Không có bằng chứng nào xác thực để biết rõ tên người sáng chế ra bờ xe nước. Chỉ biết guồng máy dẫn nước tự động đầu tiên được dựng lên ở tả ngạn sông Trà, xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) vào khoảng 1835 dưới triều Minh Mạng. Ở Phước Lộc (nay thuộc xã Sơn Lộc) đồng bào thường gọi là bờ xe Làng.

Bo xe nuoc 02
(Ảnh: Fanpage Thú Chơi Sách)

Theo lời truyền miệng của đân chúng địa phương thì người có công sáng chế ra bờ xe nước là ông Nguyễn Văn Giai tức trùm Giai quán xã Phước Lộc (có người nói ông Giai quê ở huyện Nghĩa Hành).

Thật ra, từ xưa, ông cha ta đã biết áp dụng kỷ thuật lấy nước sông tưới ruộng (gàu sòng, gàu dai, cần vọt…). Nhiều tỉnh ở miền Bắc, như Bắc Kạn, Tuyên Quảng, tại miền Trung như: Bình Định, Khánh Hòa, cũng dùng bánh xe có ống tre vục nước lên ruộng.

Nhưng, đặc biệt ở Quảng Ngãi, ngoài những cách đem nước vào ruộng bằng xe lùa, gàu dai, cần vọt còn có cả một hệ thống dẫn thủy quy mô gồm có 112 bờ xe nước (năm 1960) đóng vai trọng yếu trong việc sản xuất nông sản, có ảnh hưởng quan trọng đến việc nâng cao mức sống của dân chúng địa phương.

I. Tổ chức một bờ xe nước

1. Nguyên tắc vận chuyển

Giản dị, ống tre vục nước từ dưới sông lên, đặt nằm xéo, cách khoảng trên vành bánh (vành biên), tấm quạt tre đan (vĩ) đặt trong lòng bánh nằm trên những nan hoa (cẩn) để cho nước chảy vào đẩy bánh xe quay.

Xe quay dẫn ống tre xuống nước vục đầy dẫn lên cao. Khi bánh xe quay đem ống nước lên cao thì nước trong ống chảy ra, bánh xe đưa dốc ngược ống xuống thì nước đổ hết và tuần tự vục nước khác lên.

Nước trong ống dốc ra có máng hứng (máng gáo) chảy tập trung vào máng chính (máng giàn) dẫn đi mương cái, mương con và cuối cùng nước được thợ xe tháo vào ruộng.

2. Muốn đặt bờ xe nước

a. Ra tăm:

Ngày khởi đầu dựng giàn tăm (tạm) để đặt bờ xe nước gọi là ra tăm. Trước hết dựng giàn tăm (tạm) bằng tre để lấy thế đứng kéo những cây tréo dựng đứng lên.

Kéo “tréo” (cây trụ gỗ dài trung bình 15m, đường kính ước độ 2m50, là cột chính của một bờ xe nước để gác trục.

Kéo tréo xong, bắt tréo dựng hàng giàn, hàng gáo, bắt chống, bắt phụ, tất cả được cột chằng chịt bằng một loại giây săn ở núi (to bằng ngón tay cái) đủ sức chống đỡ bánh xe, trục, máng gáo, mán giàn, cầu tre.

b. Đóng bờ nọc (bờ cản):

Mục đích ngăn sông. Nước chảy ào ào đập vào vĩ khiến xe quay, mỗi phút được 1 vòng tới 1 vòng 1/3. Thác nước nhân tạo cao khoảng 40 phân tây đủ sức chịu cho giòng nước chảy xiết.

Muốn đóng bờ nọc bằng tre, đầu tiên đóng hàng nọc thấp, cứng, sâu gọi là nọc “áp má” xong thả hàng “róng nước” dọc theo bờ nọc. Tiếp tục đóng “nọc chống” (cứ 10 cọc “áp má” 1 “nọc chống”), sau đó đóng nọc “cơi”, cột “róng đầu”, đóng “giãi” để đỡ hàng nọc cơi.

Đóng bờ nọc xong phải dâm bờ (thả phênh bờ) lấy những tấm vĩ bắng tre đan dày dựng dưới chân để cát khỏi chảy, giữ cho bờ nọc khỏi bị xoi.

c. “Đâu xe” (lắp bánh xe):

Trước khi “đâu xe” phải đặt phênh lòng (vĩ đan bằng tre) phía dưới nước lái giòng nước tập trung vào lòng (hộc) mỗi bánh xe mà không được chảy vào khe bánh xe ấy.

Bánh xe tròn mang vỉ, ống, trục, vòng ngoài (vành biên) nan hoa (cẩn) vành trong, “giây dù” tréo 1/3 cẩn ở phía biên để giữ cẩn. Giữa 2 vành biên có 1 vòng “giây lưng” chạy theo biên (loại giây săn ở núi to bằng cán rựa để giữ ống).

Trục bằng gỗ cứng đẽo tròn nhẵn đầu để gác trên ổ quay (bọ xe), bề dài chừng 1/5 đường kính bánh xe. Trung bình đường kính bánh xe 12m thì bề dài của trục 2m4. Đường kính của trục lớn độ 20 đến 30 phân tây.

Tấm vĩ đan bằng tre thật khít, tư vuông 1m20, cặp “cẩn” đeo một tấm vĩ.

Mỗi bánh xe trung bình đường kính 12m có 60 cẩn 30 vĩ, 60 ống tre, mỗi ống vục nước từ 15 đến 20 lít nước, đặt nằm đều trên vành biên, khoảng cách 1m nghiêng theo chiều bánh xe quay. Mỗi bờ xe nước lớn 10 bánh, mỗi bánh có thể tưới từ 6 đến 10 mẫu ruộng.

d. “Đánh độn” (Rác, sậy, lách, sặt, lá mía khô được kẹp thành từng tấm dài gọi là độn):

Thả “con lăn” (rơm rác, cỏ khô, lá mía, lách… bó thành từng bó tròn).

Tất cả được thả xuống nước, tấp vào bờ nọc, nhét vào các khe không cho nước chảy qua nhiều để khỏi xoi bờ nọc. Xong, đổ đá, cát lên “độn” “con lăn” cho cao hơn phía sau bờ nọc độ 5 tấc tây.

đ. “Thả cáo” (tấm vĩ thưa gọi là cáo):

Được thả tấp theo bờ nọc từ dưới cát lên trên mặt nước để giữ cho rác khỏi trôi. Nước chảy đem rác rưởi, cành khô đắp mãi vào bờ nọc. Bờ nầy có chừa cổng chính để cho ghe thuyền qua lại trên sông.

e. Đặt máng gáo:

Khi thả cáo xong, để chuẩn bị cho xe chạy, người ta đặt máng gáo bằng tre đan, phết dầu rái rộng 30 phân, đặt cạnh mỗi bánh xe để hứng nước, đặt máng giàn rộng 1 thước, cuối cùng cột ống để vục nước.

II. Cách điều hành và quản trị một bờ xe nước

1. Thợ xe

Mỗi bờ xe dùng thường xuyên từ 5 đến 7 thợ (thường là 7). Thợ xe phải là những người mạnh khỏe, bơi lội giỏi vì công việc phải làm nặng nề nhiều khi ở dưới nước cả buổi.

Điều khiển chung 7 thợ xe có một người thợ giỏi có nhiều kinh nghiệm gọi là “trùm xe”, còn 6 người kia gọi là “trọn” “rẽ”. Tất cả túc trực đêm ngày tại một gian trại nhỏ, lợp tranh hay rạ sơ sài dựng cạnh bờ xe thường gọi là chòi xe. Thợ xe được phân công như sau:

  • “Trùm”: chịu trách nhiệm chung trong việc điều hành bờ xe nước về mặt kỹ thuật cũng thường kiểm soát việc tháo nước ngoài ruộng.
  • Trọn”: 2 người phụ giúp “trùm” phân công đôn đốc và phụ giúp 4 “rẽ” trong công việc ở bờ, và ngoài đồng.
  • “Rẽ”: 4 người: 1 người lo cào rác đánh độn, 1 người phụ trong bờ, 2 người lo tháo nước ngoài đồng.

2. “Bảo cử” xe

“Bảo cử” là những người góp cổ phần kinh doanh bờ xe nước. Mỗi bờ xe có từ 5 đến 7 “bảo cử” bầu đốc công, chuyên biện hay chuyên hành thay mặt điều khiển, quản trị chung.

3. Thời gian làm xe

Hằng năm cứ đến tháng 10 â.l. “bảo cử” góp tiền mua vật liệu để tiến hành công việc dựng bờ xe. Tháng 12 â.l. thì dựng, đến tháng 2 â.l. “ráp” xe, tháng 3 â.l. xe bắt đầu chạy đổ nước mạ, tháng 4 â.l. dẫn nước lên đồng cho nông dân kịp cấy vụ tháng 5. Xe chạy thường xuyên đến nửa tháng 8 â.l. mới nghỉ.

Sau khi dỡ xe, ban đốc công, trùm, thợ lo thu hoa lợi cho đến cuối tháng 9 â.l. mới xong. Bắt đầu tháng 10 lại sắp đặt công việc cho mùa xe sau.

4. Thủy tô

Đến mùa thâu hoa lợi, đốc công hay chuyên biện và điền chủ phối hợp để coi gặt. Số lúa thu hoạch sau khi trả công gặt còn lại chia ba: “Bảo cử” 1 phần, điền chủ 1 phần, người canh tác 1 phần. Ở chỗ nào xe khó đổ hơn thì chia 5: “bảo cử” xe 2 phần.

5. Số chi thu hằng năm của một bờ xe nước

Sau đây là số chi tiêu điển hình trong năm 1960 của một bờ xe nước trên sông Trà, có 9 bánh và tưới được 80 mẫu ruộng:

Số thu:

  • Lúa chia 1/3 trên 80 mẫu: 75 x 80 = 6.000 “ang” 26 Lúa tưới nước kỳ, lúa tổn, linh tinh: 760 ang
  • Cộng: 6.760 ang

Số chi:

  • Mua tre, cây, giây, đồ tu bổ: 3.500 ang
  • Lúa cơm cho thợ xe và ban quản trị: 1.020 ang Cộng: 4.520 ang (Khoản lúa 4.520 ang bảo cử phải xuất khi bắt đầu làm xe)
  • Lúa mương xe: 210 ang
  • Lúa mương máng: 720 ang
  • Mua đá, thuê ghe, linh tinh: 350 ang Cộng: 5.800 ang
  • Số còn lại: để chia cho bảo cử xe, trùm, thợ: 960 ang

Các khoản kể trên cho thấy “bảo cử” xe bỏ ra trước một số vốn 4.520 ang trong thời gian 1 năm để thu vào 480 ang lúa lời. Cả trùm, thợ làm việc suốt 11 tháng để nhận 480 ang.

III. Sự quan trọng của bờ xe nước

1. Về mặt sản xuất

Ở Quảng Ngãi năm 1960 từng có 112 bờ xe nước tưới trên 4500 mẫu ruộng sản xuất 5.000 tấn lúa trong vụ tháng 8.

Những bờ xe được dựng kế tiếp nhau giữ mức sông thường xuyên cao lên 1m. Để tận dụng thủy tích nầy, đồng bào dịa phương đã đào thêm hệ thống kênh tưới thêm 16.000 mẫu ruộng và mức sản xuất lúa mùa tháng 8 lên 20.000 tấn (1960).

Với mức sản xuất do các bờ xe và kênh tưới, nếu không hạn hán, thiên tai, có thể đủ lúa nuôi 70.000 người (gần 1/10 dân số trong tỉnh) trong 1 năm. Đó là chưa kể đến việc sản xuất các hoa màu phụ: bắp, rau, đậu (ước 4.000 mẫu tây) 1960.

2. Liên hệ với đời sống dân chúng

Như trên đã trình bày, nếu không có các bờ xe. ngưng nước lại thì đồng bào hai bờ sông Trà, sông Vệ độ (100.000 người) sẽ thiếu nước dùng trong nhưng tháng nắng (tháng 6 và tháng 7 â.l.) chưa kể đến việc tưới hoa màu.

Nhờ các bờ nọc (cản) xe ngưng nước, thủy tích giữa hai bờ xe nước là những hồ cá thiên nhiên và do đó đã nuôi sống một số lớn gia đình ngư dân chuyên đánh cá ngọt ở hai bên bờ.

Tổng kết, ta có thể nói bờ xe nước và các hệ thống kênh ở Quảng Ngãi đã nuôi sống được 1/3 dân số toàn tỉnh.

3. Đặc điểm của bờ xe nước

Xe nước có thể đưa nước lên cao 10m để tưới ruộng thường xuyên, bảo đảm suốt thời gian 6 tháng. Nhờ vậy, nông dân có đủ nước để dầm ruộng suốt tháng mới dọn cấy. Do đó ruộng tưới nước xe, hoa màu có phần tốt hơn nước máy.

Dựng bờ xe nước dùng toàn vật liệu địa phương (phần lớn là tre) mua dễ dàng, nhân công, chi phí tương đối rẽ hơn việc dùng máy nước.

Tóm lại, tuy chiến tranh có làm giảm phần lớn hoạt động của bờ xe nước nhưng hệ thống xe nước còn hữu ích và sẽ còn cần thiết lâu dài cho công việc tăng gia sản lượng trồng lúa và các hoa màu khác, góp phần quan trọng trong việc nâng cao mức sống đồng bào Quảng Ngãi.

Phạm Trung Việt
Trích: Non Nước Xứ Quảng

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: