Khi áp lực chi phí và lợi nhuận gia tăng trong ngành AI (trí tuệ nhân tạo) của Trung Quốc, một cuộc cải tổ sắp diễn ra. Tuy nhiên, các dự án liên quan đang được phát triển ở nhiều nơi khiến người ta lo lắng việc phát triển theo kiểu “Đại nhảy vọt” sẽ “dở dang” như các dự án chip trước đây.

Trí tuệ nhân tạo
(Ảnh minh họa: Metamorworks/ShutterStock)

Các nhà đầu tư đã thức tỉnh đối với ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc

Vào đầu năm nay, sự thành công của ChatGPT đã lần đầu tiên gây ra sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc. Các công ty ở Trung Quốc lần lượt tung ra các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của riêng họ và “cuộc cạnh tranh lớn” đã bắt đầu. Hiện tại, cơn sốt AI tạo sinh của Trung Quốc gần như mỗi ngày đều sẽ kích hoạt các đợt ra mắt sản phẩm mới từ các công ty khởi nghiệp và ‘gã khổng lồ’ công nghệ.

Theo công ty môi giới chứng khoán CLSA, Trung Quốc hiện có ít nhất 130 mô hình ngôn ngữ quy mô lớn, chiếm 40% tổng số toàn cầu, chỉ sau Mỹ với 50%. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc đã công bố hàng chục “LLM dành riêng cho ngành” liên quan đến mô hình cốt lõi của họ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư và nhà phân tích cho rằng hầu hết vẫn chưa tìm được mô hình kinh doanh khả thi, các mô hình ngôn ngữ quá giống nhau và đang phải vật lộn với chi phí tăng vọt. Khi áp lực chi phí và lợi nhuận tăng lên, một cuộc cải tổ sắp diễn ra.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington cũng đang đè nặng lên ngành khi các quỹ đô la Mỹ đầu tư ít hơn vào các dự án giai đoạn đầu, tác động của việc khó tiếp cận chip trí tuệ nhân tạo do các công ty như Nvidia sản xuất bắt đầu sinh ra sự ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Reuters hôm 22/9, Esme Pau, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số và Internet Trung Quốc tại Macquarie Group, cho biết: “Chỉ những công ty có năng lực nhất mới tồn tại được”. Bà dự đoán, cùng với việc các công ty tranh giành người dùng, sẽ xuất hiện sự điều chỉnh tài nguyên và cuộc chiến giá cả.

Bà nói thêm rằng một số công ty hàng đầu cho biết họ sẽ cạnh tranh về giá để giành thị phần, giống các công ty như Alibaba và Tencent đã làm. “Trong 6 – 12 tháng tới, các công ty có năng lực thấp hơn sẽ dần bị loại do hạn chế về chip, chi phí cao và cạnh tranh gia tăng.”

Bà Viên Hồng Vĩ (Yuan Hongwei), chủ tịch công ty đầu tư mạo hiểm Z&Y Capital ở Thâm Quyến, cho biết bà tin rằng cuối cùng chỉ có hai đến ba LLM sẽ thống trị thị trường. Đó là lý do tại sao bà tìm kiếm những công ty có kinh nghiệm khi quyết định đầu tư vào công ty khởi nghiệp.

Có một số doanh nhân và quản lý cấp cao nổi tiếng khác đứng sau các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc, chẳng hạn như Lý Khai Phúc (Kai-Fu Lee) giám đốc điều hành của Google Trung Quốc.

Những người khác cho rằng các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu có khởi đầu thuận lợi nhất, có nguồn vốn dồi dào để thành công nhờ cơ sở người dùng lớn và nhiều dịch vụ đa dạng. Ví dụ họ có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ AI tạo sinh cho người dùng.

Tony Tung, giám đốc điều hành Greater Bay Area tại Gobi Ventures, cho biết: “Những ‘gã khổng lồ’ công nghệ hiện tại đã thừa hưởng những lợi thế của hầu hết các kịch bản kinh doanh dễ thực hiện nhất từ ​​hệ sinh thái đã có của họ.”

Bà nói thêm rằng “một số nhà đầu tư hối tiếc khi đầu tư quá sớm vào các công ty phát triển LLM đang ở đỉnh cao của sự cường điệu hồi đầu năm nay, vì nhiều công ty khởi nghiệp như vậy đang gặp khó khăn trong việc xây dựng các ứng dụng thương mại mạnh mẽ, tìm cách hợp tác với những ‘gã khổng lồ’ công nghệ hoặc có khả năng bán cho họ. Vào thời điểm đặc biệt này, các nhà đầu tư chắc chắn đã tỉnh táo hơn nhiều so với hồi đầu năm.”

Liệu việc phát triển các dự án trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc có còn dang dở?

Ngày 28/4, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để phân tích, nghiên cứu tình hình kinh tế và công tác kinh tế hiện nay. Hơn nữa, lần đầu tiên người ta đề xuất rằng “cần chú trọng phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới và chú ý đến việc phòng ngừa rủi ro”.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AGI) là trí tuệ máy móc với trí thông minh chung của con người có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ trí tuệ nào mà con người có thể thực hiện. Trí tuệ nhân tạo tạo sinh là mục tiêu chính của một số nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, một số nhà nghiên cứu gọi trí tuệ nhân tạo AI mạnh (AI mạnh) hoặc AI hoàn chỉnh (AI đầy đủ), hoặc máy móc có khả năng thực hiện các hành động thông minh nói chung. So với AI yếu, AI mạnh có thể cố gắng thực hiện đầy đủ các khả năng nhận thức của con người.

Sau đó, Bắc Kinh, Thâm Quyến và những nơi khác đã ban hành văn bản công bố phát triển trí tuệ nhân tạo.

Chẳng hạn, kế hoạch của Thâm Quyến cho thấy “cần phải thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng cấp cao trong mọi lĩnh vực, đồng thời sử dụng nỗ lực của cả thành phố để… phấn đấu tạo ra quốc gia tiên phong về trí tuệ nhân tạo toàn cầu”.

Mục tiêu kế hoạch của Bắc Kinh là đến năm 2025, đổi mới công nghệ trí tuệ nhân tạo và phát triển công nghiệp của Bắc Kinh sẽ bước vào một giai đoạn mới, các công nghệ cốt lõi chủ chốt về cơ bản sẽ được kiểm soát độc lập, trong đó có một số công nghệ và nghiên cứu ứng dụng đạt trình độ tiên tiến của thế giới; hình thành một môi trường cạnh tranh quốc tế và nhóm ngành nghề công nghiệp chiếm ưu thế về công nghệ; về cơ bản được thiết lập như một nguồn đổi mới trí tuệ nhân tạo có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Một số tỉnh, thành phố khác cũng sẽ học theo Bắc Kinh và Thâm Quyến trong việc đưa ra kế hoạch tương tự để phát triển trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự phát triển trí tuệ nhân tạo theo kiểu “Đại nhảy vọt” sẽ “dang dở” như các dự án chip trước đây.

Bloomberg trước đó đưa tin, ông Tập Cận Bình thất vọng vì hàng chục tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp chip trong thập kỷ qua không đạt được bước đột phá.

Quan chức Trung Quốc đã đưa ra nhiều kế hoạch “sản xuất chip”, cố gắng đạt được những đột phá lớn trong các công nghệ chủ chốt thông qua đầu tư vốn lớn. Tuy nhiên, lần lượt các công ty được gọi là công ty “chip” không đạt được thành tựu gì và phá sản sau khi cạn kiệt nguồn vốn nhà nước, và dự án “dở dang”. Ví dụ, vào ngày 1/10/020, tuần báo “Liêu Vọng” chính thức của Trung Quốc đã đăng một bài viết nói rằng “6 dự án bán dẫn lớn hàng chục tỷ lần lượt bị đình chỉ. Ngành công nghiệp lo lắng sự bùng nổ sản xuất cốt lõi sẽ gây ra một làn sóng công trình dở dang và gây thất thoát tài sản nhà nước.”