Chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ một số dịch vụ do bệnh viện và cơ quan tư pháp ở thành phố Vũ Hán cung cấp, sau khi họ bị cáo buộc mang thai hộ và cung cấp kết quả xét nghiệm quan hệ cha con giả.

Tre so sinh 1
(Ảnh minh họa: GOLFX/ Shutterstock)

Trung Quốc mở cuộc điều tra về việc mang thai hộ và xét nghiệm quan hệ cha con giả ở Vũ Hán. Việc đình chỉ và điều tra diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc, nơi việc mang thai hộ là bất hợp pháp, đang cố gắng tăng tỷ lệ sinh và tiến hành một số cuộc điều tra về việc cấp giấy khai sinh giả.

Hôm thứ Ba (28/11), Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán cho biết, Bệnh viện Phổ Nhân Vũ Hán đã đình chỉ việc cấp giấy khai sinh. Viện Nhận dạng Pháp y Thụy Bác Tường Vũ Hán cũng đình chỉ cung cấp dịch vụ pháp y.

Cơ quan chức năng đã thành lập tổ công tác để điều tra bệnh viện và viện nghiên cứu. Cơ quan thẩm định phụ trách cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật dựa trên kết quả điều tra”.

Hôm nay (29/11) Reuters đưa tin, theo kênh truyền thông của Chính phủ Trung Quốc China Daily, bệnh viện và phòng thí nghiệm đã bị một người có ảnh hưởng trực tuyến tên Thượng Quan Chính Nhất cáo buộc về “các hoạt động bất hợp pháp”.

Ông tuyên bố những cơ quan này có thể cung cấp kết quả xét nghiệm quan hệ cha con giả, cha mẹ cũng có thể cung cấp kết quả giả để xin cấp lại giấy khai sinh, cho phép những đứa trẻ không phải con đẻ có được giấy tờ tùy thân giả.

China Daily cho biết, dịch vụ này có giá khoảng 180.000 nhân dân tệ (25.187 USD) tiền mặt.

Vài tuần trước, khoa sản phụ khoa của một bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc đã buộc phải đình chỉ hoạt động. Giám đốc của bệnh viện này bị điều tra vì bán giấy khai sinh công khai.

Ở Trung Quốc, cần phải có giấy khai sinh khi đăng ký hộ khẩu, tiêm chủng, bảo hiểm y tế và đăng ký thẻ an sinh xã hội.

Reuters cho biết, kể từ khi ghi chép vào năm 1949, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất, chỉ còn 9,56 triệu vào năm 2022.

Ngoài ra, dịch vụ cung cấp giấy khai sinh giả cho trẻ bị buôn bán, cũng khá phổ biến trong cơ quan chức năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Truyền thông Đại Lục đưa tin, số trẻ em mất tích ở Trung Quốc lên tới 200.000 trẻ mỗi năm, trung bình có khoảng 550 trẻ mất tích mỗi ngày. Gần 80% trẻ em mất tích là do bị bắt cóc, và xác suất được tìm thấy chỉ là 1‰.

Nhân sĩ truyền thông Lý Nghi Minh nói với Epoch Times rằng cảnh sát của ĐCSTQ đang phạm tội.

“Tại sao trẻ em bị bắt cóc có thể được nhập hộ khẩu tại địa phương? Hệ thống đăng ký hộ khẩu của ĐCSTQ rất nghiêm ngặt. Khi người mua nhập hộ khẩu cho trẻ em, nếu cảnh sát thẩm vấn cặn kẽ, kẻ buôn người sẽ không thể hợp pháp hóa đứa trẻ được mua. Điều này sẽ khiến hiện tượng buôn bán trẻ em giảm xuống.”

Bình Minh (t/h)