Cùng là người Trung Quốc, tại các quốc gia khác nhau, cái khác biệt là ở chỗ được đối xử như “người” hay “không phải là người”. Sinh mạng người Trung Quốc chỉ có giá trị ở các nước phương Tây.

Nguoi trung Quoc
Cùng là người Trung Quốc, tại các quốc gia khác nhau, cái khác biệt là ở chỗ được đối xử như “người” hay “không phải là người”. (Ảnh chụp màn hình video)

Cách đây vài năm, khi quân đội Israel xâm chiếm Gaza và xung đột quân sự với Hamas leo thang, một bài báo có tựa đề “Israel chắc chắn là một quốc gia tốt” đã được in lại và lưu hành rộng rãi trên các mạng Hoa ngữ ở nước ngoài.

Tác giả bài báo, ông Chu Hiếu Chính, là Giám đốc Viện Luật và Xã hội trực thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh. Bài viết của ông không chỉ ca ngợi nền dân chủ, tự do của Israel, mà còn đánh giá cao tinh thần nhân đạo của Israel.

Trong đó có một phần nổi bật nhất. Giáo sư Chu kể rằng có năm ông đến Phúc Kiến nghiên cứu, một quan chức cấp cao của chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã kể cho ông nghe câu chuyện này:

Cách đây vài năm, có một vụ tấn công khủng bố ở Jerusalem, nơi một chiếc xe buýt bị đánh bom, giết chết hàng chục người, trong đó có 2 người Trung Quốc.

Chính phủ Israel ngay lập tức liên hệ với phía Trung Quốc để thương lượng bồi thường. Tuy nhiên, sau khi được qua xác minh, phát hiện 2 người này vốn là người từ Phúc Kiến trốn lậu vào Israel làm việc trái phép, nên Đại sứ quán Trung Quốc không quan tâm đến việc này.

Sau đó, Chính phủ Israel đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt. Cuộc họp cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm đối với bất kỳ ai chết vô tội trên đất Israel, còn việc người này có bị đưa lậu vào nước này hay không thì lại là chuyện khác.

Cuối cùng, cuộc họp đã quyết định rằng 2 người Trung Quốc đã chết phải được đối xử bình đẳng như với công dân Israel. Sau cuộc gặp, Chính phủ Israel đã cử chuyên viên đến Phúc Kiến tìm kiếm gia đình của 2 công nhân nhập cư.

Tiêu chuẩn hỗ trợ như sau: Cha mẹ còn sống của người quá cố sẽ nhận được khoản thanh toán hàng tháng là 1.100 USD cho đến khi họ qua đời. Trẻ vị thành niên sẽ nhận được khoản thanh toán hàng tháng là 1.100 USD cho đến khi trưởng thành. Những người có vợ sẽ nhận được khoản thanh toán hàng tháng là 1.700 USD cho đến khi họ qua đời.

Gia đình của những người đã khuất yêu cầu thanh toán một lần. Chính phủ Israel đã đồng ý, số tiền cuối cùng được trả là 700.000 USD cho mỗi người quá cố. Mọi chi phí điều tra liên quan sẽ do Chính phủ Israel chi trả.

Tin tức lan truyền, làm dấy lên cơn sốt người ở Phúc Kiến tìm cách sang Israel làm việc. Các quan chức chính quyền tỉnh Phúc Kiến cho biết, họ không thể ngăn chặn được việc này.

Câu chuyện do giáo sư Chu kể rất cảm động. Hai người Trung Quốc này không những không phải là công dân Israel, mà còn nhập cảnh lậu vào Israel (vi phạm luật nhập cư của Israel) và làm việc bất hợp pháp tại đó (vi phạm luật lao động của Israel). Họ thuộc về những người nhập cư bất hợp pháp cần bị trục xuất.

Nhưng Israel lại đối xử với họ như công dân của mình, và cấp cho người nhà họ những khoản hỗ trợ như nhau. Từ ví dụ nhỏ này, chúng ta có thể thấy được thái độ của Israel, một quốc gia thuộc hệ thống văn minh phương Tây, đối với sinh mệnh của con người.

Họ phải cố gắng hết sức để bảo vệ sự an toàn của mọi người trên đất Israel. Nếu việc bảo vệ không thành công, họ sẵn sàng trả giá tối đa, bồi thường và chịu trách nhiệm tài chính cho gia đình nạn nhân cho đến khi họ qua đời.

Cách làm này của Israel không phải là hiếm ở phương Tây. Chẳng hạn như khi vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 xảy ra ở Mỹ, gồm cả Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh bom ở New York và các hành khách trên chiếc máy bay bị cướp, tổng cộng có 2.966 người thiệt mạng.

Nhưng cuối cùng, bất kể họ có phải là công dân Mỹ hay không, bất kể họ có “thẻ xanh” hay không, mỗi người đều nhận được trung bình 1,5 triệu USD tiền bồi thường từ Chính phủ Mỹ, mặc dù trong ngày xảy ra sự kiện 11/9, nước Mỹ thiệt hại 300 tỷ USD.

Israel và Hoa Kỳ đối xử với những người vô tội bị giết trên đất của họ giống như cách họ đối xử với công dân của mình, dù những người đó có phải là công dân của họ hay không, và có thẻ xanh hay không.

Tuy nhiên, Đại sự quán Trung Quốc tại Israel lại không quan tâm tới người Trung Quốc bị giết ở đó, với lý do họ là người nhập cư bất hợp pháp. Cùng là người Trung Quốc, tại các quốc gia khác nhau, cái khác biệt là ở chỗ được đối xử như “người” hay “không phải là người”.

Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên. Năm 1993, khi con tàu chở hàng “Golden Venture” chở đầy người Trung Quốc trốn lậu đến bờ biển New York, nó phải vòng qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope), đi vòng quanh nửa trái đất trong hơn 100 ngày.

Tàu không thể cập bến, kẻ buôn lậu cũng không sắp xếp thuyền nhỏ tiếp ứng, khiến những người trốn theo tàu phải nhảy khỏi tàu bơi vào bờ. Một số người không biết bơi cũng đành phải nhảy xuống biển, hậu quả là 10 người chết đuối.

Khi đó, Chính phủ Mỹ đã tìm đến Đại sứ quán Trung Quốc, mong muốn tổ chức tang lễ cho các nạn nhân. Tuy nhiên thái độ của họ cũng giống hệt như Đại sứ quán Trung Quốc ở Israel, hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề này, với lý do những người này là những người trốn theo tàu.

Không yên tâm với khoản hỗ trợ hàng tháng mà Israel sẽ trả, gia đình của 2 công dân Trung Quốc thiệt mạng ở Israel yêu cầu thanh toán một lần. Trên thực tế, nếu trả hàng tháng thì số tiền rõ ràng sẽ lớn hơn, có thể lên tới hơn 1 triệu USD.

Nhưng dù chỉ 700.000 USD họ vẫn muốn nhận một lần. Từ điểm này cũng có thể thấy, người dân Trung Quốc đã rất sợ hãi trước chính phủ, họ không thể tin vào lời hứa trả tiền hàng tháng (kể cả từ chính phủ nước ngoài). Nhận luôn một lần họ mới yên tâm.

Sự lo lắng này của người dân Trung Quốc là điều dễ hiểu. Bởi trong môi trường như xã hội Trung Quốc, liệu còn bao nhiêu người dám tin tưởng vào chính phủ?

Chưa kể đến những tính toán thống kê của các học giả phương Tây, trong hơn 70 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền, có tới 80 triệu người ở Trung Quốc đã chết vì bị đàn áp, bức hại và chết đói (nạn đói do chính sách của con người gây ra).

Chỉ riêng trận động đất ở Tứ Xuyên đã có 90.000 người chết, trong đó có hơn 10.000 học sinh. Dù là thiên tai, nhưng sau đó người ta phát hiện hầu hết trường học bị sập đều bị rút ruột công trình, hoặc sử dụng phế liệu, vật liệu kém chất lượng. Người Trung Quốc gọi chúng là “công trình bã đậu phụ”.

Cha mẹ của những đứa trẻ bị sát hại rất tức giận và kiện ra tòa yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, tất cả các tòa án ở Trung Quốc đều từ chối thụ lý những vụ việc như vậy. Họ nói rằng đã có chỉ đạo từ các quan chức chính phủ cấp cao.

Một số cha mẹ của những đứa trẻ bị chết không ngừng kêu oan, tố cáo. Họ bị chính quyền đe dọa, hăm dọa, thậm chí bị bức hại với lý do gây rối trật tự công cộng.

Nhưng suy cho cùng trận động đất ở Tứ Xuyên cũng là một thảm họa tự nhiên. Từ lâu đã có thông tin cho rằng các chuyên gia động đất đã cảnh báo trước nhưng Cục Địa chấn Nhà nước hoàn toàn không để ý đến. Chính phủ Trung Quốc cũng từ chối điều tra vụ việc.

Sự cố sữa bột nhiễm độc Sanlu (Tam Lộc) sau đó hoàn toàn do con người tạo ra. Vì sữa được cố ý trộn với chất độc và có tới 300.000 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị đầu độc.

Trung Quốc thực hiện chính sách một con, mỗi gia đình chỉ có một con. Trong giai đoạn trẻ chưa đầy 2 tuổi, nếu uống phải sữa bột nhiễm độc, thận sẽ bị tổn thương. Khi lớn lên chúng sẽ gặp vấn đề về thận.

Cha mẹ của những em bé bị hại yêu cầu chính phủ bồi thường vì Sanlu (Tam Lộc) là doanh nghiệp nhà nước. Nhưng chính quyền thành phố Thạch Gia Trang nơi doanh nghiệp tọa lạc đã che giấu sự thật rằng sữa bột có độc.

Cơ quan kiểm tra thực phẩm quốc gia cũng đưa ra “giấy chứng nhận miễn kiểm tra” đối với sữa bột Sanlu, tương đương với việc các tầng cơ quan chính phủ cùng hợp tác để phạm tội.

Trước vụ việc tàn khốc rõ ràng là do con người gây ra và gây tổn hại đến tính mạng và thể xác của hàng trăm ngàn trẻ sơ sinh, Chính phủ Trung Quốc vẫn không đưa ra bất kỳ khoản bồi thường nào cho những trẻ em bị ảnh hưởng.

Một số bậc cha mẹ dũng cảm của những trẻ bị nạn đã đoàn kết, cố gắng khởi kiện đòi bồi thường bằng các biện pháp pháp lý, nhưng bị tòa án khắp Trung Quốc bác bỏ, vì đã nhận được chỉ đạo của cấp trên.

Tại thành phố Thạch Gia Trang, nơi đặt trụ sở của Công ty Sanlu, một số luật sư dũng cảm đã thành lập một nhóm luật sư để khởi kiện, và viết đơn thay mặt cho những đứa trẻ tội nghiệp đó.

Tuy nhiên khi nộp lên Tòa án cấp trung Thạch Gia Trang và Tòa án Tối cao tỉnh Hà Bắc, đều không được chấp nhận. Quy định thống nhất nghiêm cấm thụ lý những vụ án này.

Các đoàn luật sư này đại diện cho 63 trẻ sơ sinh bị hại trong các vụ kiện. Tổng số tiền bồi thường được yêu cầu chỉ là 6,91 triệu nhân dân tệ (khoảng 945.000 USD). Nếu cuối cùng trả đầy đủ số tiền, thì trung bình mỗi đứa trẻ bị thương sẽ chỉ nhận được 110.000 nhân dân tệ (chưa đến 20.000 đô la Mỹ).

Khi một người Trung Quốc qua đời ở Israel, họ nhận được khoản trợ cấp một lần trị giá 700.000 USD. Mạng sống của người Trung Quốc chỉ có giá trị ở Israel và các nước phương Tây.

Dẫu mạng sống của một người trở nên vô giá trị trên chính đất nước mình, hàng trăm triệu người dân Trung Quốc vẫn “phục tùng” chính quyền độc tài, chà đạp lên chính mạng sống của bản thân. Liệu người Trung Quốc có thực sự bao dung và rộng lượng, hay chỉ đơn giản là họ không biết đúng sai, và trở thành nạn nhân của hệ tư tưởng độc tài mà không hề nhận thức được điều này?

Vô số người dân Trung Quốc vẫn đang cố gắng hết sức để siết chặt cái đinh vít trên cỗ máy đang nghiền nát họ (sinh mệnh và tư tưởng). Đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến bộ máy chuyên quyền của ĐCSTQ vẫn chạy với tốc độ cao.

Tào Trường Thanh
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)