Thành hay bại của một người trong cuộc đời rất nhiều khi chính là do cách đối nhân, thiện duyên hay ác duyên của người ấy quyết định. Bởi vậy, học cách đối nhân, nuôi dưỡng thiện duyên, tạo dựng được những mối nhân duyên tốt đẹp chính là có được một loại tài phú lớn lao trong cuộc đời. 

6 cách đối nhân đem lại thiện duyên cho một người
(Ảnh minh họa: Saravutpics, Shutterstock)

Một người nếu không biết ứng biến, đối nhân xử thế cho thỏa đáng thì cho dù họ có là người tài năng đi nữa thì cũng khó có được thành tựu và nhân duyên tốt đẹp trong cuộc đời. Hãy ghi nhớ 6 cách đối nhân dưới đây, chúng ta sẽ có được những mối nhân duyên tốt lành, từ đó có được những cơ hội tốt đẹp.

1. Đối với đàn ông, đừng quên thể diện cho họ

Điều mà một người đàn ông coi trọng nhất thường chính là thể diện. Vì vậy khi đối đãi với đàn ông, nhất định phải suy nghĩ cho đối phương, cần phải giữ thể diện cho họ.

Trong cuộc sống, chúng ta không khó để bắt gặp những người vợ vì không giữ thể diện cho chồng của mình trước mặt đám đông, dần dần khiến cho tình cảm vợ chồng bị nhạt nhòa, kéo theo nhiều vấn đề không hay về gia đình.

Ngày nay rất nhiều bạn bè chơi thân với nhau thường có thói quen bông đùa, vạch trần khuyết điểm của đối phương trước đám đông, có lẽ họ sẽ cảm thấy thích thú khi làm điều này. Nhưng hành động như vậy thật không sáng suốt, nhẹ thì khiến người khác xấu hổ, nặng thì chính là đã đắc tội với người ta.

2. Đối với phụ nữ, đừng quên cảm xúc của họ

Khi đứng trước một người phụ nữ, không nên chỉ để tâm đến việc giảng giải đạo lý cho họ, điều quan trọng cần chú ý hơn đó chính là cảm xúc của họ. Gia đình vốn dĩ không phải là nơi để giảng đạo lý, vì vậy một người chồng thông minh đừng hơi một chút là lại giảng đạo lý.

Chỉ có người chồng không để ý đến cảm xúc của người vợ mới đôi co lý luận với vợ, mà kết cục cuối cùng là chỉ có thể đối diện với sự không hiểu lý lẽ của vợ. Vì vậy, khi cần góp ý, chỉ ra những điều chưa được của người vợ, người chồng nên lựa thời điểm, dùng thiện ý thì sẽ có tác dụng hơn.

3. Đối với người già, đừng xem nhẹ tự tôn của họ

Khi đối đãi với người già, hãy cố gắng để tâm đến lòng tự tôn của họ. Đứng trước người lớn tuổi phải giữ được sự khiêm nhường và cung kính cần có, đó là sự lễ phép.

Đối với một số người già mà nói, họ cho rằng những kinh nghiệm mà họ có được luôn nhiều hơn những người trẻ tuổi, nên có lẽ họ cũng có một chút cố chấp, một chút tự phụ, ôm khư khư ý kiến của mình, không nghe lời người khác nói. Gặp người già như vậy cho dù quan điểm bất đồng, cũng không nên tranh luận gay gắt, chỉ cần chúng ta lắng nghe và học hỏi những điều phù hợp thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Khi chúng ta tập trung chú ý lắng nghe, mặc dù có thể bất đồng quan điểm, nhưng chắc chắn rằng những lời mà họ nói vẫn có nhiều điều đáng để chúng ta học tập và vận dụng.

4. Đối với cấp trên, giữ tôn nghiêm cho họ

Đối với cấp trên, một người biết đối nhân sẽ chú ý đến sự khác biệt về thân phận và chức vị. Họ hiểu rằng, cho dù là bàn bạc chuyện gì thì cũng phải giữ thái độ khiêm tốn, không làm tổn hại đến sự tôn nghiêm của cấp trên.

Cho dù biết rõ cấp trên có sai sót, khuyết điểm thì cũng không nên thẳng thắn vạch trần, mà nên lựa chọn thời gian địa điểm phù hợp để góp ý, nhắc nhở. Khi chúng ta cho người khác một đường lui thì cũng chính là một cách giữ thể diện cho họ.

Trong một tập thể, nếu một người có chút tài năng mà luôn cậy tài khinh người, coi thường người khác thì cuối cùng thông thường sẽ không được người khác tôn trọng, kết cục cũng không tốt đẹp, các mối quan hệ cũng dần dần mất đi.

5. Đối với người trẻ tuổi, đừng quên sự thẳng thắn của họ

Người trẻ tuổi nhiệt huyết tràn trề, nên họ thường rất thẳng thắn, nghĩ gì nói đấy, cử chỉ bộc trực, hành động mau lẹ. Điều này vừa là ưu điểm nhưng cũng là khuyết điểm của họ. Nếu chúng ta là những người đi trước, là những người anh người chị thì nên hiểu được tính cách này của họ mà đối đãi cho hợp lý.

Người trẻ tuổi là làn gió mới, tại một số việc thì họ là chủ lực, vì thế khi tương tác qua lại, cần tránh vòng vo, càng chân thành thì càng tốt. Hơn nữa đừng nên lúc nào cũng chỉ biết thuyết giáo, mà còn phải lắng nghe ý kiến của người trẻ tuổi. Nếu có thể làm được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo được một nhân duyên tốt đẹp với họ.

6. Đối với trẻ nhỏ, chớ quên sự khờ dại của chúng

Đối với trẻ nhỏ, đừng nên thường xuyên bộc lộ sự bất mãn của chúng ta với cuộc sống, xã hội, như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy thế giới của người lớn quá phức tạp và nhiều điều tiêu cực.

Trẻ nhỏ rất ngây thơ hồn nhiên, kinh nghiệm xã hội rõ ràng còn thiếu sót và non nớt, dù nói nhiều thì trẻ cũng khó mà hiểu hết được. Vì thế hãy để trẻ tận hưởng quãng thời gian tuổi thơ hạn hẹp, ngắn ngủi của mình. Cách tốt nhất để dạy trẻ chính là chúng ta hãy làm tấm gương tốt cho trẻ học theo.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: