Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ tuần này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập Cận Bình, đã ám thị rằng điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với nền kinh tế nước này trong ngắn hạn. Nhưng các nhà kinh tế chỉ ra rằng sự biến mất của lợi tức dân số của Trung Quốc sẽ là một thách thức lớn trong tương lai.

luu hac
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngày 17/1, ông Lưu Hạc đã cố gắng truyền tải một thông điệp tới các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ rằng: Với việc hủy bỏ chính sách phòng chống dịch zero-COVID, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi, các doanh nghiệp nước ngoài được hoan nghênh đầu tư vào Trung Quốc.

Trong một cuộc thảo luận nhóm tại Davos có tiêu đề “Chương tiếp theo của Trung Quốc” cũng có sự lạc quan về việc Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Ông Kevin Rudd, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Asia Society, cho biết nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trở lên trong năm nay, điều này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Tuy nhiên, các biện pháp như nới lỏng quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với ngành bất động sản khó có thể giải quyết được một loạt thách thức kinh tế, đầu tiên là lợi tức dân số của Trung Quốc đã biến mất.

Các nhà kinh tế được Wall Street Journal (WSJ) phỏng vấn cho biết, mức tăng trưởng dân số âm lần đầu tiên xuất hiện kể từ năm 1961, cùng với tỷ lệ sinh tăng trưởng chậm lại, nợ cao và bất bình đẳng xã hội gia tăng sẽ đè nặng lên nền kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới.

Hôm thứ Ba (17/1), Trung Quốc đã báo cáo rằng năm 2022 kinh tế tăng trưởng 3%, mức tăng thấp thứ hai kể từ năm 1976. Đồng thời, họ tuyên bố rằng dân số Trung Quốc sẽ giảm 850.000 người, xuống còn 1,412 tỷ người vào năm 2022.

Điểm uốn xuất hiện sớm hơn của lợi tức dân số đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng.

Đối với nền kinh tế toàn cầu, người Trung Quốc vừa là công nhân trong công xưởng của thế giới, vừa là thị trường tiêu thụ ô tô và hàng xa xỉ khổng lồ. Nhưng giờ đây, dân số ngày càng thu hẹp đã khiến Trung Quốc không còn lợi thế độc tôn, vị thế công xưởng của thế giới có thể sẽ phải nhường chỗ cho Ấn Độ.

Ông Roland Rajah, nhà kinh tế trưởng của Viện Lowy, một tổ chức tư vấn ở Sydney, nói với Wall Street Journal rằng khả năng Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất đang ngày càng nhỏ đi, do dân số ngày càng thu hẹp.

Ông Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian), tác giả cuốn sách “Big Country With an Empty Nest” (Nước lớn với cái tổ trống)​, kiêm học giả tại Đại học Wisconsin, Hoa Kỳ, cũng có quan điểm tương tự khi trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do.

Ông nói: “Tôi dự đoán rằng đến năm 2030 và 2035, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ thấp hơn so với Hoa Kỳ. Trước đó khoảng cách với Mỹ từng không ngừng được thu hẹp, nhưng sẽ không ngừng mở rộng trong tương lai. Kinh tế của Trung Quốc không thể vượt qua Hoa Kỳ.”

Ông Dịch Phú Hiền chỉ ra rằng trong một cơ cấu kinh tế mà các ngành liên quan đến bất động sản đã chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), việc thiếu lực lượng lao động và số lượng người mua nhà giảm sẽ trực tiếp dẫn đến suy thoái kinh tế, từ đó có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính.

Ngoài ra, sự thiếu hụt lực lượng lao động sản xuất cũng làm thay đổi đầu tư vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng quốc tế. Tác động trực tiếp nhất đến Trung Quốc là áp lực việc làm vốn đã xuất hiện trước kia.

Mặt khác, thị trường lao động yếu kém và suy thoái trong ngành bất động sản cũng khiến sức chi tiêu của nhiều hộ gia đình Trung Quốc yếu đi. Tháng 12/2022, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 -24 tuổi ở Trung Quốc vẫn ở mức cao 16,7%.

Theo ông David Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Credit Suisse, tốc độ tăng trưởng thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Trung Quốc trong 5 năm tới có thể chậm lại, giảm xuống còn khoảng 4%, bằng một nửa so với trước khi xảy ra dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID).

Lực lượng lao động bị thu hẹp có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế. S&P Global Ratings dự kiến ​​dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm với tốc độ hàng năm là 0,2% cho đến năm 2030.

Tăng trưởng năng suất lao động của Trung Quốc cũng đang chậm lại. Conference Board ước tính rằng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân của Trung Quốc đã giảm từ 2,7% xuống 1,3% trong 1 thập kỷ qua, tính đến năm 2019.

Ngoài ra, các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng mô hình cũ của Trung Quốc khuyến khích chính phủ và các công ty vay nhiều hơn để đầu tư, nhằm thúc đẩy tăng trưởng là không bền vững.

Mặc dù có nhiều sự lạc quan tại diễn đàn Davos, nhưng các nhà đầu tư và giám đốc điều hành doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc vẫn rất thận trọng về việc liệu chính quyền Trung Quốc có sẵn sàng giảm hoàn toàn các hạn chế đối với các công ty trong vài năm qua, và chấp nhận lại vốn tư nhân hay không.

Ông Lưu Hạc, người sẽ nghỉ hưu vào tháng 3/2023, đã cố gắng xua tan những lo ngại đó khi nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ có một nền kinh tế kế hoạch.

Nhưng một số nhà kinh tế cho rằng việc ông Tập thúc đẩy tự cung tự cấp trong các ngành như chất bán dẫn và dược phẩm, cũng như xu hướng áp đặt cách thức hoạt động của các công ty tư nhân là có hại cho nền kinh tế.

Nhiều người tin rằng mong muốn của ông Tập Cận Bình nhằm đảm bảo rằng sự kiểm soát của ĐCSTQ sẽ được mở rộng ra toàn xã hội lớn hơn nhiều so với việc phát triển nền kinh tế thị trường.

Ngoài tác động kinh tế, ông Ngô Cường (Wu Qiang), một học giả độc lập về Bắc Kinh, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng chính quyền Bắc Kinh có thể trở nên cảnh giác khi giải quyết các vấn đề quốc tế, vấn đề Đài Loan và nhân quyền trong nước.