Tập Cận Bình bảo vệ ĐCSTQ hay ĐCSTQ lợi dụng ông Tập? Tờ báo Mỹ Spectator có bài viết của giáo sư Lý Thiếu Dân (Shaomin Li) chỉ ra một số hiểu lầm về vai trò quan hệ giữa ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và tác giả viết bài này kỳ vọng mang đến một cái nhìn chuẩn xác hơn về bản chất của Đảng.

Tap Can Binh 1
Ông Tập Cận Bình tại một cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 4/2022 (Ảnh: Shag 7799 / Shutterstock)

Trong bối cảnh ông Tập “tái đắc cử”, trở thành lãnh đạo tối cao đầu tiên trong lịch sử ĐCSTQ nắm quyền sang nhiệm kỳ thứ ba (không tính Mao Trạch Đông), một lần nữa ống kính của giới truyền thông lại được hướng về ông Tập nói riêng và ĐCSTQ nói chung. Tuy nhiên, theo ông Lý Thiếu Dân, giáo sư ngành Kinh tế của Đại học Old Dominion, thì đang tồn tại một số hiểu lầm phổ biến hiện nay: (1) Ông Tập mà từ chức thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, (2) Ông Tập đang từ bỏ đường lối mở cửa cải cách từ thời Đặng Tiểu Bình, (3) Ông Tập muốn tái diễn Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông, và (4) ĐCSTQ đang phạm sai lầm ấu trĩ khi hạ bệ nền kinh tế tư hữu.

  • Mời xem video: Ông Tập bảo vệ Đảng hay Đảng lợi dụng ông Tập?

Hiểu lầm 1: Ông Tập mà từ chức thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn!

Có những nhận định như vậy, rằng ông Tập mà không ngồi đó thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng như giáo sư Lý chỉ ra, những tai hại mà ĐCSTQ đã làm không phải là điều một mình ông Tập có thể làm được. Đây là kết quả tất yếu do bản tính của Đảng quyết định, giáo sư viết “Những gì ông Tập làm chỉ là thực hiện tư tưởng và chiến lược của ĐCSTQ. Hệ tư tưởng của Đảng là thiết lập chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.”

Những người cộng sản ngay từ đầu luôn tự nhận rằng chủ nghĩa cộng sản của họ là ưu việt nhất, rằng sứ mệnh của họ chính là cứu rỗi thế giới này, tức là xây dựng “thiên đường XHCN” ở nhân gian. Giáo sư Lý viết tiếp, “Ông Tập đã phát biểu rất rõ, “Giải phóng nhân loại… là mục tiêu theo đuổi giá trị nhất quán của chủ nghĩa Mác và là con đường cơ bản của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và của những người cộng sản Trung Quốc””.

Trong nội bộ ĐCSTQ thời gian gần đây đã xuất hiện một số người được coi là “phần từ cải cách”. Họ tin rằng ông Tập đang phá hoại Đảng, vì vậy họ muốn kiềm chế ông ta và cứu đảng.

Cần rõ vấn đề rằng điều các nước dân chủ mong muốn là gì. Theo giáo sư Lý, đã là muốn bảo vệ nền dân chủ thì các nước dân chủ cần phải kiềm chế ĐCSTQ, và không cần và cũng không nên tham gia vào nỗ lực kiềm chế ông Tập, cũng không nên ủng hộ cách làm của những “phần tử cải cách” ấy. Làm như vậy chắc chắn sẽ gây tổn hại cho chính các nền dân chủ.

Tờ New York Times (NYT) gần đây đã đăng một bài báo với tiêu đề “Cảm ơn Tập Cận Bình”. Đây là tiêu đề mang tính châm biếm khi nhắc tới một loạt những việc mà ông Tập chủ trương thực hiện như đánh cắp tài sản trí tuệ, quá cực đoan không khoan nhượng COVID, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp các doanh nghiệp tư nhân, v.v. Tác giả viết một cách châm biếm rằng phương Tây nên “biết ơn” những điều mà ông Tập đã làm.

Theo giáo sư Lý, thì ngôn từ trào phúng của tác giả bài trên NYT “trên thực tế gây hiệu quả là ngăn chặn những chính sách ngu ngốc và vô lý của ông Tập. Điều này, thật không may, làm cho tác giả trở thành còn ngu ngốc và vô lý hơn. Nếu ông Tập đang tiêu diệt ĐCSTQ, thì tại sao tác giả lại cảnh báo ông ta để ngăn chặn điều đó? Sai lầm hơn nữa là tác giả nói rằng mối đe dọa của ĐCSTQ là do ông Tập tạo ra, và rằng chỉ cần không có ông Tập, Trung Quốc sẽ ổn và thế giới sẽ hòa bình. Tuyên bố này của tác giả dường như đang che đậy bản tính của ĐCSTQ. Tác giả sống ở một quốc gia dân chủ, nhưng lại mang lối nghĩ của một phần tử cải cách trong ĐCSTQ.”

Hiểu lầm 2: Ông Tập đang từ bỏ đường lối mở cửa cải cách từ thời Đặng Tiểu Bình!

Theo giáo sư Lý, hiểu lầm này cũng là bị ảnh hưởng bởi quan điểm của những “phần tử cải cách” trong ĐCSTQ: Họ mang đường lối mở cửa và cải cách của Đặng làm lý do cho việc đứng ra kiềm chế ông Tập. Nhưng trên thực tế, ông Tập không hề từ bỏ đường lối của Đặng.

Đường lối của Đặng Tiểu Bình có 3 điểm chính: (1) Tuân thủ lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. (2) Áp dụng tối đa chủ nghĩa thực dụng trong khuôn khổ Đảng nắm toàn quyền, với câu nói nổi tiếng “mèo trắng mèo đen, miễn bắt được chuột thì là mèo tốt”. Điều ông Tập đang làm chẳng phải chính là “bất cứ điều gì có thể giúp củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, chẳng hạn như bí quyết quản lý tư bản, đầu tư, khoa học và công nghệ” thì Đảng cứ lấy về làm thôi. Đó chính là chủ trương của Đặng. (3) Che giấu sức mạnh để phát triển. Đặng Tiểu Bình cảnh báo ĐCSTQ không được đặt mục tiêu trở thành kẻ thù của Hoa Kỳ, hay trở thành lãnh đạo thế giới, mà đặt công sức vào tích lũy sức mạnh. Giấu mình chờ thời. Tức là ý của Đặng rất rõ, tất cả 3 điểm đó đều là “để Đảng có thể xây dựng sức mạnh của mình và chờ đợi thời điểm thích hợp,” giáo sư Lý viết. Vậy nếu xét cả 3 điểm đó, thì chúng ta có thể thấy ông Tập không hề rời bỏ chủ trương của Đặng.

Về việc ngày nay Trung Quốc trở thành đối đầu với Hoa Kỳ, thì giáo sư viết: “Trong 4 thập kỷ kể từ đó, với sự xoa dịu và phối hợp của các nền dân chủ trên thế giới, với sự hỗ trợ về vốn và công nghệ của họ, và với các thị trường mà họ cung cấp, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh đến mức tổng sản phẩm quốc nội của nó đã vượt qua Hoa Kỳ về sức mua, cho phép ĐCSTQ sử dụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc để đối đầu với Hoa Kỳ. Vì vậy, ông Tập cho rằng đây là thời điểm. Điều này không phải vì Tập đã đi ngược lại chiến lược của Đặng; mà trái lại, đó là vì ĐCSTQ hiện nay đã đủ mạnh để xung đột trực tiếp với Hoa Kỳ.”

Giáo sư Lý viết: Duy trì sự cai trị tuyệt đối của ĐCSTQ bằng mọi giá là nhiệm vụ của tất cả các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, cho đến Tập Cận Bình.

Hiểu lầm 3: Ông Tập muốn tái diễn Cách Mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông!

Trước hết, giáo sư Lý cho rằng cần làm rõ bối cảnh dẫn đến cũng như bản chất của Cách Mạng Văn Hóa. Mao Trạch Đông phát động Cách Mạng Văn Hóa năm 1966, tên đầy đủ là Đại Cách mạng Văn hóa Giai cấp Vô sản, là do Mao “tin rằng mình đã mất quyền lực, và nội bộ Đảng đang có chiều hướng không còn đồng tình với ông ta nữa, đồng thời ông không có cách nào trừ bỏ đi những quan chức không cùng phe với ông nếu ông chỉ dùng cơ chế bộ máy lúc bấy giờ. Vì vậy, ông ta muốn phá tung cơ cấu đó trong Đảng, bằng cách vận động quần chúng đánh vỡ mọi thứ, thanh lý hệ thống chính trị đương thời, và tiêu diệt tất cả những cán bộ cao cấp mà ông ta cho là không hợp với mình.”

“Cách tiếp cận của Mao rất lập dị. Ít nhất có thể nói rằng trong suốt lịch sử, không một nhà thống trị nào cố ý đập tan và hủy diệt thể chế cai trị của chính mình để đạt được mục tiêu của riêng mình. Theo cách nói của Mao, ấy là: ‘Thế giới hoàn toàn hỗn loạn, tình hình quá tuyệt!’ Vì vậy, từ góc độ này, Mao thực sự là một kẻ dị giáo. Giờ đây, ĐCSTQ dưới thời ông Tập không hề muốn thế giới hỗn loạn. Ngược lại, nó muốn siêu ổn định. Khẩu hiệu của ĐCSTQ hiện nay là “sự ổn định bao trùm mọi thứ”. Đó là lý do tại sao, trong ngân sách của ĐCSTQ, kinh phí cho việc duy trì ổn định lớn hơn chi cho quân sự. Cho nên, ngày nay lẽ nào có thể dẫn đến một cuộc Cách Mạng Văn Hóa nữa?”

Căn cứ cho lập luận rằng ông Tập muốn tái diễn Cách Mạng Văn Hóa là vì chỉ nhìn vào hời hợt bề ngoài những gì ông Tập làm, và cảm thấy giống hiện tượng thời Cách Mạng Văn Hóa. Như giáo sư Lý phân tích, thì các hoạt động đang diễn ra ở Trung Quốc hôm nay như “thực hành cực tả, tôn thờ ông Tập, ca hát nhạc đỏ, mặc quân phục, và tẩy não trẻ em bằng các học thuyết chống Mỹ. Tự do, dân chủ và chủ nghĩa hợp hiến không được tuyên truyền trong lớp học. Nếu giáo viên làm điều đó, họ sẽ bị báo cáo và xử phạt, v.v. Tất cả những điều này không phải là bản chất của Cách Mạng Văn Hóa. Chúng chỉ đơn giản là biểu hiện ra thực tiễn bên ngoài của bản chất chủ nghĩa cộng sản bên trong.”

Giáo sư Lý cũng chỉ ra rằng những hoạt động nói trên, ngay cả khi do các “tiểu phấn hồng” (những thanh niên yêu ĐCSTQ mù quáng) đứng ra làm, thì cũng chỉ được làm trong khuôn khổ bàn tay của Đảng. “Nếu những hành động như vậy của “tiểu phấn hồng” ảnh hưởng xấu đến sự ổn định, thì Đảng sẽ không ngần ngại ngăn chặn chúng. Ngay cả khi những quan điểm của người làm ra những hoạt động này phù hợp với hệ tư tưởng của ĐCSTQ, hoặc thậm chí còn cấp tiến hơn của ĐCSTQ, nhưng hễ mà chúng không có lợi cho sự ổn định hoặc làm suy yếu vị trí và chính sách chính thức, thì Đảng sẽ loại bỏ chúng. Do đó, ĐCSTQ do ông Tập lãnh đạo chắc chắn sẽ không quay trở lại như thời Cách Mạng Văn Hóa.”

“Bản chất của ĐCSTQ là nắm chắc quyền kiểm soát tuyệt đối toàn bộ đất nước,” giáo sư Lý chốt lại như vậy.

Nếu là như thế, thì tại sao ĐCSTQ lại cho phép những nhận định kiểu như “Tập Cận Bình muốn tái hiện Cách mạng Văn hóa” dễ gây hiểu lầm đó lưu hành? Giáo sư Lý đưa ra nhận định: “Bởi vì ông Tập và ĐCSTQ sẽ đứng ra ngăn chặn bất kỳ động thái nào tái diễn Cách Mạng Văn Hóa”, và đến khi ấy, “Những người hàng ngày lo lắng rằng ĐCSTQ sẽ tái diễn Cách Mạng Văn Hóa sẽ rất vui mừng và nhẹ nhõm —’À, vậy là ĐCSTQ sẽ không quay trở lại Cách Mạng Văn Hóa, điều đó thật tuyệt vời’— và họ sẽ có thể ngủ yên. Đây chính là điều mà ĐCSTQ muốn”.

“Những người ngây thơ rất vui khi thấy ĐCSTQ lại giương cao ngọn cờ ‘cải cách’, nhưng họ lại mù quáng trước thực tế là ĐCSTQ vẫn tiếp tục thắt chặt kìm hãm tự do. Họ không nhìn thấy mục đích thực sự của ĐCSTQ, đó là kiên định xây dựng thể chế cai trị tuyệt đối của ĐCSTQ. Điều này là do họ bị đánh lừa bởi những nhận định rằng ĐCSTQ sẽ quay trở lại Cách mạng Văn hóa.”

Hiểu lầm 4: ĐCSTQ đang phạm sai lầm ấu trĩ khi hạ bệ nền kinh tế tư hữu!

ĐCSTQ đang đàn áp khối kinh tế tư nhân, chẳng hạn như vụ đàn áp Jack Ma, người sáng lập Alibaba, ngăn cản Ant Group công khai, phá hoại việc DiDi thâm nhập Hoa Kỳ, hoặc áp chế hoạt động giáo dục ngoài giờ học. Phải chăng đó là Đảng đang phạm sai lầm ấu trĩ khi đàn áp nền kinh tế tư hữu và cố gắng quay trở về nền kinh tế quốc doanh?

“Nhìn nhận như vậy là nhầm lẫn,” giáo sư Lý đưa ra cái nhìn khác. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra nhiều công ty khổng lồ, chẳng hạn như Alibaba. Những công ty này có thể gọi là những “bùng phát” ở thị trường Trung Quốc và thế giới. [Giới chủ của những công ty này vì thế] trở nên kiêu ngạo, và thậm chí đôi lúc chế nhạo Đảng! Tất nhiên, Đảng không thể chấp nhận điều đó. Đảng cảm thấy cần phải dạy cho những doanh nghiệp lớn này một bài học để họ tỉnh ra và biết ai mới là ông chủ đích thực.”

Hơn nữa, “Đảng coi những tập đoàn khổng lồ này là những đối tượng loại mới, và chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chúng. Trong quá trình tìm học cách kiểm soát cho hiệu quả, ĐCSTQ có thể có lựa chọn biện pháp mạnh hoặc nhẹ. Ví dụ, nếu lãnh đạo Đảng hôm nay không phải ông Tập mà là một người khác, thì có thể biện pháp hòa dịu hơn sẽ được lựa chọn. Nhưng dù là chọn biện pháp mạnh hay nhẹ, thì bản chất của vấn đề vẫn không hề thay đổi: ĐCSTQ luôn luôn nhất quán kiên quyết đặt khối kinh tế tư nhân dưới sự kiểm soát tuyệt đối của đảng, chứ mục đích của họ không phải là loại bỏ nền kinh tế tư hữu.”

* * *

Lời kết, giáo sư Lý nói rằng mục đích của việc “làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm ở trên là để giúp chúng ta hiểu được bản chất của ĐCSTQ. Bản chất của ĐCSTQ là nắm chắc quyền kiểm soát tuyệt đối cả nước. Theo lời của ông Tập, từ Đông Tây Nam Bắc, từ tổ chức, chính phủ, quân đội, nhân dân, cho đến giới học thuật, mọi ngành, nghề đều phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Và nó không dừng lại ở Trung Quốc; mô hình của ĐCSTQ phải được đưa ra thế giới để “xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại.” Tóm lại, ông Tập đang thực hiện ý chí của Đảng Cộng Sản, và ông ấy là ông Tập của Đảng Cộng Sản.”

“Tầm quan trọng chiến lược của việc nhận ra bản chất của ĐCSTQ là gì? Đối với những người sống ở Trung Quốc, nhận ra cho chuẩn xác là bước đầu tiên. Người dân Trung Quốc đóng vai trò quyết định việc Trung Quốc sẽ thay đổi thế nào trong tương lai, vì chính họ là người làm ra lựa chọn. Có một sự thật quan trọng mà chúng ta phải minh bạch: Dưới cách vận hành của hệ thống “Đảng — Nhà nước” hiện nay ở Đại Lục, thì nhân dân Trung Quốc, bao gồm cả tầng lớp trung lưu hay giàu có về kinh tế, và thậm chí cả các tỷ phú, là rất thiếu tính độc lập; bởi vì sự sống còn, học hành, sự nghiệp, tài sản và và mọi thứ của họ đều nằm dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của Đảng.”

“Điều này khác hoàn toàn tình hình Châu Âu mấy trăm năm trước,” ông nhắc lại giai đoạn Châu Âu khi xóa bỏ chế độ quân chủ. “Khi mà giai tầng trung lưu có thể sinh sống và làm ăn độc lập với các Vua Chúa, mang lại cho họ phương tiện và khả năng đấu tranh giành quyền tự do dân chủ từ nhà Vua.”

“Còn đối với những người sống bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở các nước dân chủ, việc nhận ra bản chất của ĐCSTQ là điều kiện tiên quyết để kiềm chế ảnh hưởng mà nó gây ra ở các nước trên thế giới. Trước sự bành trướng của ĐCSTQ, các nền dân chủ phải có khả năng bảo vệ hiệu quả các thể chế dân chủ của họ cũng như trật tự quốc tế và pháp quyền. Để làm như vậy, tất cả các nền dân chủ phải có hành động phối hợp để nói “không” với ĐCSTQ. Các nền dân chủ nên thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc cần thị trường quốc tế, và rằng một chế độ độc tài như Trung Quốc sẽ càng trầm trọng thêm nếu quốc gia đó bị đóng cửa [giao tiếp với thế giới]. Do đó, nếu các nền dân chủ có thể hợp tác với nhau để buộc ĐCSTQ tuân thủ trật tự quốc tế và pháp quyền, thì Trung Quốc mới có thể thay đổi.”

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Lý Thiếu Dân, giáo sư Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Old Dominion, và là tác giả của cuốn sách Sự quật khởi của hãng China Inc. — Cách Trung Cộng biến Trung Quốc thành một siêu doanh nghiệp như thế nào.