Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc Đại Lục năm nay đạt mức cao kỷ lục. Vấn đề sinh viên ra trường gặp khó khăn trong tìm việc làm cũng là một trong những tâm điểm của dư luận xã hội hiện nay. Báo cáo nói rằng tại Đại Lục “30 suất biên chế nhưng có đến 4.000 người tranh nhau” đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng.

shutterstock 481250335
Sinh viên Trung Quốc tìm hiểu việc làm năm 2014. (Ảnh: humphery/ Shutterstock)

Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay lần đầu tiên vượt quá 10 triệu và 4.000 người tranh 30 suất biên chế

Năm nay, có 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp giáo dục bậc cao ở Trung Quốc Đại Lục, tăng 1,67 triệu so với năm ngoái và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, số sinh viên tốt nghiệp vượt quá 10 triệu.

Hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp này phải đối mặt với khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến mùa tốt nghiệp. Vào ngày 30/5, truyền thông Đại Lục là trang tin “Tài chính kinh tế số 1” (Yicai.com) đã đăng một báo cáo về “30 người vào biên chế nhưng có đến 4.000 người ứng tuyển, và vấn đề việc làm của hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp giáo dục bậc cao rất khó giải quyết”.

Báo viết nói rằng với mùa tốt nghiệp đang đến gần, ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục và áp lực đi xuống đối với nền kinh tế, “đi đâu về đâu” vẫn là một bài toán chưa có lời giải đối với nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học.

Một phụ đạo viên khoa tiếng Anh của một trường đại học cho biết, dù tuyển dụng vào mùa thu năm ngoái hay mùa xuân năm nay, số lượng vị trí và mức lương nhân viên đưa ra thị trường của các cơ sở giáo dục và đào tạo đều giảm mạnh, trong khi một số lượng lớn giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy đã tham gia vào thị trường việc làm, dẫn đến triệt tiêu nhu cầu của bộ phận sử dụng lao động trong thị trường giáo dục ngắn hạn, và rất khó để sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tốt nghiệp năm nay tìm được việc làm.

Sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành kiến ​​trúc, quản lý, máy tính và các chuyên ngành khác đều cảm thấy có ít con đường hơn để đi.

Cao Hâm (Gao Xin) là một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính và trường đại học của anh đã được đưa vào danh sách “Điểm kiến thiết chuyên nghiệp chính quy hàng đầu cấp tỉnh Quảng Đông năm 2021”. Tuy nhiên, anh đã bỏ lỡ đợt tuyển dụng mùa thu vì đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học, anh nhận thấy thông tin tuyển dụng cho một số vị trí phát triển phần mềm ở các “nhà máy lớn” đã biến mất trong các phần mềm tìm việc như “Yong Yong”. “Rõ ràng, trong đợt tuyển dụng vào mùa thu năm ngoái, có số lượng trống khá lớn cho các vị trí như vậy.”

Báo cáo “Dữ liệu việc làm sau khi tốt nghiệp đại học năm 2022″ do Viện nghiên cứu dữ liệu lớn Liepin công bố gần đây cũng cho thấy, trong 3 năm qua, mặc dù cơ hội việc làm do ngành Internet mang lại đã giảm sút, nhưng đây vẫn là ngành có nhiều cơ hội việc làm nhất. Theo khảo sát về sở thích việc làm của sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học trọng điểm (trường học thuộc Dự án 985 / Dự án 211), ngành Internet cũng là ngành sinh viên tốt nghiệp tham gia làm việc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong 3 năm qua, và ngành nghề trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, v.v, giảm sức hấp dẫn hơn đối với sinh viên tốt nghiệp chất lượng cao.

Hoàng Thiến (Huang Qian) đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh của một trường đại học hàng đầu ở Vũ Hán. Để ghi chép lại việc học lên lớp cao hơn trong một năm tới, và trải nghiệm tìm việc nên cô đã đặc biệt chuẩn bị cuốn sổ tay. Gần đây, cô đã đánh dấu một lựa chọn việc làm khác trong cuốn sổ: “Ứng tuyển biên chế chương trình thu hút nhân tài cho đơn vị sự nghiệp ở một quận thuộc thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã thất bại”; “Thi tuyển sinh sau đại học, thất bại; tham gia chương trình lựa chọn sinh viên, nhưng không được nhận; ứng tuyển làm giáo viên trung học cơ sở ở Vũ Hán, nhưng không được tuyển dụng; kỳ thi tỉnh Hồ Bắc, bị hoãn …” Nhìn điểm đến các hướng đi sau khi tốt nghiệp được viết ra rồi lại gạch bỏ, Hoàng Thiến rơi vào tình trạng bàng hoàng.

Học viện Ngoại ngữ mà Hoàng Thiến học có tổng cộng khoảng 90 sinh viên tốt nghiệp năm nay, và trong “Danh sách thống kê có chủ đích dành cho người tốt nghiệp năm 2022” của trường này, hơn 30 người đã chọn tham gia kỳ thi công vụ hoặc dự thi biên chế. Trong số các nhóm tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học, gần một nửa cho biết họ sẽ chuẩn bị cho kỳ kiểm tra công vụ hoặc thi biên chế.

“Áp lực cạnh tranh quá lớn,” cô nói, ví dụ như ở Vũ Hán, nếu là thi tuyển vào biên chế. Năm nay, ngay cả đăng ký ứng tuyển vào một phòng đăng ký kết hôn thuộc Cục Dân chính quận Vũ Xương, tỷ lệ chọi là 1:400; trong khi một trường trung học cơ sở công lập tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, tỷ lệ chọi thường là hơn 300 đến 400.

Suy đi nghĩ lại, Hoàng Thiến cuối cùng đã từ bỏ việc thi vào công vụ hoặc biên chế ở Vũ Hán. Sau đó, cô chú ý đến kế hoạch thu hút nhân tài tại một khu vực ở tỉnh Sơn Đông.

Hoàng Thiến kể lại, ngưỡng thấp nhất cũng là “vị trí quản lý tổng hợp” duy nhất mà cô đủ tiêu chuẩn đăng ký thì đã có 30 người được tuyển, nhưng số người đăng ký ứng tuyển cho vị trí này là hơn 4000 người. “Chỉ riêng lọc ra các nghiên cứu sinh Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán, thì số người cũng đã hơn cả số tuyển dụng.”

Đúng như dự đoán, tin tức đăng ký dự thi của Hoàng Thiến cuối cùng cũng ‘biệt tăm’. Và trải nghiệm của Hoàng Thiến không phải là trường hợp cá biệt.

Bài viết nói trên từng có thời điểm lọt vào danh sách tìm kiếm nóng, thu hút sự bàn tán sôi nổi của cư dân mạng: “Tìm việc khó khăn, đặc biệt là sinh viên nông thôn vay mượn tiền để tiếp tục học tập, sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm, thì tâm lý sẽ xuất hiện vấn đề.”;  “Mỗi năm đều có lượng lớn sinh viên tốt nghiệp, lượng lớn người thi vào biên chế, lượng lớn người thi nghiên cứu sinh, nên vấn đề việc làm sẽ chỉ ngày càng khó khăn!”

Sinh viên tốt nghiệp: Năm nay khó tìm việc nhất

Thượng Hải không chỉ là trung tâm sản xuất và trung tâm thương mại nước ngoài mà còn là trung tâm tài chính của Trung Quốc, việc đóng cửa thành phố 2 tháng do dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/5, tỷ lệ thất nghiệp trong cuộc khảo sát đô thị toàn quốc đã tăng 0,3 điểm phần trăm lên 6,1 điểm phần trăm vào tháng Tư, mức cao mới kể từ tháng 3/2020. Trong số đó, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm dân số 16-24 tuổi được khảo sát ghi nhận là 18,2%, cao nhất trong lịch sử dữ liệu.

Trong tháng Tư, ở các thành phố và thị trấn có khoảng 1,21 triệu việc làm mới, không chỉ thấp hơn 1,4 triệu so với cùng kỳ năm ngoái mà còn thấp hơn 1,25 triệu vào trong đợt dịch tháng 4/2020. Những con số này phản ánh tình hình tồi tệ hiện nay của thị trường lao động, và điều này xảy ra vào thời điểm 10,76 triệu sinh viên chưa chính thức tốt nghiệp trong năm nay.

Zhaopin (nền tảng tuyển dụng và tìm việc làm) gần đây đã phát hành “Báo cáo khảo sát khả năng việc làm của sinh viên đại học năm 2022”, cho thấy tính đến tháng Năm, tỷ lệ ký hợp đồng việc làm của sinh viên nam tốt nghiệp là khoảng 23% và chỉ có 10% sinh viên nữ tốt nghiệp, cả hai đều thấp hơn năm ngoái.

Trang tin BBC tiếng Trung ngày 30/5 đưa tin, Phùng Hoa Mỹ (Feng Huamei) học tại một trường thuộc “Dự án 211” ở đồng bằng sông Dương Tử, sẽ tốt nghiệp năm nay. Cô chia sẻ một cách buồn bã: “Trước đây, các anh chị khóa trước đăng ký học sau đại học một năm ở Hồng Kông, tỷ lệ thành công khá cao. Năm nay, tôi nộp hồ sơ vào 3 trường Hồng Kông, nhưng đều bị từ chối. Cô cho rằng năm nay các trường ở Hồng Kông đặc biệt gay gắt, các trường thuộc ‘Dự án 211’ không có hy vọng, phải là các trường thuộc ‘Dự án 985’.” Cô thở dài rằng năm nay thật sự rất khó khăn.