Nhà kinh tế Trung Quốc Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping) gần đây đã đăng một bài báo trên trang 163.com tại Trung Quốc Đại Lục, nói rằng các cuộc khảo sát cho thấy 90% người dân không muốn sinh 3 con và kêu gọi thành lập quỹ hỗ trợ để khuyến khích sinh con, trợ cấp tiền mặt và tín dụng thuế cá nhân cho các gia đình có 2 hoặc 3 con, đồng thời ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có liên quan.

Trong bài báo, tác giả Nhậm Trạch Bình cho biết, theo khảo sát về mức độ sẵn sàng sinh đẻ, trong bình chọn “Nếu chính sách sinh đẻ trong tương lai được tự do hóa hoàn toàn, bạn sẵn sàng sinh bao nhiêu con”, khoảng 90% đã chọn sinh 2 con trở xuống, tức là, chỉ 10% số người chọn sinh 3 con trở lên.

Sau khi chính sách 3 con được tự do hóa, mức độ sẵn sàng sinh con của những người trẻ tuổi không tăng mà ngược lại, tỷ lệ mới sinh vào năm 2020 đã xuống mức thấp kỷ lục. Để khuyến khích sinh con, chính quyền các địa phương đã đưa ra nhiều chính sách, trong đó ưu đãi nhất là khuyến khích nghỉ phép, chẳng hạn ở một số nơi, phụ nữ sinh 3 được nghỉ thai sản 180 ngày. Tác giả Nhậm Trạch Bình cho rằng những chính sách này rất hào phóng nhưng thực chất là sự hào phóng của chính phủ đối với doanh nghiệp, điều này không chỉ làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp mà còn dẫn đến tình trạng kỳ thị trong việc nữ giới tìm việc làm.

Theo khảo sát, ý kiến phổ biến nhất là việc cung cấp trợ cấp tiền mặt và các dịch vụ chăm sóc trẻ em phổ cập để giảm chi phí sinh con, nuôi dạy con cái và giáo dục một cách thiết thực.

Tác giả Nhậm Trạch Bình kiến nghị chính quyền trung ương và địa phương có thể xem xét thành lập quỹ hỗ trợ để khuyến khích sinh con, thậm chí tương tự như công cụ hỗ trợ giảm phát thải carbon của ngân hàng trung ương năm nay. Ngân hàng trung ương trực tiếp thành lập quỹ hỗ trợ sinh con để trợ cấp tiền mặt cho gia đình và khấu trừ thuế cá nhân cho gia đình sinh 2 hoặc 3 con, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có liên quan.

Đồng thời, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ (0 đến 3 tuổi), xem xét đưa vào chương trình giáo dục mẫu giáo từ 3 đến 6 tuổi vào nghĩa vụ giáo dục. Bổ sung bằng các khuyến khích kỳ nghỉ, bảo vệ quyền và lợi ích việc làm của phụ nữ, thực hiện giá nhà ở hợp lý và ổn định lâu dài. Chia sẻ một cách hợp lý chi phí sinh của cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ.

Tác giả Nhậm Trạch Bình cho rằng dân số già của Trung Quốc đang đuổi kịp Nhật Bản và tỷ lệ sinh ít con đang nghiêm trọng hơn. Tổng tỷ suất sinh năm 2020 là 1,3, thấp hơn mức 1,34 của Nhật Bản. Xét các số liệu từ nhiều nơi, tỷ suất sinh vẫn đang giảm vào năm 2021.

Theo số liệu điều tra, những lời kêu gọi “phân phối trực tiếp trợ cấp sinh đẻ và nuôi dạy trẻ”, “xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em phổ cập” và “giảm một phần học phí trong giai đoạn giáo dục không bắt buộc” là những lời kêu gọi nhiều nhất. Điều này cho thấy rằng các bậc cha mẹ thường quan tâm đến chi phí trực tiếp của việc sinh con và chi phí giáo dục. Có thể có một số lo ngại về mâu thuẫn giữa nghỉ thai sản và việc làm. Do đó, trong bầu chọn “Nếu chính sách sinh con trong tương lai được tự do hóa hoàn toàn, bạn muốn có bao nhiêu con”, 90% người đã chọn sinh hai con trở xuống.

Từ một tập hợp dữ liệu, có thể thấy lý do tại sao người Trung Quốc không muốn có con, bởi vì ở Trung Quốc, họ “có khả năng sinh con, nhưng không thể nuôi được”.

Chi phí giáo dục tăng một cách rõ rệt, từ năm 1997 – 2019, tỷ lệ trẻ em trong trường mầm non công lập giảm từ 95% xuống 44%.

Chi phí điều trị y tế tiếp tục tăng, từ năm 1990 – 2020, chi trả cho điều trị y tế và chăm sóc sức khỏe của cư dân thành thị tăng 85 lần. 

Giá nhà tăng nhanh, năm 2004 – 2020, thu nhập cho vay mua nhà tăng 17% lên 56%.

Gánh nặng kết cấu gia đình “421” (4 người già gồm bố mẹ chồng và bố mẹ vợ, 2 vợ chồng, 1 con) đè bẹp ý nguyện sinh con.

Tỷ lệ tham gia lao động nữ cao nhưng việc bảo vệ quyền lợi việc làm vẫn chưa đủ, dẫn đến chi phí sinh con cao.

Mặc dù ĐCSTQ đã thực hiện chính sách “sinh 3 con” nhưng điều đó không giúp ích được gì. Khoa Xã hội học thuộc Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung tại Trung Quốc Đại Lục, mới đây đã công bố kết quả điều tra đối với 7642 người ở 25 tỉnh (khu vực, thành phố), cho thấy so sánh với trước khi sinh, sinh một con làm giảm tỷ lệ cơ hội việc làm của người vợ khoảng 6,6%; đối với những người vợ tiếp tục sinh con thứ hai, cơ hội việc làm của họ lại giảm xuống 9,3%.

Theo phân tích của tổ chức nghiên cứu “Kinh tế chính trị Thiên Quân”, khi con người không đủ khả năng để nuôi dạy con cái, thậm chí là cha mẹ có nguy cơ thất nghiệp do sinh con, áp lực cuộc sống trên có người già, dưới có trẻ nhỏ đương nhiên sẽ tăng lên. Và bất động sản đã trói chặt nền kinh tế Trung Quốc, hút hết của cải của người dân, những người trẻ tuổi không muốn trở thành “nô lệ của bất động sản” và thậm chí không có hứng thú với hôn nhân, chứ chưa nói đến việc sinh con.

Đinh Hiểu Vũ, Vision Times

Xem thêm: