Nhiều tham quan Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngần ngại dùng các thủ đoạn như ly hôn giả, hay đưa người thân ra nước ngoài… để tẩu tán tài sản bất chính nhằm sẵn sàng bỏ trốn khi cần thiết.

Air China
Trong số những người giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài vài năm gần đây, một lượng đáng kể là vợ, chồng, nhân tình và con cái của các quan chức ĐCSTQ. (Ảnh minh họa: Markus Mainka/Shuttertock)

Ngày 20/10, theo tin tức do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc, ông Lưu Thích (Luu Ti) – cựu Phó tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải – đã bị bắt vì cho phép nhiều doanh nghiệp có vấn đề vào danh sách niêm yết, từ đó tìm kiếm lợi ích không chính đáng. Hiện tại, ông Lưu Thích đã bị đưa vào hồ sơ để điều tra, thông tin điều tra cũng chỉ ra quan tham này đã giả mạo thông tin hồ sơ cá nhân bằng cách “ly hôn giả” để lừa tổ chức, không báo cáo các vấn đề cá nhân theo yêu cầu tổ chức.

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã phát hiện không ít trường hợp “ly hôn giả” như ông Lưu Thích, mục đích nhằm chia tài sản tham nhũng và che giấu những lợi ích bất hợp pháp có được qua lạm dụng quyền chức.

Ngày 19/10, cựu Giám đốc Vương Đại Vĩ (Wang Dawei) của Sở Công an tỉnh Liêu Ninh bị xét xử tại Tương Dương – Hồ Bắc, bị cáo buộc tội nhận hối lộ 555 triệu nhân dân tệ (~75,8 triệu USD). Trước đó cơ quan chức năng ĐCSTQ tuyên bố rằng quan chức này dùng hôn nhân giả để lừa dối tổ chức nhằm che đậy tài sản. Các thông tin chỉ ra rằng Vương Đại Vĩ và vợ đã thỏa thuận ly hôn giả, chuyển tài sản sang tên vợ, để vợ con định cư ở nước ngoài và chuyển phần lớn tài sản của ông ta sang tài khoản ở nước ngoài thông qua các giao dịch và chuyển tiền giả. Để chuyển hướng sự chú ý, ông ta đã hợp tác với nhân tình để thành lập một “tổ chức lừa đảo kết hôn giả”.

Ngày 17/7, ông Triệu Kiến Vĩ (Zhao Jianwei) – cựu Công tố viên trưởng Viện kiểm sát thành phố Đại Liên – dù đã nghỉ hưu được 7 năm cũng đã bị khai trừ khỏi ĐCSTQ, đây là thông báo chính thức đầu tiên về điều tra đối với Triệu Kiến Vĩ. Thông tin chỉ ra quan tham này dùng ly hôn giả lừa dối tổ chức, nhằm đối phó kiểm tra tài sản.

Ngày 25/6, ông Phạm Lập Hoa (Pan Lihua) – cựu Phó Bí thư Tổ đảng Ban Thường vụ Nhân đại thành phố Tập An tỉnh Cát Lâm – bị sa thải, bị cáo buộc có vấn đề về quan hệ gia đình, không trung thành và không trung thực với tổ chức, che giấu tài sản bằng hình thức ly hôn giả…

Một trường hợp tương tự khác là Tưởng Tôn Ngọc (Jiang Zunyu) – cựu Ủy viên Thường vụ Thành ủy và cựu Bí thư Ban Chính pháp Thâm Quyến – cũng được mệnh danh là một trong những đại diện của quan chức “ly hôn giả”. Đầu năm 2013, Tưởng Tôn Ngọc đối mặt với nhiều tố giác, trước khả năng đoàn thanh tra trung ương đến Thâm Quyến để kiểm tra, ông này đồng ý ly hôn với vợ và làm thủ tục ly hôn. Sau khi “ly hôn”, vợ chồng Tưởng Tôn Ngọc vẫn sống với nhau và chưa bao giờ đề cập đến việc ly hôn của họ với người khác hay con cái của họ. Tại phiên sơ thẩm vào tháng 8/2017, ông Tưởng Tôn Ngọc bị kết án tù chung thân với cáo buộc liên quan đến tổng số tiền bất minh 250 triệu nhân dân tệ (~34,2 triệu USD).

Thực tế cho thấy các vụ án điều tra quan tham của ĐCSTQ những năm gần đây cho thấy rất nhiều trường hợp đã chuyển tài sản ra nước ngoài thông qua người thân, nhằm sẵn sàng bỏ trốn nếu có rắc rối: thứ nhất, họ muốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật; thứ hai, họ muốn tiếp tục tận hưởng cuộc sống giàu có ở nước ngoài.

Từ trường hợp quan tham đầu tiên bị xử bắn

p3406051a155479857
Cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây là Hồ Trường Thanh trở thành quan chức cấp cao đầu tiên bị xử bắn vì nhận hối lộ trong lịch sử ĐCSTQ. (Ảnh: MXH)

Trường hợp điển hình là ông Hồ Trường Thanh – cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây – bị kết án tử hình năm 2000. Quan chức này đã làm được căn cước và hộ chiếu giả cho gia đình để đi nước ngoài, nhằm chuẩn bị sẵn sàng trốn ra nước ngoài bất cứ lúc nào. Hồ Trường Thanh trở thành quan chức cấp cao đầu tiên bị xử bắn trong lịch sử ĐCSTQ vì nhận hối lộ hơn 5,44 triệu nhân dân tệ, đồng thời sở hữu khối tài sản khổng lồ 1,61 triệu nhân dân tệ mà không thể giải thích được nguồn gốc hợp pháp.

Cần chú ý là Hồ Trường Thanh chỉ gặp rắc rối do một cuộc gọi điện thoại ra nước ngoài bị nghe lén. Trong cuộc điện thoại cho con trai đang du học ở Mỹ, ông này nói:

“Con trai, con phải kinh doanh tốt ở Mỹ và chuẩn bị cho chúng ta. ĐCSTQ sẽ không tồn tại được lâu, mọi người sẽ sớm đến Mỹ sống cùng con”.

Hồ Trường Thanh còn nói với con trai:

“Ở Trung Quốc, quan trường toàn ma quỷ, nhưng toàn nói giọng khoác lác đạo lý. Chỉ cần là quan chức cấp huyện trở lên thì không có ai là trong sạch, bởi vì người trong sạch không vào được quan trường do trong đó đều là ma quỷ, cho nên làm quan ở Trung Quốc khó hơn ở nước ngoài.”

Đoạn ghi âm này của ông Hồ Trường Thanh sau đó được phát tại một cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ, sau khi tất cả các thành viên nghe xong, ông Giang Trạch Dân khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ lập tức ra lệnh mở vụ án Hồ Trường Thanh, sau đó đích thân ra lệnh kết án tử hình.

Hiện tượng quan chức tuồn tài sản ra nước ngoài trong giới quan chức ĐCSTQ từ lâu đã thu hút sự quan tâm rộng rãi từ cả trong và ngoài Trung Quốc. Có nhà bình luận chỉ ra, hiện tượng này từ lâu đã ngấm ngầm phổ biến trong giới quan chức ĐCSTQ. Các quan chức thường đưa vợ con ra nước ngoài khi đang nắm quyền, điều này không chỉ tạo điều kiện cho việc chuyển tài sản tham nhũng ra khỏi đất nước, mà còn tạo lối thoát nếu cảm thấy hành tung bản thân có vấn đề bị phát hiện. Còn trong trường hợp bất ngờ bị xử mà chưa kịp trốn, thì vẫn có thể giữ cho những người còn lại trong gia đình mình được an toàn sống giàu có ở nước ngoài. Thế giới bên ngoài và giới quan trường ĐCSTQ thực sự không biết có bao nhiêu quan chức như vậy, vì bề ngoài quan nào cũng thuyết giảng yêu Đảng yêu nước một cách trơ trẽn…

Tô Văn Dần
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, được đăng trên Vision Times.)