Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Ba (6/7) đã kêu gọi các đảng phái chính trị trên toàn thế giới phản đối bất kỳ quốc gia nào tham gia vào cái gọi là “các cuộc phong tỏa công nghệ”. Tuyên bố này được cho là ám chỉ đến Hoa Kỳ, vốn đang coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của mình.

Embed from Getty Images

Khi chính quyền Biden đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nền dân chủ bao gồm Liên minh châu Âu và Nhật Bản để bày tỏ lập trường cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia cùng hội cùng thuyền như Triều Tiên và Serbia.

“Chúng ta hãy cùng nhau phản đối mọi hành động của chủ nghĩa đơn phương nhân danh chủ nghĩa đa phương, bá quyền và chính sách “dùi cui”,” ông Tập phát biểu với đại diện của 500 đảng phái đến từ 160 quốc gia như Nga, Zimbabwe, Cuba và Burkina Faso… thông qua Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa ĐCSTQ với các chính đảng trên thế giới nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.

“Nhìn từ quan niệm ‘Đất nước của tôi trên hết’, thì thế giới này chật hẹp và đông đúc, và thường đầy rẫy sự cạnh tranh khốc liệt lắm”, ông Tập nói như vậy trong một ám chỉ rõ ràng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Tập đã tái kêu gọi nỗ lực hướng tới “xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại” và nói rằng bất kỳ quốc gia nào tham gia vào “phong tỏa công nghệ” và “tách mình ra khỏi xu thế phát triển” đều nên bị tẩy chay.

Trong bài phát biểu tuần trước trước khán giả trong nước tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ông Tập cho biết các lực lượng nước ngoài đang cố gắng bắt nạt Trung Quốc, và “bất kỳ ai dám thử làm điều đó sẽ phải đổ máu nát đầu trước Vạn lý trường thành bằng thép được tạo nên từ 1,4 tỷ người Trung Quốc”.

Ông Guo Yezhou, Thứ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế, đơn vị tổ chức sự kiện Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới, cho biết hội nghị nhằm giúp cộng đồng quốc tế “điều chỉnh nhanh hơn trước sự trỗi dậy của Trung Quốc” và để Bắc Kinh có thêm “sự hiểu biết, hỗ trợ và đồng hành”.

Trung Quốc ngày càng lo lắng về hình ảnh quốc tế của mình khi nhiều quốc gia đã chỉ trích Bắc Kinh vì việc xử lý sai kém ban đầu đại dịch COVID-19, sự hung hăng trên biển và trên đất liền đối với các nước láng giềng, việc kìm hãm tự do ở Hồng Kông và sự đàn áp với người dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Các nhà ngoại giao “sói chiến” của Trung Quốc cũng khiến hình ảnh nước này ngày càng trở nên tệ hại. 

Một cuộc khảo sát đối với 17 nền kinh tế tiên tiến do Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ công bố hôm thứ Tư tuần trước cho thấy quan điểm về Trung Quốc vẫn tiêu cực và niềm tin vào ông Tập gần mức thấp nhất trong lịch sử.

Tiến Minh (theo Reuters)

Xem thêm: