Trong giáo dục có hai ví dụ cho thấy lười đọc và coi thường lý thuyết nguy hại thế nào.

Một là tuyên bố và thực thi “dạy học tích hợp” nhưng lại có môn Sử địa thay vì là môn Nghiên cứu xã hội. Trường sư phạm có khoa sử khoa địa chứ không có khoa giáo dục đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp (tổng hợp). Đáng lẽ phải đào tạo giáo viên mới, ra trường sẵn sàng rồi người ta mới tái cấu trúc chương trình phổ thông khi thiết kế và thực thi. Đằng này…

Bởi thế người đi tập huấn, viết chương trình, sách giáo khoa thì thiếu triết lý và điều tra thực tiễn. Giáo viên ở hiện trường thì rơi vào ma trận “lung tung quyền”. Kết quả rối lung tung beng, đầu ngô mình sở.

Hai là thực hiện một chương trình – nhiều sách giáo khoa nhưng không hiểu thế nào là chế độ quốc định và kiểm định sách giáo khoa. Càng không hiểu thế nào là “thực tiễn giáo dục”. Kết quả là tạo ra khe hở to đùng cho “làm ăn” xung quanh sách giáo khoa, sách tham khảo.

Nguy hại hơn là biến giáo viên thành thợ dạy, làm cho giáo viên suốt đời khổ sở với nỗi lo… ngớ ngẩn “Trường này dạy sách giáo khoa này trường kia dạy sách giáo khoa kia thì thống nhất thế nào?”.

Giáo viên không có ý thức về tự nghiên cứu giáo tài, biên soạn nội dung giáo dục và thực hiện thực tiễn giáo dục như một nhà giáo dục – thực tiễn gia thì sẽ mãi mãi là thợ dạy luyện thi. Để luyện thi chỉ cần thuê một vài gia sư là đủ.

Các hội thảo, tập huấn này kia đông đủ nhưng rơi vào tình trạng đánh trống ghi tên. Xong rồi ai làm việc đó theo thói quen và nhận thức cũ. Người tập huấn lại trở về với những thứ giả hàn lâm vốn vô duyên với thực tế.

Chỉ có trẻ con khổ vì học rồi chẳng biết sẽ thế nào. Số được được lên báo vì đi du học, giành huy chương, đỗ thủ khoa ít lắm.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: