Trung Quốc lên kế hoạch đưa tù nhân Duy Ngô Nhĩ đến vùng khác làm việc
- Xuân Lan
- •
Các tù nhân người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sẽ bị chuyển tới những vùng khác nhau của Trung Quốc theo chương trình sắp xếp việc làm vốn bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19, theo SCMP.
Chính phủ Trung Quốc lại tiếp tục kế hoạch bố trí việc làm cho hàng chục nghìn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sau khi họ đã hoàn thành chương trình “giáo dục” bắt buộc tại các trại “cải tạo” tại Tân Cương, theo SCMP.
Kế hoạch nêu trên, bao gồm hạn ngạch về số người mà các tỉnh sẽ nhận, được thông qua lần cuối cùng vào năm ngoái nhưng bị gián đoạn do sự bùng phát của COVID-19.
Các nhà phê bình nói rằng những trại này là một phần của các biện pháp được thiết kế để xóa bỏ bản sắc dân tộc và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người thiểu số Hồi giáo khác, theo đó yêu cầu tất cả mọi người phải tham gia chương trình “giáo dục lại.”
Tuy vậy, Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ những lời chỉ trích và nói các trại giam mang đến cho người Duy Ngô Nhĩ có cơ hội đào tạo nghề mà họ cần để tìm được công việc tốt hơn, đồng thời giúp họ tránh xa khỏi ảnh hưởng của trào lưu chính thống cấp tiến.
Hiện nay khi dịch bệnh đã được kiểm soát, chính phủ Trung Quốc lại tiến hành việc sắp xếp việc làm cho những tỉnh nhận “lao động người Tân Cương.”
Mặc cho tác động tàn phá của dịch bệnh về kinh tế và thị trường lao động, chính quyền Trung Quốc quyết tâm tiếp tục kế hoạch được cho là sẽ “biểu thị sự thành công của chính sách về các trung tâm giáo dục lại ở Tân Cương,” theo nguồn tin nói với SCMP.
“Những người tốt nghiệp xuất sắc được nhiều tỉnh, đặc biệt là 19 tỉnh thành, tuyển làm người lao động chân tay” nguồn tin nói. Tuy nhiên, không rõ thế nào được gọi là “những người tốt nghiệp xuất sắc.”
“Vấn đề thất nghiệp tại Tân Cương phải được giải quyết bằng bất kỳ giá nào, bất chấp dịch bệnh bùng phát,” nguồn tin nói.
SCMP nói họ biết ít nhất 19 tỉnh thành đã được giao chỉ tiêu thuê người thiểu số Hồi giáo, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ đã “tốt nghiệp” từ các trại cải tạo.
Từ tháng Hai, khi con số nhiễm bệnh bắt đầu hạ xuống hàng ngày bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã bắt đầu đưa lao động người Duy Ngô Nhĩ tới nơi làm việc mới.
Một bức ảnh chụp hồi tháng Hai cho thấy hàng nghìn thanh niên Duy Ngô Nhĩ, tất cả đều đeo khẩu trang và với những bông hoa lụa đỏ khổng lồ đeo trước ngực bị đưa đi làm việc tại các nhà máy ở bên ngoài thành phố quê hương của họ.
Vào khoảng cuối tháng Hai, chỉ riêng Tân Cương đã “tạo công ăn việc làm” cho hơn 60.000 người Duy Ngô Nhĩ “tốt nghiệp” từ các trại này. Vài nghìn người khác được đưa tới làm việc tại các tỉnh khác.
Nhiều người đang làm việc tại các nhà máy sản xuất đồ chơi và quần áo.
Các nguồn tin nói với SCMP rằng thành phố Thâm Quyến ở miền nam – trung tâm sản xuất công nghệ cao của Trung quốc – năm ngoái đã xác định mục tiêu tái định cư cho 50.000 người Duy Ngô Nhĩ. Thành phố được phép làm điều này thành nhiều đợt, với 15.000 đến 20.000 người được sắp xếp vào giai đoạn đầu tiên.
Shaoguan, một thành phố kém phát triển hơn của tỉnh Quảng Đông, cũng được yêu cầu tiếp nhận thêm từ 30.000 đến 50.000 công nhân Duy Ngô Nhĩ.
Tại tỉnh Phúc Kiến, một nguồn tin chính phủ cũng nói họ được yêu cầu thuê “hàng chục nghìn công nhân Duy Ngô Nhĩ.”
“Tôi nghe nói đợt đầu tiên gồm vài nghìn người sẽ sớm đến. Chúng tôi đã tiếp nhận chỉ thị chính thức yêu cầu giải quyết việc ăn ở cho họ thật cẩn thận,” nguồn tin nói.
Không có con số thống kế chính thức nào về việc có bao nhiêu người Duy Ngô Nhĩ sẽ được tái định cư tới các tỉnh và vấn đề này hiếm khi được các phương tiện truyền thông của Đại lục báo cáo.
> Truyền thông Mỹ: ĐCSTQ lên kế hoạch xây dựng thế hệ người Duy Ngô Nhĩ mới
Công nhân Duy Ngô Nhĩ trung bình sẽ kiếm được từ 1.200 đến 4.000 NDT (từ 170 đến 565 USD) một tháng, được chính quyền địa phương cấp nơi ăn ở, theo các báo cáo của truyền thông Trung Quốc.
Tuy nhiên, họ không được rời nơi ở khi chưa được phép.
Liên Hợp Quốc (LHQ) đã ước tính rằng hơn một triệu người Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn của việc tái định cư, Bắc Kinh cố gắng quản lý cẩn thận mọi việc, từ tuyển dụng tới các điều khoản hợp đồng đến quản lý cuộc sống hàng ngày của các công nhân.
Các quan chức địa phương đích thân tới nhà từng công nhân Duy Ngô Nhĩ để đưa họ lên máy bay hay chuyến tàu đã được sắp xếp trước. Khi đến nơi, họ sẽ được đón ngay lập tức và đưa tới các nhà máy đã được ấn định trước cho họ.
Trung Quốc đang đẩy mạnh các thoả thuận bố trí việc làm như vậy trên diện rộng để bù đắp tác động của suy thoái kinh tế sau đại dịch.
Các nguồn tin nói với SCMP rằng thoả thuận bố trí việc làm được chính quyền Tân Cương và các tỉnh khác hoàn tất lần đầu vào năm ngoái.
Mục đích là đảm bảo việc làm cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã hoàn thành việc đào tạo nghề tại các trại cải tạo và giải quyết việc xoá đói nghèo trong khu vực. Đây là một trong những khu vực nghèo nhất của Trung Quốc.
Trong trại họ được đào tạo nhiều loại nghề khác nhau như làm trong nhà máy, bảo trì máy móc và phục vụ phòng khách sạn. Họ cũng phải học tiếng phổ thông, luật pháp Trung Quốc, những giá trị cốt lõi của đảng và giáo dục lòng yêu nước.
> Người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động cho thương hiệu phương Tây
Các trại cải tạo khổng lồ ở Tân Cương đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi.
Liên Hợp Quốc ước tính có trên một triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều công dân thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ trong các trại này, điều mà Bắc Kinh khẳng định là cần thiết để đấu tranh chống khủng bố và Hồi giáo cực đoan.
Người thiểu số Hồi giáo, đặc biệt người Duy Ngô Nhĩ, là mục tiêu của sự phân biệt đối xử tàn bạo ở Trung Quốc và tình hình ngày càng xấu đi sau những cuộc đụng độ hồi năm 2009.
Đầu tháng này, Viện chính sách chiến lược Úc đã công bố một báo cáo nói rằng hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã được chuyển từ Tân Cương tới làm việc trong các nhà máy tại 9 tỉnh thành của Trung Quốc.
Báo cáo xác nhận tổng số 27 nhà máy sản xuất cho 83 thương hiệu, gồm những cái tên quen thuộc như Google, Apple, Microsoft, Mitsubishi, Siemens, Sony, Huawei, Samsung, Nike, Abercrombie&Fitch, Uniqlo, Adidas và Lacoste.
Báo cáo cũng cho biết các công nhân được gửi tới sống trong các khu ký túc tách biệt, phải trải qua các khóa học tiếng phổ thông có tổ chức và huấn luyện tư tưởng ngoài giờ làm việc, đồng thời bị theo dõi liên tục. Họ cũng bị cấm tham gia các hoạt động tôn giáo.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chỉ trích báo cáo trên, nói rằng nó không có “bất kỳ cơ sở thực tế nào.”
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trại cải tạo ở Tân Cương giáo dục người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Dòng sự kiện