Gần đây, truyền thông nước ngoài đưa tin, chính quyền Hồng Kông đang tiến hành giáo dục “khử cực đoan” đối với những thanh niên dưới 21 tuổi bị cầm tù vì tham gia biểu tình, nhằm làm suy yếu ý chí chiến đấu của họ.

shutterstock 1160140447
Nhà tù Shek Pik Prison ở Lantau Island, Hồng Kông, năm 2010 (Ảnh: seaonweb / Shuttserstock)

Tháng 6 năm nay đánh dấu kỷ niệm 4 năm phong trào “chống dẫn độ” ở Hồng Kông. Đến nay, hơn 10.000 người đã bị bắt, chủ yếu là những người trẻ tuổi. Trước đó, đã có thông tin cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng mô hình Tân Cương để đối phó với những người biểu tình bị cầm tù ở Hồng Kông.

Tuy nhiên, đại đa số trẻ vị thành niên này đều cho biết họ không hối hận khi tham gia phong trào chống dẫn độ. Một số “tội phạm” vị thành niên cũng nói rằng sau khi ra tù, họ còn khinh bỉ ĐCSTQ hơn so với trước khi bị cầm tù.

Gần đây, Washington Post đã đăng một bài viết có tiêu đề “Nhà tù ở Hồng Kông buộc các nhà hoạt động trẻ trung thành với Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Bài báo trích dẫn dữ liệu từ Cục Cải huấn, cho biết tính đến ngày 30/4 năm nay, 871 tù nhân trẻ tuổi đã tham gia giáo dục “khử cực đoan hóa”, 70% trong số đó có liên quan đến phong trào “chống dẫn độ”, và người trẻ nhất chỉ mới 14 tuổi.

Cục Cải huấn của Hồng Kông từ chối cung cấp thêm thông tin về giáo dục “khử cực đoan hóa”.

Tờ Washington Post đã phỏng vấn 3 tù nhân trưởng thành và và 10 tù nhân vị thành niên bị bỏ tù vì biểu tình, hiện đã được ra tù, cũng như 2 cựu nhân viên của Cục Cải huấn.

Mục đích của việc “khử cực đoan hóa” là khiến các tù nhân cảm thấy bất lực, ngăn cản các tù nhân trẻ tuổi tham gia các cuộc biểu tình trong tương lai, thậm chí ngăn cản họ nhìn thấy tương lai ở Hồng Kông, cựu nhân viên của Cục Cải huấn cho biết.

Cán bộ này cho biết, với sự chỉ đạo rõ ràng của cấp trên, nguyện vọng tham gia hoạt động chính trị của tù nhân sau khi ra tù ngày càng ít đi.

Leo, một tù nhân vị thành niên, đã lên án “24 giờ tẩy não”. Anh ấy mô tả “điều thực sự dần dần làm suy yếu ý chí chiến đấu là cuộc sống hàng ngày trong tù … bị nhắm mục tiêu, bị áp bức, bịt miệng.”

Man, một tù nhân vị thành niên khác, nói rằng anh ta được huấn luyện hành quân kiểu Trung Quốc hàng ngày, và không thể sử dụng từ tiếng Anh “Sir” để xưng hô với sĩ quan, mà thay vào đó phải dùng tiếng Trung Quốc.

Có nhiều cách “khử cực đoan”, bao gồm học lịch sử Trung Quốc do ĐCSTQ viết, tham gia các khóa học giáo dục quốc gia, tái cấu trúc tâm lý và giá trị quan, và “từng bước loại bỏ tư duy cực đoan của nó”.

Washington Post dẫn lời một nhà tâm lý học của Cục Cải huấn nói rằng giáo dục “khử cực đoan hóa” đã biến phần điều trị tâm lý cho các tù nhân chính trị thành một sự thú nhận, khiến người ta phải cảm thấy hối hận về sự đấu tranh trong quá khứ, và thừa nhận rằng những tư tưởng trước đây là cực đoan.

Các tù nhân bị buộc phải xem những bộ phim tuyên truyền nổi tiếng của Trung Quốc như “Hồ Trường Tân”. Một số tù nhân phải xem bộ phim này nhiều lần trong vài tuần. Họ phải điền vào một mẫu đơn để viết ra nhân vật yêu thích của họ là ai.

Một thanh niên ra tù năm ngoái tiết lộ với VOA rằng anh đã phải xem đi xem lại những bộ phim ủng hộ ĐCSTQ trong tù, chẳng hạn như cách Chính phủ Trung Quốc giúp đỡ người nghèo ở vùng sâu vùng xa, công nghệ tiên tiến như thế nào và một số phim về Greater Bay Area (khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông–Hồng Kông–Macao) và lịch sử Trung Quốc, v.v.

Họ “cho chúng tôi xem những video này, cố gắng tẩy não chúng tôi… còn phải liên tục xem đi xem lại chúng trong một thời gian.”

Washington Post đưa tin rằng chính quyền cũng yêu cầu nhân viên cải huấn và các nhà trị liệu trong tù tập trung theo dõi các tù nhân chính trị, và báo cáo thông tin liên quan cho cảnh sát. Mỗi buổi sáng, các nhân viên phải nộp báo cáo hoạt động hàng ngày của các tù nhân chính trị, điều mà trước đây không hề có.

Trong số những tội phạm vị thành niên được phỏng vấn, trừ một người, còn lại tất cả mọi người đều bày tỏ họ không hối tiếc về việc tham gia phong trào chống dẫn độ. “Tôi rất cứng đầu, các người nói gì cũng không ảnh hưởng đến tôi”, một người trong số họ nói. Một số người cũng nói rằng sau khi ra tù, họ còn coi thường ĐCSTQ hơn cả trước khi vào tù.

Ông Trương Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), Trưởng Đặc khu Hồng Kông đương nhiệm, từng đến Tân Cương để “khảo sát”. Sau đó, ông nói rằng kinh nghiệm chống khủng bố của Tân Cương đáng để Hồng Kông tham khảo.

Thuật ngữ “khử cực đoan hóa” cũng gợi nhớ đến các biện pháp tương tự của Tân Cương được đưa ra dưới danh nghĩa các trung tâm giáo dục và đào tạo.

Học giả Hồng Kông Thẩm Húc Huy (Simon Shen) từng thẳng thắn tuyên bố rằng thuật ngữ “giáo dục khử cực đoan” rất đáng sợ và các “trại cải tạo” ở Tân Cương là nhằm mục đích “khử cực đoan hóa”.

ĐCSTQ cũng đã thông qua “Quy định chống cực đoan hóa Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương” vào năm 2017, cho phép mọi hành động và biện pháp của chính quyền được thực hiện “theo quy định của pháp luật”. Người dân Hồng Kông phải chuẩn bị tinh thần để chào đón sự ra đời của kỷ nguyên các trại cải tạo “khử cực đoan hóa” ở Tân Cương.

Theo ông Perry Link, Giáo sư tại Đại học Princeton ở Hoa Kỳ, toàn bộ chiến lược “phi cực đoan hóa” trực tiếp mô phỏng các hoạt động của ĐCSTQ ở những nơi khác. Hệ thống tẩy não này đã được sử dụng, thực hành, hoàn thiện và tạo ra nhiều lần ở Trung Quốc kể từ đầu những năm 1950.