Một nhà bình luận chính trị Trung Quốc gần đây đã tiết lộ nội tình dẫn đến việc tan vỡ mối quan hệ giữa hai gia đình Tập Cận Bình và Hồ Diệu Bang.

r shutterstock 225911629
An ninh ĐCSTQ kiểm soát nghiêm ngặt trước Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. (Ảnh minh họa: Songquan Deng / Shutterstock)

Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) đã đăng một bài viết trên mạng xã hội X cho hay, ban đầu khi ông Tập Cận Bình mới nhậm chức đã phải đối mặt với phe cánh của những người tiền nhiệm như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Khi đó, ông Tập không biết bản thân có trụ được không nên cố gắng thúc đẩy chống tham nhũng để kiểm soát toàn bộ hệ thống (đảng, chính quyền, quân đội), quá trình đó đã bắt giữ và thanh trừng nhiều quan chức, gây thù chuốc oán quá nhiều nên sau đó phải thúc đẩy sửa đổi hiến pháp để nắm quyền không giới hạn nhiệm kỳ. Bởi vì ông Tập nhận ra rằng nếu không làm vậy thì khó bề yên thân sau khi mãn nhiệm.

Ông Thái Thận Khôn cũng đề cập đến vấn đề nhân sự của Đại hội 18 ĐCSTQ, khi đó ông Tập chủ yếu tìm kiếm sự ủng hộ của giới “thái tử Đảng” cùng thế hệ. Được biết có hơn 2000 “thái tử Đảng” là con của những “công thần” ĐCSTQ ủng hộ việc ông Tập khôi phục “khát vọng ban đầu của Đảng” (85%), chỉ 15% theo khuynh hướng dân chủ. Trong thời gian ông Tập đi vận động đã lắng nghe được nhiều tiếng nói khác nhau, nhưng hồi đó ông cũng không có quan niệm cầm quyền gì rõ ràng.

Nhà bình luận này chỉ ra rằng trước khi Tập Cận Bình cầm quyền, ông luôn coi con trai cả của ông Hồ Diệu Bang là ông Hồ Đức Bình như anh cả, và thường xin lời khuyên khi gặp khó khăn. “Khi gặp riêng Hồ Đức Bình, Hồ đã nhiệt tình đưa ra nhiều đề xuất về cải cách chính trị. Không ngờ, Tập mỉm cười nói: ‘Anh ơi, anh đánh giá cao em. Em chỉ bám sát công việc của mình thôi, không làm được những chuyện lớn lao này’. Trả lời đó như hàm ý, ‘Tôi không thể thực hiện được những đề nghị này của anh’. Kể từ đó, mối quan hệ giữa gia đình Hồ và Tập đã bị gián đoạn. Ngoài ra, sau bài viết của Hồ Đức Hoa [con trai út của ông Hồ Diệu Bang] trên tờ Viêm Hoàng Xuân Thu (炎黄春秋), hai gia đình càng thêm bất đồng nhau lẫn nhau.”

Tờ Viêm Hoàng Xuân Thu được thành lập vào năm 1991, các bài viết của báo thường bình luận về lịch sử và chính trị xã hội thời cổ đại và hiện đại, cả trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm ủng hộ hai ông Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, cũng như một số lượng lớn bài phản ánh những sai lầm lịch sử Trung Quốc, được độc giả Trung Quốc rất yêu thích và cũng được nhiều thành viên ĐCSTQ khen ngợi, được các trưởng lão trong Đảng theo chủ nghĩa tự do ủng hộ. Cha của ông Tập Cận Bình là ông Tập Trọng Huân cũng khen Viêm Hoàng Xuân Thu.

Tháng 7/2016, tờ Viêm Hoàng Xuân Thu bị thay thế toàn bộ hệ thống lãnh đạo theo phe khai sáng gồm cựu tổng biên tập Đỗ Đạo Chính, phó tổng biên tập Hồ Đức Hoa, và tổng biên tập Đỗ Khánh Toàn…

Sau đó, ông Hồ Đức Hoa nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Hồng Kông rằng Viêm Hoàng Xuân Thu không lấy tiền của nhà nước để hoạt động nên không phải là doanh nghiệp nhà nước; Viêm Hoàng Xuân Thu không nhận tiền từ ĐCSTQ, vì vậy không phải là tài sản của Đảng; tất cả tài sản của Viêm Hoàng Xuân Thu đều được trả bằng 25 năm lao động của các nhân viên tờ báo này, nên đây hoàn toàn là một doanh nghiệp tư nhân. ĐCSTQ dùng một tờ giấy để “cướp bóc” toàn bộ tài sản hữu hình và vô hình của Viêm Hoàng Xuân Thu, điều này vi phạm luật tài sản, luật công ty và luật hợp đồng.

Người ta nói rằng gia đình Hồ Diệu Bang và gia đình Tập Trọng Huân từng có mối quan hệ thân thiết. Ông Tập Trọng Huân được phục hồi chức vụ và trở về Bắc Kinh năm 1978, việc này có liên quan trực tiếp đến sự giúp đỡ của ông Hồ Diệu Bang, lúc đó là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Tuy nhiên, sau khi ông Tập Cận Bình sửa hiến pháp năm 2018 để bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông Hồ Đức Bình đã cảnh báo tại một hội thảo vào tháng 1/2019 rằng không nên lặp lại sai lầm của Liên Xô cũ về tập quyền cao độ. Ông cũng cảnh báo rằng cái gọi là chủ nghĩa yêu nước hạn hẹp và cực đoan chắc chắn sẽ phát triển thành “chủ nghĩa dân tộc sai lầm”, thậm chí trở thành “nơi trú ẩn” cho chủ nghĩa quân phiệt.

Đến tháng 5/2019, theo yêu cầu của nhà cầm quyền, ông Hồ Đức Hoa dọn ra khỏi khu nhà ở số 25 quận Tây Thành, nơi trước đây ông Hồ Diệu Bang sinh sống. Trước Đại hội 20 ĐCSTQ vào năm 2022, ông Hồ Đức Bình đã đăng một bài viết trên tài khoản công khai WeChat chỉ trích việc “đóng cửa đất nước” [do COVID-19].

Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản, ông Akio Yaita từng nói trong một cuộc phỏng vấn với RFA rằng ông Tập Cận Bình lên nắm quyền nhờ ủng hộ của giới “thái tử Đảng”, nhưng quá trình tập quyền đã khiến ông Tập không còn nhận được sự ủng hộ từ thế lực khá lớn này. Họ hiện tại tuy không nắm quyền quân sự nhưng rất mạnh về mọi mặt, việc mâu thuẫn với họ rất nguy hiểm đối với ông Tập Cận Bình và là một đòn nặng nề đối với chế độ ĐCSTQ.

Một học giả luật người Trung Quốc sống ở Úc là ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) vào tháng Một năm nay đã ra một bài viết, tiết lộ rằng một nhóm người trong ĐCSTQ thuộc lớp “thái tử Đảng” cùng thế hệ Tập Cận Bình do ông Lưu Nguyên là nòng cốt đã đạt được sự đồng thuận chính trị kêu gọi ông Tập từ chức. Ông Viên Hồng Băng tin rằng ông Tập Cận Bình sẽ mất quyền lực trong một cuộc khủng hoảng lớn, và đó là sự cố “thiên nga đen” của ĐCSTQ mà rất có khả năng sẽ xảy ra vào năm 2024, ông Tập sẽ mất quyền lực một khi khủng hoảng chính trị nổ ra.