Ở Việt Nam do đưa vào lĩnh vực giáo dục cơ chế cạnh tranh cho nên ý thức cạnh tranh giữa các học sinh gia tăng, và các em bày tỏ cả mối quan tâm tới điểm số, thứ tự trong lớp đến độ nảy sinh lòng ghen tị. Ngoài ra, giáo viên cũng bị xếp hạng dựa vào điểm số thành “giáo viên giỏi” và “giáo viên có vấn đề”. Tình cảnh này đã nuôi dưỡng trong im lặng ý thức “mọi người đều là địch thủ” ở cả giáo viên và học sinh và làm hỏng mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè vốn có.

Các nghiên cứu trong những năm gần đây chỉ ra rằng cạnh tranh chỉ có tác dụng đối với một bộ phận người có khả năng thắng còn nó hầu như không có tác dụng đối với đại bộ phận còn lại, thậm chí nó còn tạo ra tác động thua cuộc.

Một số ít người có năng lực cao, có khả năng thắng nhờ cạnh tranh mà nâng cao ham muốn, nỗ lực tối đa để giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh. Và trong thực tế cũng có thể sẽ có kết quả tốt.

Tuy nhiên, đối với đại bộ phận những người có năng lực phổ thông hay dưới mức phổ thông thì ngay từ đầu họ đã hiểu rằng mình không thể thắng nên nảy sinh trạng thái tâm lý cho rằng có cố gắng thì cũng chỉ là vô ích. Điều mà họ quan tâm nhất không phải là nỗ lực để tạo ra kết quả tốt mà là tính toán xem nên giải thích thế nào để khỏi bị tổn thương lòng tự tôn trước đánh giá tồi tệ của người khác đối với bản thân mình bị phơi bày trong cuộc cạnh tranh. Những học sinh bị điểm kém nói câu cửa miệng: “Vì tớ đâu có ôn tí nào đâu…” là để nói rằng “không phải bản thân mình có năng lực kém mà là vì thi thoảng không học cho nên không giành được điểm tốt”.

Ngoài ra, cạnh tranh còn phủ định trong âm thầm tư thế suy ngẫm thật sâu về sự vật – điều quan trọng nhất đối với việc học, và dung dưỡng cho thói quen học tập bề nổi, nông cạn. Nó tạo ra lối tư duy sai lầm cho rằng việc nhanh chóng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của giáo viên là học tốt ở học sinh. Giáo viên cũng xách động ý thức cạnh tranh của học sinh bằng việc đưa ra các câu hỏi dễ, đơn giản để thu hút sự chú ý của học sinh.

Vì vậy mà ta thường thấy cảnh trong lớp học ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác cảnh học sinh liên tiếp giơ tay kêu to “Em! Em!” ngay khi giáo viên đưa ra câu hỏi và chờ đợi giáo viên gọi mình. Đáng buồn hơn là khi học sinh được gọi trả lời thì các học sinh khác lại chú ý đến nét mặt của giáo viên hơn là nội dung câu trả lời. Và rồi ngay khi thấy nét mặt giáo viên nói lên “sai rồi” thì lại tiếp tục thu hút sự chú ý của giáo viên bằng việt reo to “Em! Em!” giống như là cơ hội mình được phát biểu đã tới. Trong ý thức học sinh hầu như không có nội dung học tập mà chỉ toàn chuyện làm sao để giáo viên chú ý và thắng trong giờ học.

Tác giả: Tanaka Yoshitaka
Dịch giả: Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Tanaka Yoshitaka sinh năm 1964 tại Kyoto, tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Shiga (Nhật Bản), lấy bằng thạc sĩ ngành Hành chính quốc tế tại Mĩ. Hiện tại ông là nghiên cứu viên chính của Trung tâm phát triển quốc tế, hội viên Hội Giáo dục học Nhật Bản, chuyên nghiên cứu phát triển giáo dục, phát triển xã hội. Cho đến nay ông đã đến làm cố vấn giáo dục ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia…

Xem thêm:

Mời xem video: