Lễ khánh thành bức tượng Mao Trạch Đông theo dự kiến ban đầu sẽ được tổ chức ở Đàm Thành, Sơn Đông, Trung Quốc hôm 26/8. Tuy nhiên toàn bộ bức tượng đã bị đánh cắp, phần đế cũng bị phá hủy và mang đi.

Ngày 27/8, “Đội Tuyên truyền yêu nước trên núi anh hùng Sơn Đông” đăng trên Maoflag cho biết, tượng Mao Trạch Đông bằng đá cẩm thạch trắng Hà Bắc đã biến mất vào ngày 24/8, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm.

20230828231648639
Tượng Mao Trạch Đông bị đánh cắp ở huyện Đàm Thành, TP. Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Hội Hồng Ca – Câu lạc bộ Bài hát Đỏ)

Ngoài việc lên án mạnh mẽ, bài viết cho rằng đây là một “vấn đề chính trị” còn độc ác hơn “vụ phá hoại tượng Mao Trạch Đông ở Thiên An Môn” năm 1989.

Trang web szhgh.com của Hội Hồng Ca (Câu lạc bộ Bài hát Đỏ) đã đăng lại bài viết của “Đội Tuyên truyền yêu nước trên núi anh hùng Sơn Đông” trên Maoflag có tiêu đề “Mạnh mẽ lên án hành vi đê hèn trộm cắp tượng Mao Chủ tịch”.

Bài viết chỉ ra rằng tượng Mao Trạch Đông bằng đá trắng Hà Bắc được đổ móng vào ngày 12/7 tại Đàm Thành, tỉnh Sơn Đông. Việc xây dựng phần đế hoàn thành vào ngày 16/7 và bức tượng được hoàn thành vào ngày 4/8.

Ban đầu, người dân địa phương dự định tổ chức lễ khánh thành tượng Mao Trạch Đông vào ngày 26/8. Không ngờ hôm 24/8, toàn bộ tượng Mao đã bị đánh cắp và phần đế bị phá hủy. Kẻ trộm còn cố tình che camera gần đó, khiến camera giám sát không thể ghi lại quá trình phạm tội.

Bài viết cũng nêu rằng những tên trộm này không dám làm giữa ban ngày mà đã bí mật thực hiện vào đêm khuya: “Tội này còn độc ác hơn việc vẩy mực lên chân dung Mao Chủ tịch ở Quảng trường Thiên An Môn.”

Tác giả còn gay gắt: “Không biết chính quyền Đàn Thành sẽ giải thích thế nào. Đừng nói không thể phá án, trừ phi là do chính các người làm (trộm tượng).”

20230828231649426
Tượng Mao Trạch Đông ở huyện Đàm Thành, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông bị đánh cắp, chỉ còn lại phần móng. (Ảnh: Câu lạc bộ Bài hát Đỏ)

Trong 27 năm cầm quyền (từ 1/10/1949 – 9/9/1976), Mao Trạch Đông đã phát động hàng chục chiến dịch chính trị đẫm máu và tàn bạo.

Từ cải cách ruộng đất, tam phản, ngũ phản, đàn áp quân phản cách mạng, chống tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong, thanh trừng các phong trào phản cách mạng, chống cực hữu, Đại nhảy vọt, chống lại các bè phái chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do Bành Đức Hoài cầm đầu, chống phong trào chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, 4 cuộc thanh trừng, và 10 năm Cách mạng Văn hóa, lần vận động nào cũng đều đi kèm với những cuộc chém giết.

Từ ngày 21 – 23/8/1980, Đặng Tiểu Bình được nữ nhà báo người Ý Fallaci được phỏng vấn 2 lần tại Bắc Kinh. Bà Fallaci hỏi: “Có bao nhiêu người chết trong Cách mạng Văn hóa?”

Đặng trả lời: “Có bao nhiêu người thực sự chết trong Cách mạng Văn hóa, đó là một con số thiên văn, một con số không bao giờ có thể ước tính được”.

Lý Nhuệ, cựu Bí thư của Mao Trạch Đông, từng nói: “Mao không bao giờ sợ người chết, và bao nhiêu người chết cũng không quan trọng”.

Bình Minh (t/h)