Bộ máy quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trải qua những xáo trộn và bê bối nhân sự chưa từng thấy trong vài năm qua. Gần đây, nhiều quan chức chính trị và quân sự cấp cao do đích thân ông Tập Cận Bình lựa chọn bổ nhiệm chức vụ đã lần lượt bị thanh trừng: Sau sự “mất tích” của các quan chức cấp cao như ông Tần Cương và ông Lý Thượng Phúc, gần đây tung tích của Phó chủ tịch Quân ủy Trương Hựu Hiệp cũng thu hút chú ý.

GettyImages 803736208
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hồng Kông năm 2017. (Nguồn ảnh: DALE DE LA REY / AFP qua Getty Images)

Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc mất tích chưa rõ nguyên nhân

Ông Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ĐCSTQ đã biến mất trong 3 tuần liên tiếp, tung tích của ông đã trở thành bí ẩn mới nhất trong chính trường Trung Quốc. Tờ Financial Times của Anh mới đây tiết lộ, cơ quan tình báo Mỹ nhận định ông Lý Thượng Phúc đang bị điều tra về tội tham nhũng, đã bị cách chức Bộ trưởng Quốc phòng. Reuters dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, ông Lý Thượng Phúc đã bị bắt và có thể dính líu đến tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm khi giữ chức Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị từ năm 2017 – 2022 và hiện đang bị điều tra.

Ông Lý Thượng Phúc có thể nói là bạn tâm giao của ông Tập Cận Bình. Sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông Lý Thượng Phúc liên tiếp được thăng chức, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tư lệnh và Tham mưu trưởng Lực lượng Hỗ trợ chiến lược, sau đó vào năm 2017 kế nhiệm ông Trương Hựu Hiệp làm Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị của Quân ủy Trung ương, tháng 3 năm nay ông được thăng chức Ủy viên Quốc vụ viện và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Lý Thượng Phúc trở thành một trong số ít tướng “huyết thống Đỏ thế hệ thứ hai” (con của thế hệ đầu gây dựng nên quyền lực ĐCSTQ cai trị Trung Quốc) còn lại trong quân đội.

Ông Dư Mậu Xuân, cựu Cố vấn trưởng về Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết trong chương trình China Insider của Viện nghiên cứu Hudson vào ngày 19/9, rằng ông Lý Thượng Phúc là một trong số ít “huyết thống Đỏ thế hệ thứ hai” của ĐCSTQ còn lại, đó là điều mà ông Tập Cận Bình lo lắng nhất.

Ông Dư Mậu Xuân cho biết, ông Tập Cận Bình lo ngại những cá nhân trong quân đội ĐCSTQ không có gốc gác hoặc nền tảng quân sự từ “huyết thống Đỏ” có thể trở thành nhóm bất mãn trong quân đội, đặc biệt là trước sự bất mãn trong quân đội hiện nay và lịch sử sa thải các quan chức quân sự cấp cao của ông Tập Cận Bình.

Hồi cuối tháng 4 năm nay, các cấp phó của ông Lý Ngọc Siêu (Tư lệnh Quân chủng Tên lửa) là Lưu Quang Bân (Liu Guanbin) và Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong) đều bị bắt, còn Lý Ngọc Siêu bị điều tra vào ngày 26/6. Cuối tháng 7, ông Tập Cận Bình chính thức bổ nhiệm tư lệnh mới và chính ủy mới của Quân chủng Tên lửa, lần lượt là  cựu Phó tư lệnh Hải quân Vương Hậu Bân và cựu Tư lệnh Chiến khu Liên Xô là Từ Tây Thành (theo đó họ đều được thăng hàm Tướng). Điều này có nghĩa là ông Lý Ngọc Siêu bị cách chức Tư lệnh Quân chủng Tên lửa, còn ông Từ Trung Ba bị cách chức Chính ủy Quân chủng Tên lửa.

Ông Dư Mậu Xuân cho rằng ông Tập Cận Bình đang tận diệt người thuộc “thế hệ Đỏ thứ hai” mà ông ta lo ngại gây nguy cơ cho quyền lực: “Lý Thượng Phúc có thể trở thành thủ lĩnh của phe chống Tập trong nước. Bây giờ tất cả những điều này đều nằm trong tâm trí của ông Tập Cận Bình”; “Nhưng quan trọng nhất, tôi nghĩ vấn đề này cũng cho thấy sự nghi ngờ ngày càng tăng của ông Tập về sự không trung thành của quân đội, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy của quân đánh thuê Wagner ở Nga. Có thể thấy sau cuộc nổi dậy của lính đánh thuê Wagner ở Nga thì toàn bộ bộ máy đầu não của Quân chủng Tên lửa bị cách chức”.

Tin quân sự cảnh báo thái độ làm việc làm dấy lên đồn đoán

Hôm 17/9 Nhật báo Quân sự của ĐCSTQ đã đăng một bài bình luận có tựa đề “Khuyến khích cán bộ hăng hái làm việc có trách nhiệm”, bài viết chỉ ra thực trạng cán bộ lãnh đạo trong quân đội vô trách nhiệm trong nhiệm vụ, để khắc phục tình trạng trì trệ này thì cần dùng cách để cán bộ lãnh đạo “lên chức được cũng xuống chức được”.

Bài báo chỉ ra hiện tượng “hành xử tùy tiện” của cán bộ quân đội hiện nay vẫn còn tồn tại ở một mức độ nhất định: một số ham muốn thành công nhanh chóng và thành công lớn; một số ra quyết định “tính toán vị lợi” như “tạo dựng hình ảnh, thành tích”; một số hành động liều lĩnh, không tuân theo quy tắc và gây ra sai sót trong công việc.

Bài viết cũng cho hay về hiện tượng cán bộ lãnh đạo quân đội có vấn đề “không dám gánh trách nhiệm, không hành động gì”, nhiều công việc “không cố gắng cho tiến bộ, chỉ loay hoay chiếu lệ”, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau…

Bài viết nhấn mạnh không thể chấp nhận thực trạng những cán bộ lãnh đạo như vậy, để khắc phục tình trạng trì trệ này thì cần dùng cách để cán bộ lãnh đạo “lên chức được cũng xuống chức được”.

Ngày 18/9 cựu chủ tịch tổ chức “Nhân quyền Trung Quốc” là Lưu Thanh nói với Epoch Times rằng chỉ cần tờ Quân đội của ĐCSTQ gửi đi những tín hiệu nhất định thì nghĩa là có vấn đề về tín hiệu đó. Vấn đề tồn tại trong quân đội ĐCSTQ hiện nay là ông Tập Cận Bình lo ngại bị mất kiểm soát quân đội, chỉ huy không hiệu quả, đó là lý do liên tiếp nổ ra thanh trừng từ Quân chủng Tên lửa, đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…

Lưu Thanh phân tích rằng việc không tuân lệnh hoặc tự ý làm việc khác là điều mà báo quân đội gọi là “hành vi tùy tiện”. Vấn đề “không hành động” cũng có nghĩa là không nghe lệnh của ông Tập Cận Bình.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc của ĐCSTQ (ALEXANDER NEMENOV/AFP/Getty)

Phó Chủ tịch Quân ủy Trương Hựu Hiệp vắng mặt trong nhiều cuộc họp quan trọng

Theo Tân Hoa Xã của ĐCSTQ, cuộc họp tổng kết đợt đầu tiên và triển khai đợt thứ hai trong vấn đề nghiên cứu và thực hiện giáo dục theo chủ đề “Tư tưởng Tập” của quân đội Trung Quốc đã được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 15/9. Ông Hà Vệ Đông (He Weidong) – Ủy viên Bộ Chính trị là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã tham dự và có bài phát biểu, người chủ trì là ông Miêu Hoa (Miao Hua) Ủy viên Quân ủy Trung ương. Trong cuộc họp không hề có đề cập gì đến một số lãnh đạo kỳ cựu quan trọng như Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp, Ủy viên Quân ủy Trung ương Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), Ủy viên Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc.

Tại Đại hội 20 của ĐCSTQ vào năm ngoái, ông Trương Hựu Hiệp (72 tuổi) bất ngờ được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị, đồng thời được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tương đương với việc đại diện cho chính ông Tập kiểm soát quân đội, do đó ông đương nhiên là một thân tín quan trọng của ông Tập Cận Bình.

Giới quan sát cho rằng cuộc thanh trừng ông Lý Thượng Phúc có thể khiến Phó chủ tịch Quân ủy Trương Hựu Hiệp bất mãn. Cục thiết bị quân sự của ĐCSTQ chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí và cũng là bộ phận tham nhũng nhất. Nếu ông Lý Thượng Phúc thực sự phạm tội từ năm 2013 – 2015, không thể loại trừ rằng cấp trên trực tiếp của ông là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đương nhiệm Trương Hựu Hiệp cũng có thể bị nghi ngờ tham nhũng.

Trong chương trình tự truyền thông ngày 16/9, nhà bình luận Li Muyang cho biết, theo nguồn tin ông có được thì hoàn cảnh của Trương Hựu Hiệp thậm chí còn tồi tệ hơn ông Lý Thượng Phúc, ông ta đã bị “quản thúc tại gia”, cả người thân gia đình cũng đang bị giám sát, các thuộc hạ đang được “cắt tỉa”. Tuy nhiên, tin tức trên hiện chưa thể xác thực.

Trong một chương trình tự truyền thông khác được nhiều người chú ý, ông Chương Thiên Lượng phân tích cho rằng ngoại trừ cuộc họp chủ đề “Tư tưởng Tập” ngày 15/9, ông Trương Hựu Hiệp đã vắng mặt liên tiếp trong nhiều dịp quan trọng, chẳng hạn như “Hội nghị Xây dựng Đảng trong toàn quân đội” do ông Tập Cận Bình chủ trì từ ngày 20 – 21/7; trước đó ngày 7/6 khi ông Tập đi công cán ở Nội Mông cũng không thấy ông Trương Hựu Hiệp xuất hiện; trước đó nữa vào ngày 29/5 trong buổi học tập của Bộ Chính trị cũng vắng mặt ông Trương Hựu Hiệp… Toàn bộ quá trình gây nghi ngờ có điều gì đó không ổn giữa ông Trương Hựu Hiệp và ông Tập Cận Bình.

Ông Chương Thiên Lượng cho biết, ông Tập Cận Bình và ông Trương Hựu Hiệp là đồng hương, thế hệ cha của họ là bạn thân, đối với họ có thể nói là “bạn thân qua 2 thế hệ”. Ông Trương Hựu Hiệp từng tham gia Chiến tranh Việt Nam và là một trong số ít tướng lĩnh trong quân đội ĐCSTQ có kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Ban đầu ông Tập rất coi trọng và muốn bảo vệ ông Trương Hựu Hiệp, có thể thấy qua việc “Mạng thông tin mua sắm vũ khí và thiết bị quân đội” của ĐCSTQ đã đưa ra tin tức vào ngày 26/7 về thu thập manh mối vi phạm kỷ luật trong mua sắm kể từ tháng 10/2017 – thời điểm mà ông Trương Hựu Hiệp vừa chuyển giao chức Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị cho ông Lý Thượng Phúc.

Nhà quan sát Chương Thiên Lượng phân tích rằng mặc dù ông Tập Cận Bình rất xem trọng ông Trương Hựu Hiệp, nhưng ông Trương có thể không cùng quan điểm với ông Tập, bởi vì hầu hết các ông trùm “thái tử Đảng” (huyết thống Đỏ) của ĐCSTQ đều coi thường ông Tập, nên sau khi ông Tập lên nắm quyền đã xử lý ông Bạc Hy Lai cùng nhiều tướng lĩnh quân đội khác thuộc giới “huyết thống Đỏ”…

Ông Trương Hựu Hiệp và ông Lý Thượng Phúc là hai nhân vật thân thế “huyết thống Đỏ” duy nhất còn lại trong quân đội ĐCSTQ. Họ là những người được đích thân ông Tập đề bạt và bổ nhiệm thăng chức, nếu họ cũng bị thanh trừng thì những “thái tử Đảng khác sẽ ý thức được nguy cơ, nên nhất định sẽ đoàn kết chống lại ông Tập Cận Bình”, ông Chương Thiên Lượng nhận định.

Nhà bình luận thời sự Đường Hạo (Tang Hao) thì cho biết trong chương trình tự truyền thông ngày 19/9 rằng lịch sử xưa nay cho thấy chỉ cần nổ ra khủng hoảng lòng tin giữa nhà lãnh đạo quốc gia và lực lượng vũ trang của đất nước (ngờ vực lẫn nhau) thì dễ có binh biến hoặc đảo chính. Ví dụ tiêu biểu như trường hợp Mao Trạch Đông và Lâm Bưu, và gần đây ở Nga là thủ lĩnh Prigozhin của Wagner và Tổng thống Putin. Vì vậy, chuyện ở Trung Quốc trong trường hợp ông Tập Cận Bình và phe quân đội hiện nay không tin tưởng nhau, như vậy không những khó khăn trong huy động quân quy mô lớn nếu cần, mà nghiêm trọng hơn còn tiềm ẩn nội chiến, binh biến bất cứ lúc nào.

Giám đốc Akio Yaita của chi nhánh Đài Bắc tờ Sankei Shimbun hôm 16/9 đăng trên Facebook, nói rằng ông Lý Thượng Phúc bị điều tra vì ông Tập Cận Bình tin rằng ông ấy có vấn đề về lòng trung thành, và điều tương tự cũng đúng với ông Ngụy Phượng Hòa. Nhìn lại lịch sử nhân loại, những chế độ độc tài vào thời kỳ mạt vận hay thấy tình trạng nhà cai trị đầy nghi ngờ cấp dưới thân tín, thường nổ ra liên tiếp những vụ thanh trừng thân tín. Ông lưu ý: “Trong vòng vài tháng mà liên tục cách chức những vị trí tư lệnh quan trọng nhất là bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng là điều rất bất thường. Có lẽ nội bộ ĐCSTQ đang nổ ra cuộc đấu đá quyền lực khốc liệt mà bên ngoài chưa thể biết. Phải chăng chế độ ĐCSTQ đang đến hồi kết?”