Với thực trạng doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập sâu rộng vào thị trường dược phẩm Mỹ, người Mỹ ngày càng lo ngại về vấn nạn khủng hoảng y tế liên quan đến sức khỏe.

 

Embed from Getty Images

Hình ảnh một hiệu thuốc ở Mỹ (Ảnh: Getty Images)

Vai trò càng lớn càng gây lo lắng về an toàn

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hiện chỉ kiểm tra được một số doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tại Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, và việc kiểm tra thường xuyên phát hiện tình trạng dược phẩm gây nguy hại sức khỏe nghiêm trọng. Đồng thời, các loại thuốc nhập từ Trung Quốc vào Mỹ, dù là thuốc đã được bào chế hay chỉ dạng nguyên liệu thì tiêu chuẩn an toàn đều thấp hơn nhiều so với chuẩn mực của Mỹ. Thậm chí có những loại thuốc còn chưa qua kiểm định.

Thực tế, một trong những nguyên nhân vì lượng nhập khẩu các loại thuốc Trung Quốc quá lớn nên vấn đề kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng gặp nhiều khó khăn.

Trung Quốc đã trở thành nguồn cung chính nhiều loại thuốc y tế quan trọng, bao gồm penicillin, heparin chống đông máu và thuốc phẫu thuật. Nếu có tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ, nguồn cung này sẽ bị đe dọa. Nếu chuỗi cung ứng bị cắt đứt, sẽ gây tình trạng thiếu hụt các loại thuốc quan trọng.

Trong cuốn sách mới “Trung Quốc RX: Hiểm họa của Mỹ khi dựa vào dược phẩm Trung Quốc” (China RX: Exposing the Risks of America’s Dependence on China for Medicine), hai tác giả Gibson (Rosemary Gibson) và Singh (Janardan Prasad Singh) giải thích nguyên nhân người Mỹ dựa vào các hãng dược phẩm Trung Quốc. Họ mô tả một cách chi tiết cách thức Chính phủ Trung Quốc làm suy yếu sức mạnh của đối thủ cạnh tranh, ăn cắp công nghệ đối thủ cạnh tranh và chèn ép nhiều ngành công nghiệp dược phẩm quan trọng, trong trường hợp nghiêm trọng có thể làm cho đối thủ sụp đổ.

Nếu hiện nay nếu Trung Quốc cắt giảm nguồn cung hàng hóa, Gibson và Singh đã viết: “Nhiều hoạt động phẫu thuật và điều trị ung thư, thẩm phân máu (hemodialysis) sẽ gặp khó khăn. Tình trạng lây nhiễm sẽ lan rộng.” Sự phụ thuộc toàn cầu vào dược phẩm Trung Quốc đã trở thành hiện thực.

Hiện không rõ có bao nhiêu loại thuốc trên thị trường Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc, bởi vì nhiều công ty dược phẩm chọn cách giữ bí mật nên việc truy cứu nguồn gốc dược phẩm gặp nhiều khó khăn. Trong danh sách dược phẩm Trung Quốc bán trên thị trường Mỹ mà các tác giả truy tìm được bao gồm các loại thuốc như điều trị HIV, bệnh Alzheimer, rối loạn lưỡng cực (bệnh hưng – trầm cảm, bipolar disorder), tâm thần phân liệt, ung thư, trầm cảm, động kinh và huyết áp cao.

Ngay cả khi thuốc không được mua trực tiếp từ Trung Quốc thì nhiều khi những hóa chất nguyên liệu của sản phẩm cũng được lấy từ Trung Quốc. Các tác giả lưu ý rằng, “Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất thế giới sản xuất nhiều loại thuốc theo toa, thuốc không theo toa, nguyên liệu thuốc và hóa chất cơ bản cần thiết cho vitamin.”

Thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu

Tình trạng này xưa nay không phải luôn luôn như vậy. Gibson và Singh đã viết trong sách: “Trong những năm 1990, Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản chiếm đến 90% nguồn cung thành phần quan trọng của thuốc và vitamin trên toàn cầu”. Hiện nay, theo những tin tức về ngành công nghiệp này mà cuốn sách chỉ ra, 80% thành phần nguyên liệu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Các tác giả viết, mặc dù Ấn Độ cũng sản xuất thuốc Generic xuất sang Mỹ, nhưng Ấn Độ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp thành phần quan trọng để sản xuất Penicillin và một số loại thuốc khác.

Lý do thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu có thể truy về năm 2000, khi đó Tổng thống Mỹ Bill Clinton không chỉ có những đãi ngộ quan trọng về thương mại cho Trung Quốc mà còn buông lỏng nhân quyền, vào năm 2000 Mỹ cũng đã thông qua “Luật Quan hệ Mỹ -Trung” cho Trung Quốc trở thành đối tác thương mại bình thường, trong đó có giảm thuế nhập khẩu. Clinton cũng ủng hộ cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Với cánh cửa mở ra, Trung Quốc đã lên kế hoạch thao túng thị trường. Các tác giả chỉ ra, “Nhà cầm quyền Trung Quốc ra điều kiện các doanh nghiệp Mỹ phải vận động hành lang chọ họ, nếu không các công ty này sẽ phải đối mặt với sự trả đũa kinh tế: bị cấm đầu tư vào Trung Quốc, gây sức ép trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Ba năm sau khi “Đạo luật Quan hệ Mỹ-Trung Quốc” của Clinton được ký kết và thông qua, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên đến 124 tỷ đô la Mỹ.

Khó khăn trong kiểm tra thuốc Trung Quốc

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng mới này. Gibson và Singh đã viết: “FDA được thành lập vào năm 1906, tin rằng dược phẩm Mỹ sẽ được sản xuất tại Mỹ”. FDA đã không chuẩn bị chu đáo việc thanh tra quy mô lớn các cơ sở nước ngoài, vì thế rất khó khăn để kiểm soát doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc.

“Một số giám đốc điều hành công ty dược phẩm trong nước Mỹ than phiền với FDA về môi trường cạnh tranh không công bằng. Doanh nghiệp dược phẩm trong nước Mỹ thường chịu sự kiểm tra, trong khi doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc hầu như không bị kiểm tra.” Tuy nhiên, những khiếu nại này cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Theo cuốn sách, sau khi Clinton bỏ những hạn chế thương mại cho Trung Quốc, có ít nhất 714 nhà máy Trung Quốc bắt đầu sản xuất thuốc và cung cấp các thành phần nguyên liệu thuốc cho Mỹ, trong khi hàng năm FDA chỉ thanh tra 15 cơ sở trong số đó.

Trong năm 2007, ngân sách thanh tra của FDA đã bị cắt giảm, bao gồm kiểm tra ngân sách của các nhà máy nước ngoài cung cấp dược phẩm cho Mỹ. Các tác giả đã viết: “Với việc giảm mạnh về quản lý, các sản phẩm độc hại sản xuất tại Trung Quốc cũng theo đó tràn vào Mỹ.”

Năm 2008 FDA mở rộng kiểm tra các nhà máy Trung Quốc, khi đó cơ quan này cho thành lập văn phòng đầu tiên tại Trung Quốc, cũng là cơ quan FDA đầu tiên bên ngoài nước Mỹ.

Dù đã có những phát hiện bê bối nhưng hoạt động của FDA thật không dễ dàng. Cuốn sách chỉ ra, không lâu sau đó thanh tra FDA muốn kiểm tra việc bán Heparin đến Mỹ của Công ty Dược Thượng Hải số 1, họ phát hiện ra nhà máy của công ty này chưa từng sản xuất Heparin, đó chỉ là một nhà máy sản xuất cặp da. Công ty này đã mua Heparin từ một nhà máy dược vô danh, sau đó in tên doanh nghiệp mình vào để xuất sang Mỹ.

FDA đã tăng cường kiểm tra các công ty dược phẩm Trung Quốc, nhưng nhân sự không đủ. Tính đến tháng 4/2014, chỉ có hai nhân viên FDA toàn thời gian được cử đến văn phòng đại diện của tổ chức này trú tại Bắc Kinh để kiểm tra các nhà máy thuốc. Chính phủ Trung Quốc cũng từ chối cấp thị thực cho các thanh tra khác được FDA thuê và buộc FDA phải đóng cửa các văn phòng tại Quảng Châu và Thượng Hải.

Ngay cả khi có thực hiện kiểm tra thì vấn đề an toàn của thuốc cũng không thể được đảm bảo. FDA phải thông báo trước cho cơ quan chính quyền địa phương trước khi kiểm tra nhà máy thuốc. Đối với các vấn đề nhạy cảm dĩ nhiên luôn gặp phải khó khăn khi trao đổi và thường bị trì hoãn trong một thời gian dài.

Cuốn sách này trích dẫn lời một người làm lâu năm trong ngành công nghiệp này cho biết, việc yêu cầu kiểm tra số liệu ở Mỹ chỉ mất 10-15 phút để được phép, nhưng ở Trung Quốc thường phải đợi vài ngày. Ngoài ra, “Chúng ta thường biết rằng họ (Trung Quốc) luôn giả mạo số liệu. Họ chỉ cho bạn thấy những gì họ muốn cho bạn thấy.”

Dùng sản phẩm giá thấp để loại bỏ đối thủ

Các loại thuốc chất lượng thấp sản xuất tại Trung Quốc đầy nguy hiểm. Vào tháng 3/2008, FDA đã tổ chức một cuộc họp báo liên quan đến việc Heparin sản xuất tại Trung Quốc bị nhiễm bẩn do công ty Baxter Healthcare Corp tại bang Illinois bán ra. Vụ việc này làm 4 người thiệt mạng và 350 người bị nhiễm trùng. Mặc dù các quan chức liên bang Mỹ xác định các sản phẩm bị nhiễm bẩn đã được vận chuyển đến 11 quốc gia, nhưng chưa từng thấy có báo cáo về số ca tử vong trên toàn cầu.

Khi thanh tra viên FDA đến nhà máy sản xuất Heparin bị nhiễm bẩn tại Thường Châu Trung Quốc, họ phát hiện thành phần Heparin chế từ ruột heo, sản xuất trong vật chứa bẩn thỉu. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành xét nghiệm và xác định chất gây ô nhiễm là oversulfated chondroitin sulfate.

Năm 2007 cũng xảy ra vụ bê bối nhiễm bẩn tương tự với thức ăn vật nuôi do Trung Quốc sản xuất có chứa melamine, vụ việc làm hàng ngàn con chó và mèo bị bệnh, hàng trăm người thiệt mạng. Một năm sau lại xảy ra vụ hóa chất độc hại trong sữa bột trẻ em sản xuất tại Trung Quốc, làm ít nhất sáu trẻ sơ sinh Trung Quốc thiệt mạng, hơn 300.000 trẻ bị bệnh.

Các công ty Trung Quốc thường bán sản phẩm với giá thấp, qua đó loại bỏ được các đối thủ cạnh tranh nước ngoài tuân thủ chặt chẽ chỉ tiêu chuẩn mực nên giá thành sản phẩm thường cao hơn nhiều.

Gibson và Singh đã viết: “Không đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ là chiến lược cạnh tranh của các công ty Trung Quốc. Miễn là họ không bị bắt là họ sẽ tiếp tục giành được nhiều hợp đồng.”

Vấn đề này thể hiện rất rõ trong thị trường vitamin C. Vào đầu những năm 1990, hầu hết vitamin C (acid ascorbic) được sản xuất ở châu Âu hoặc Nhật Bản. Trung Quốc gia nhập thị trường vào giữa những năm 1990. Đến năm 2001, bốn công ty lớn của Trung Quốc đã cắt giảm giá vitamin C xuống một nửa, khiến các công ty khác không thể cạnh tranh được.

Các tác giả cho biết, sau khi các công ty Trung Quốc kiểm soát thị trường thì họ lại tăng giá lên 600%. Một vụ kiện tập thể được đệ trình tại New York năm 2005 đã phát hiện “bằng chứng nghiêm trọng về tình trạng thông đồng” giữa các công ty Trung Quốc.

Cuốn sách chỉ ra, “Các công ty này đồng ý giá thỏa thuận, và hành động theo hướng dẫn của Chính phủ Trung Quốc.” Chính phủ Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược tương tự để kiểm soát thị trường penicillin.

Cách nhà cầm quyền Trung Quốc mở rộng kiểm soát thị trường dược phẩm toàn cầu cũng được áp dụng với các mặt hàng khác.

Làm chứng tại Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc (US China Economic and Security Review Commission), Chủ tịch Jeffrey Johnson của công ty an ninh mạng SquirrelWerkz cho biết: “Những cuộc tấn công của các tập đoàn tội phạm này được Nhà nước bảo trợ.” Họ đã sử dụng nhiều thủ đoạn không trung thực, mục đích để đẩy mạnh việc Trung Quốc tham gia và kiểm soát từng ngành công nghiệp chủ chốt trên toàn cầu.

Vào năm 2014 trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh, Tiến sĩ Margaret Hamburg, cựu lãnh đạo FDA đã nói về hậu quả của việc nhiều loại thuốc quan trọng sản xuất dựa vào Trung Quốc. “Trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phức tạp của chúng ta, rủi ro trong mỗi bước đi ngày càng lớn hơn. Đôi khi những mối nguy hiểm này là do tình trạng thiếu kiểm soát chất lượng gây ra; cũng do tình trạng cố ý vi phạm, làm giả mạo hoặc thật giả lẫn lộn gây ra”.

Tuyết Mai

Xem thêm: