Nền kinh tế Trung Quốc suy thoái trầm trọng hiện nay làm dấy lên nghi ngờ về thời gian phục hồi, thị trường quốc tế đặc biệt lo lắng về tác động lây lan đối với thế giới. Về vấn đề này, Đài VOA Mỹ đã chia sẻ những quan điểm trái chiều trong giới chuyên gia.

shutterstock 1714289452
(Ảnh minh họa: M2020/ SHutterstock)

Cảnh thịnh vượng của nền kinh tế Trung Quốc không còn nữa, ngoài xuất nhập khẩu sụt giảm và dòng vốn nước ngoài liên tục chảy ra ngoài, động lực tiêu dùng trong nước cũng giảm mạnh. Theo dữ liệu kinh tế mới nhất được nhà chức trách Trung Quốc công bố, xuất khẩu trong tháng 7/2023 giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022 và là tháng thứ 3 liên tiếp sụt giảm, trong khi nhập khẩu giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2022 và là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm. Bên cạnh đó, sức tiêu dùng trong nước Trung Quốc cũng yếu đi rõ rệt do những yếu tố bất lợi (như vấn đề thất nghiệp, cuộc khủng hoảng nợ liên tiếp của các công ty bất động sản…). Vấn đề dữ liệu xấu đến mức khiến nhà chức trách Trung Quốc đã đình chỉ công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp.

Trong khi đó, xu thế dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc cũng giảm mạnh thấy rõ. Cuối tháng 7, Reuters trích dẫn số liệu thống kê từ nhà cung cấp dữ liệu tài chính toàn cầu Refinitiv cho thấy, chỉ riêng trong quý II năm nay, thoái vốn ròng từ các quỹ tương hỗ chủ yếu đầu tư vào Trung Quốc là 674 triệu USD, đi cùng đó là gần 1 tỷ USD đã chảy vào các thị trường mới nổi bên ngoài Trung Quốc. Báo cáo cũng trích dẫn một cuộc khảo sát của cơ quan xếp hạng Morningstar cho hay, quy mô của 10 quỹ hàng đầu thế giới đầu tư vào thị trường Trung Quốc đã giảm trung bình khoảng 40% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2021. Ví dụ Quỹ đầu tư cơ hội Trung Quốc (China Opportunity Equity Fund) của UBS tính đến cuối tháng 6/2023 đã giảm xuống còn 4,5 tỷ USD, chỉ bằng 1/4 so với đầu năm 2021.

Cỗ xe tam mã kinh tế Trung Quốc gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư đều chìm vào suy thoái sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với thế giới, cụ thể là những nước nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nề?

Chuyên gia: Suy thoái kinh tế Trung Quốc không tốt cho kinh tế toàn cầu

kinh te trung quoc 1
Ông Quách Lương Bình – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (Quách Lương Bình cung cấp cho VOA).

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore là ông Quách Lương Bình (Guo Liangping) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA, rằng tác động lan tỏa từ suy thoái kinh tế Trung Quốc là rất nghiêm trọng, điều này không tốt cho nhiều nước.

Ông nói: “Trung Quốc trong nhiều năm đã chiếm hơn 30% động lực tăng trưởng toàn cầu, nếu động lực này bị tắt chắc chắn sẽ gây bất lợi cho toàn thế giới và cũng gây bất lợi cho Mỹ, cả Mỹ cũng lo lắng, khi động cơ này bị tắt thì nền kinh tế thế giới sẽ càng khó khăn hơn. Do nguyên liệu và thị trường mà nước này (Trung Quốc) nhập khẩu đều ở bên ngoài, hiện nay sức sản xuất của Trung Quốc suy giảm thì nguồn nguyên liệu nhập khẩu đó cũng giảm nên sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều nước, tức là khi Trung Quốc hắt hơi thì các nước khác chắc chắn sẽ bị cảm lạnh”.

Chuyên gia Quách Lương Bình cho rằng mức nợ của Mỹ cũng cao, tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu không thể chỉ nhờ vào Mỹ, vì vậy ông kêu gọi Mỹ và Trung Quốc phối hợp trong các chính sách kinh tế vĩ mô thì sẽ có lợi cho cả hai bên và cũng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên không cùng quan điểm với ông Quách, Giáo sư kinh tế hàng đầu tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan là Lâm Tổ Hy (Lin Chu-chia) cho rằng sức mạnh kinh tế và tiêu dùng của Trung Quốc không lớn đến mức sẽ kéo nền kinh tế châu Âu và châu Mỹ đi xuống, bởi vì Trung Quốc vẫn chủ yếu là nước sản xuất, họ xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ nhiều hơn là tiêu dùng và nhập khẩu. Ngược lại, các nước châu Á như Đài Loan, Hồng Kông và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về xuất khẩu và nguồn khách du lịch, đó mới là những nơi dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực từ sự yếu kém kinh tế của Trung Quốc.

kinh te Trung Quoc 2
Ông Lâm Tổ Hy – Phó Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan. (Ảnh: Đài VOA)

Kinh tế châu Á có thể hạ nhiệt do Trung Quốc giảm nhập khẩu

Chuyên gia Lâm Tổ Hy cho biết: “Nền kinh tế của Đại Lục không tốt nên nhập khẩu sẽ suy giảm một chút, nhưng tỷ lệ này đối với Mỹ thì không đáng kể, nhưng đối với Đài Loan thì rất cao, vì xuất khẩu của Đài Loan sang Đại Lục chiếm 44% xuất khẩu của Đài Loan, hiện nay đã giảm xuống còn khoảng 35%. Do đó, tôi cho rằng nền kinh tế tồi tệ ở Đại Lục sẽ tác động trực tiếp lớn hơn đến các nước láng giềng, trong đó Đài Loan là tác động trực tiếp nhất, trong tương lai thì Hàn Quốc và Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng nhiều một chút”.

Tuy nhiên, ông cho rằng gần đây Trung Quốc đã mở cửa du lịch, lượng khách Trung Quốc đến Nhật Bản, Hàn Quốc tăng lên, do đó trong thời gian tới một số nước châu Á được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ tác động mở rộng tiêu dùng du lịch của Trung Quốc.

Ông Lâm Tổ Hy cho rằng xuất khẩu và tiêu dùng của Trung Quốc năm nay thực sự yếu khiến áp lực giảm phát liên quan cũng cao, tuy nhiên do tỷ lệ tiết kiệm tư nhân của Trung Quốc vẫn rất cao và hệ thống tài chính chưa phát triển như thị trường châu Âu và Mỹ khiến không có quá nhiều sản phẩm phái sinh hay trái phiếu liên kết, do vậy tình trạng hỗn loạn tài chính vì nổ bong bóng liên tiếp của các công ty bất động sản gây ra vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được. Ông cho rằng đây cũng là nguyên nhân khiến giới chức Trung Quốc vẫn theo dõi chờ đợi, chưa đưa ra các chính sách kích thích mạnh mẽ. Với tiền đề này, ông cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay của Trung Quốc vẫn được mong đợi.

Bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, Mexico và Canada đã thay thế Trung Quốc trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Mỹ, đây là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc suy yếu. Nhưng ông Lâm Tổ Hy cho rằng vẫn còn nhiều mặt hàng tiêu dùng mà Mỹ không sản xuất, vì vậy nếu không mua từ Trung Quốc thì thâm hụt sẽ chuyển sang nước khác nên vấn đề này sẽ không giúp Mỹ cải thiện cán cân thương mại từ bên ngoài.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nhiều hạn chế công nghệ cao mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc thực sự đã đạt được một phần kết quả, không chỉ làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc mà còn làm chậm tốc độ và thời gian để Trung Quốc bắt kịp Mỹ, dĩ nhiên chiến thắng cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tốc độ tiến bộ công nghệ của chính hai nước như thế nào.

Nguồn Mỹ mua hàng chuyển sang Mexico

kinh te trung quoc 3
Ông Willem Thorbecke, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế và Công nghiệp ở Tokyo – Nhật Bản. (Ảnh: Ông Thorbecke cung cấp cho VOA)

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế và Công nghiệp Tokyo – Nhật Bản là ông Willem Thorbecke cũng đồng tình rằng xét về mặt kinh tế toàn cầu thì Trung Quốc vẫn là nơi cung cấp hàng hơn là nơi mua hàng, do đó vấn đề “hắt hơi làm thế giới cảm lạnh” thì Trung Quốc không bằng Mỹ, nhưng các nước châu Á thực sự sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, cho dù đó là thu nhập từ sản xuất hay du lịch.

Trong email trả lời cuộc phỏng vấn với Đài VOA, ông cho hay việc mất giá đồng bộ của đồng nhân dân tệ Trung Quốc và tiền tệ của nhiều nước châu Á đã khiến các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc và châu Á duy trì lợi thế về giá, với vấn đề thâm hụt tài chính tương đối cao của Mỹ thì Mỹ vẫn là nguồn mua hàng chính, dù cạnh tranh địa chính trị khiến Mỹ đã giảm nhập khẩu các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, tuy nhiên với nhiều nước châu Á thì vẫn sử dụng một số bộ phận do Trung Quốc sản xuất.

Ông lưu ý: “Nhiều sản phẩm cuối cùng có thể đến từ Việt Nam hoặc các nước ASEAN khác thay vì sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc vẫn có thể được hưởng lợi vì sản phẩm sản xuất tại Việt Nam vẫn sử dụng linh kiện sản xuất tại Trung Quốc, hoặc do các công ty Trung Quốc chuyển sang Việt Nam sản xuất”.

Ông Thorbecke cho rằng Mexico đã trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, điều này rất bất lợi cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai của Trung Quốc, nhưng Mỹ phải trả giá tương đối cao hơn khi mua hàng hóa Mexico.

Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, do đó trong tình cảnh nguồn nhập từ Mỹ giảm thiểu đối với Trung Quốc, bên cạnh đó là sụp đổ của thị trường nhà đất trong nước và việc cắt giảm tiêu dùng của người dân do triển vọng kinh tế kém đã khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn. Nhưng dù nền kinh tế đầy thách thức thì Chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều công cụ chính sách để kích thích, tuy nhiên ông Thorbecke kêu gọi ông Tập Cận Bình từ bỏ kiểm soát quyền tự do ngôn luận để có được nhiều giải pháp sáng tạo.

Ông Thorbecke nói: “Nếu Chủ tịch Tập được coi là người ra quyết định cuối cùng, ông ấy có thể không đủ sáng suốt để dẫn 1,4 tỷ người ra khỏi cảnh khó khăn. (Nếu ông ấy) sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng bất đồng thì có thể tìm kiếm được thêm nhiều giải pháp sáng tạo”.

Dòng tiền nóng chạy khỏi Trung Quốc vẫn tập trung chính ở châu Á

Một cú sốc lớn khác mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt là xu thế thoái vốn nước ngoài, cho dù đó là các doanh nhân nước ngoài rút nhà máy và vốn của họ hay tiền nóng rút khỏi thị trường vốn Trung Quốc (như cổ phiếu, trái phiếu…).

Tuy nhiên, học giả Lâm Tổ Hy cho rằng phần lớn quỹ nước ngoài này vẫn đậu ở những nơi như Hồng Kông hay Singapore chờ cơ hội đầu tư tiếp ở châu Á, trong số đó có một số nguồn vốn ngắn hạn quay trở lại Mỹ do chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng liệu cuối cùng chúng có được đầu tư [lâu dài] vào các ngành công nghiệp của Mỹ hay không thì còn phải xem các ưu đãi đầu tư từ Mỹ.

Ông Lâm Tổ Hy cho biết: “Bây giờ chúng tôi thấy nguồn tiền nhiều nhất cập bến Singapore. Rõ ràng giới đầu tư kỳ vọng trong tương lai ở những nơi dù là Đông Nam Á, Nhật Bản, Đài Loan hay Hồng Kông, vẫn có những cơ hội tương đối lớn để phát triển công nghiệp, do đó dòng vốn giữ ở những nơi này khá nhiều. Việc (chảy) về Mỹ, một số vì mục tiêu ngắn hạn do chênh lệch lãi suất trong ngắn hạn nên về Mỹ, vấn đề này là có, nhưng liệu tiền trong tương lai có thực sự tiếp tục thì điều quan trọng nhất là phải thấy rằng bản thân Mỹ có đủ cơ hội không”.

Một số nhà quan sát cho rằng tác động lan tỏa từ suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể là cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn nhất trong năm nay, trong đó tác động lớn nhất có lẽ là dự án “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình thúc đẩy.

Quy mô của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường sẽ giảm?

Theo báo cáo nghiên cứu năm 2020 của David Dollar, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings của Mỹ, trong 7 năm từ 2013 – 2020 Trung Quốc đã đầu tư khoảng 50-100 tỷ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước dọc Vành đai và Con đường, trong đó khoảng 1/3 được sử dụng để xây dựng nhà máy điện hoặc đường sắt và các công trình giao thông khác.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo gần đây đã khoe rằng sáng kiến ​​này trong 10 năm qua đã mang lại khoản đầu tư nghìn tỷ USD vào các nước dọc theo Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên tình hình cho thấy, trong bối cảnh đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, đi cùng những cáo buộc rơi vào bẫy nợ và những nghi ngờ về mục đích chiến lược của Trung Quốc, khiến Sáng kiến Vành đai và Con đường ​​ngày càng trở nên khó khăn hơn trong triển khai, tiêu biểu như Ý là nước mới nhất rút khỏi dự án này của Trung Quốc.

Ông Đới Bính Nhiên (Dai Bingran), Phó Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới tại Trường Kinh tế Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho biết, nếu Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường mở ra các tuyến đường bộ và đường thủy sẽ thúc đẩy đáng kể trao đổi kinh tế toàn cầu và mang lại lợi ích cho toàn thế giới, đáng tiếc là trước lo ngại đối với Trung Quốc về tình hình chính trị quốc tế hiện nay đi cùng vấn đề ý thức hệ, cộng thêm dịch bệnh kéo dài 3 năm khiến triển vọng hoạt động, quy mô vốn và mở rộng bị hạn chế.

Chuyên gia này nói với Đài VOA: “Trong 2 năm qua chắc chắn không được mở rộng mấy, một số cảm thấy rằng (Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường) không tốt cho họ nên họ không muốn thực hiện. Vấn đề này không thể ép buộc họ được. Trong tương lai, tôi đoán (Trung Quốc) sẽ thận trọng hơn, đặc biệt đối với các dự án hợp tác nước ngoài, Trung Quốc sẽ thận trọng hơn trong việc xem xét phương hướng và khả năng hoạt động của chính doanh nghiệp tham gia. Còn (giảm) quy mô bây giờ thì sao? Tôi không có số liệu thống kê nào, tôi cảm thấy đã bị thu hẹp lại rất nhiều”.

Học giả Singapore Quách Lương Bình cũng cho rằng tình hình quốc tế không thân thiện với Trung Quốc, khiến các nước dọc theo Vành đai và Con đường dao động giữa các cường quốc Mỹ và Trung Quốc, khiến sáng kiến ​​này khó thực hiện hơn. Tuy nhiên, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường là xương sống trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình, vì vậy không ai ở Trung Quốc dám đề xuất điều chỉnh, ít nhất từ những quan sát được qua ngôn luận cho thấy không có dấu hiệu điều chỉnh tư duy tổng thể.

Nhưng ông cho rằng sau vấn đề suy thoái kinh tế của Trung Quốc, nếu không có đủ nguồn vốn thì Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường sẽ tự nhiên phải thu lại. Ông chia sẻ: “Khó khăn trong nước của Trung Quốc là rất lớn, do đó việc vung tiền tiếp để đầu tư ra bên ngoài (vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường) là rất khó khăn. Tôi nghĩ ông Tập chắc chắn sẽ phải điều chỉnh, mặc dù ông ấy không công khai lên tiếng, do đây là xương sống rất nổi bật trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Dù vậy khi không còn đủ tiền thì không còn cách nào khác ngoài việc điều chỉnh!”

Theo Hoàng Lệ Linh / VOA