ghép Trung Quốc, trong đó họ thừa nhận sử dụng nội tạng từ các tù nhân Pháp Luân Công.

Tháng 6/2016, cùng với ông Ethan Gutmann, một nhà báo điều tra của Hoa Kỳ, ông David Kilgour và ông David Matas tiếp tục công bố báo cáo điều tra cập nhật về nạn cưỡng bức nội tạng ở Trung Quốc. Họ đã điều tra hàng trăm bệnh viện ở Trung Quốc và được biết rằng các bệnh viện này có thể thực hiện cấy ghép cho bệnh nhân trong vòng hai tuần sau khi họ “đặt hàng”. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có một nguồn tạng khổng lồ.

Nhìn lại lịch sử tội ác thu hoạch tạng của "chuyên gia ghép 10.000 tạng"
Theo thứ tự: nhà báo được đề cử Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann; cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour; luật sư nhân quyền được đề cử Nobel Hòa Bình David Matas. Ba nhà điều tra độc lập đã công bố báo cáo với các bằng chứng ngày càng cụ thể, vào năm 2007 (bản cập nhật báo cáo Kilgour – Matas), 2009 (sách “Thu hoạch đẫm máu”), 2012 (sách “Tạng nhà nước”), 2014 (sách “Đại thảm sát”), và mới đây nhất là bản báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017).

Các cuộc điều tra của họ còn cho thấy số ca cấy ghép thực tế mỗi năm của một số bệnh viện Trung Quốc đã vượt quá tổng số ca cấy ghép được báo cáo chính thức trên cả nước, là từ 10.000 đến 15.000 ca mỗi năm. Theo báo cáo, số nội tạng được cấy ghép từ năm 2006 đến 2016 cao đến mức đáng kinh ngạc, chủ yếu lấy từ người tập Pháp Luân Công bị bắt giữ và bị tống giam chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của họ.

Các báo cáo này cũng trở thành bằng chứng cho các hành động pháp lý tiếp theo trên trường quốc tế. Ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng.

Xem thêm:

Sự dũng cảm của luật sư Cao Trí Thịnh

Luật sư Matas chia sẻ rằng việc Cao Trí Thịnh can đảm và sẵn sàng làm việc với ông đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc ông phát hiện ra sự tàn bạo chưa từng thấy này. Điều đó cũng cho thấy hình thức hợp tác từ bên trong và bên ngoài một quốc gia bị đàn áp có thể mạnh mẽ như thế nào.

“Cao Trí Thịnh đã không thúc giục tôi bắt đầu hồ sơ về vụ việc Pháp Luân Công, vì tôi đã bắt đầu công việc ấy trước khi biết đến anh. Nhưng trường hợp của anh chắc chắn đã khuyến khích tôi tiếp tục và kiên trì”, David Matas nói. “Nếu anh ấy đã chuẩn bị sẵn sàng để mạo hiểm, thì tôi, một người ngồi an toàn ở Winnipeg, nên làm những gì tôi có thể.”

Tuy nhiên, sự can đảm của Cao Trí Thịnh đã mang tới một cái giá không nhỏ. Sau khi gửi lời mời đến Matas, ông nhiều lần bị cảnh sát bắt cóc, tra tấn dã man và nhiều lần bị bỏ tù. Vợ và con ông bị chính quyền đe dọa, và vào năm 2009, họ đã trốn khỏi Trung Quốc để đến Hoa Kỳ trong một cuộc đào thoát táo bạo. Ở thời điểm hiện tại, gia đình không biết được thông tin nơi giam giữ cũng như tình trạng sức khỏe của Cao Trí Thịnh.

Nói về sự kiên cường của Cao Trí Thịnh, ông David Matas chia sẻ:

“Đáng khâm phục nhất là Cao Trí Thịnh đã kiên định lập trường trong khi bức hại ngày càng tăng. Anh hiểu rõ rằng bởi vì bảo vệ cho nhân quyền mà anh bị bức hại, nhưng anh vẫn không lùi bước. Với tôi, tôi mong rằng mình sẽ không ở trong hoàn cảnh như của Cao Trí Thịnh. Nhưng nếu có ở vào hoàn cảnh đó, thì tôi mong rằng mình sẽ làm được như anh ấy.”

Theo Epoch Times tiếng Anh
Minh Nhật biên tập

Mời xem video: