Đốt pháo là một trong những tập tục không thể thiếu trong ngày tết của cổ nhân. Tập tục này có nguồn gốc từ rất xa xưa và tồn tại qua hàng ngàn năm, trở thành nét văn hóa vô cùng độc đáo. Nhưng vì sao người xưa lại đốt pháo vào ngày tết?

shutterstock 545863273
(Ảnh: Makistock/ Shutterstock)

Nguồn gốc của pháo

Ở Trung Quốc, pháo (bộc trúc) còn gọi là “tiên pháo” hoặc “pháo trượng” đã có lịch sử hơn 2000 năm. Theo sử sách ghi chép, pháo có nguồn gốc từ cây đuốc lớn thời cổ, được làm từ thân cây trúc được gọi là đình liêu. “Đình liêu” nghĩa đen là cháy sém đình. Trong sách “Kinh thi” có ghi chép rằng: “Đình liêu chi quang”, nghĩa là ánh sáng của ngọn đuốc lớn.

Vốn dĩ, khi cây trúc bị cháy, không khí trong các đốt trúc chịu nhiệt nở ra, làm nứt ống trúc, gây ra tiếng nổ lẹt đẹt, đùng đoàng. Thời cổ, người ta dùng biện pháp này để đuổi ma trừ ôn dịch. Đây chính là ghi chép sớm nhất về pháo, cũng gọi là “bộc can”.

Trong sách “Kinh sở tuế thời ký”, tác giả Tông Lẫm người nước Lương thời Nam triều  (năm 502-557) đã viết về phong tục “đốt pháo” đương thời rằng: “Chính nguyệt nhất nhật, thị tam nguyên chi nhật dã. Vị chi đoan nguyệt, kê minh nhi khởi, tiên vu đình tiền bạo trúc, nhiên thảo, dĩ tích sơn tiêu ác quỷ”, nghĩa là ngày mùng 1 tháng Giêng, gà vừa gáy lần đầu, mọi người trở dậy đốt bộc trúc để xua đuổi sơn tiêu (ma núi, loài yêu quái một chân), ác quỷ.

Sau khi thuốc nổ được phát minh, người ta không chỉ đốt ông tre ống trúc nữa mà thêm vào trong ống lưu huỳnh, than củi… để đốt. Tới thời Nam Bắc triều, người ta đốt pháo mừng năm mới bắt đầu trở thành tập tục đến ngày nay.

Nguyên nhân đốt pháo trong ngày tết

Trong ngày tết cổ nhân đốt pháo mừng năm mới là xuất phát từ niềm tin rằng đốt pháo có thể trừ tà, phòng ngừa ôn dịch, phù hộ người nhà nhà bình an may mắn. Ngoài ra, về nguyên nhân đốt pháo trong ngày tết còn có một truyền thuyết lưu truyền đến ngày nay.

Tương truyền rằng, vào thời viễn cổ, có một loại quái thú hung mãnh tên là Niên. Bốn mùa trong năm, con quái thú này đều nằm yên ắng dưới biển sâu. Nhưng cứ vào thời khắc giao thừa, nó lại nổi lên giày xéo, tàn phá cây trồng, hoa màu của người dân, làm hại cả người lẫn vật. Dân chúng vì thế mà kêu khổ thấu trời xanh.

Có một lần con quái vật Niên này lại đến thôn làng phá phách thì thấy một bộ quần áo màu đỏ của một nhà phơi ở cổng mà sợ quá liền bỏ chạy. Vào một hôm khác, khi con quái vật ấy lại đến thì bị ánh lửa tỏa ra từ đèn dọa mà sợ đến mức ba chân bốn cẳng bỏ chạy. Vì thế người dân biết được điểm yếu của con quái vật này là sợ âm thanh, sợ màu đỏ và ánh lửa.

Từ đó, cứ tới cuối năm cũ đầu năm mới, người ta lại dán câu đối màu đỏ ở cửa, treo đèn lồng đỏ, đốt pháo, đốt củi trong sân, dùng dao chặt thịt làm phát ra âm thanh và làm cho trong nhà rực lên màu đỏ. Đó cũng là nguồn gốc việc cổ nhân đốt pháo trong ngày tết.

Bởi vì sau khi đốt pháo, con quái vật đã rời đi nên cổ nhân tin rằng đốt pháo cũng là để xua đuổi những điều xui xẻo, không thuận lợi, đón chờ một năm mới nhiều may mắn hơn, bình an hơn.

An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: