Đà Lạt là nơi ghi nhiều dấu ấn của người Pháp. Đến nay, vẫn còn nhiều công trình của người Pháp hiện diện tại đây. Những người Pháp trước kia khi đến Đông Dương đều muốn đến Đà Lạt bởi đây là vùng đất có những điểm khác biệt mà không nơi nào có được. Người Pháp không chỉ xem Đà Lạt là nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn, mà còn xem đây là địa điểm gắn với nhiều điều thú vị khác.

Đã có nhiều người Pháp viết về Đà Lạt, một trong số đó có P. Munier. Ông đã có những cảm nhận đặc biệt về xứ sở sương mù. Trong chuyên đề về Đà Lạt năm 1941 được đăng trên Tạp chí Đông Dương (Indochine), số 28, năm 1941, tác giả P. Munier đã có những cảm nhận đặc biệt về vùng đất này. Bài viết được đăng bằng tiếng Pháp; nhà nghiên cứu về Đà Lạt Nguyễn Hữu Tranh đã dịch ra Việt ngữ. Qua cảm nhận của P. Munier, Đà Lạt như một thiên đường, ông viết:

“Bên phải tôi, một lọ hoa lớn cắm hoa lay-ơn tuyệt đẹp. Bên trái tôi là những đóa hoa cẩm chướng xinh tươi như ở Pháp. Trong một lọ hoa khác là vài hoa địa lan màu vàng tôi vừa hái trong rừng. Trước cửa sổ, sáu cành hoa mi-mô-da đong đưa trước gió. Ba đóa hoa cẩm tú cầu (hortensia) như ba khối tròn màu xanh biếc đặt trên lò sưởi chờ cắm vào bình.

Đà Lạt như vậy đó! Trước hết, Đà Lạt là xứ sở của hoa, những luống hoa cuốn kèn (arum) và cúc trắng (marguerite), hoa giấy đỏ và hoa rạng đông leo lên tận các bao lơn… Đà Lạt cung cấp cho Sài Gòn và các nơi khác 90 tấn hoa mỗi năm. Đà Lạt cũng là xứ sở của thông. Thật là kỳ diệu khi đi dạo trong rừng thông, hít thở mùi hương thơm ngát và trong lành! Không có bụi cây, không có dây leo, không có nhà tranh: một thảm cỏ lý tưởng với những cánh hoa màu vàng, xanh, tím, hoa cà… Qua rặng thông, du khách có thể nhìn thấy chân trời – chân trời xanh của rừng xa. Đà Lạt không phải là một thành phố, Đà Lạt là một bãi cỏ dợn sóng trên đó cây thông là loại cỏ khổng lồ được điểm bằng những cánh hoa màu đỏ như son – những mái nhà.

Đà Lạt cũng là xứ sở của rau. Địa phương sản xuất hằng năm 1.200 tấn rau. Sở trà Cầu Đất sản xuất 160 tấn chè, đồn điền cà phê Phi Nôm sản xuất 50 tấn cà phê. Ở vùng ven Đà Lạt có hai cơ sở nông nghiệp lớn: nông trại Đăng Kia gần thác Ăn Krô-ét và nông trại Cam Ly. Tại đây, góa phụ O’ Neil (Ô Nây) thiết lập một vườn trồng 20.000 cây cà phê Arabica không bị con xén tóc phá hại và cung cấp một loại cà phê thượng hạng. Nông trại còn trồng cam, chanh, bạch đàn và nuôi bò sữa Ayrshire thuần chủng.

Nông trại Cam Ly là một nông trại kiểu mẫu được hoàn toàn cơ giới hóa từ khâu vắt sữa, khử trùng đến khâu ướp lạnh, đóng chai nhờ một nhà máy thủy điện có hai tua-bin công suất 55 và 260 mã lực cung cấp điện cho thắp sáng và bơm nước. Trên dòng suối Cam Ly, O’ Neil xây dựng một đập nước cao 15m, dày từ 54 đến 65m. Năm 1932, một cơn bão với những trận mưa như trút nước đã tàn phá đập nước hồ nhân tạo Đà Lạt. Chỉ trong vài giây, một khối lượng nước khổng lồ tràn vào thung lũng nhỏ hẹp Cam Ly, cuốn trôi cây cối, làng mạc. Những thân cây to lớn bị tróc gốc va mạnh vào đập nước của nông trại O’ Neil tạo một lỗ hổng. Chỉ trong giây lát, đập nước bị cuốn trôi, về sau không bao giờ được xây dựng lại…

Phái nữ cũng tìm thấy được những mỹ phẩm sản xuất ở Đà Lạt. Bà Ancel (Ăn-xen) chế tạo được nước hoa, kem, phấn, son,… Không có khả năng chưng cất, bà trở lại áp dụng phương pháp cũ: ướp hoa.

… Ở Đà Lạt, với khí hậu ôn đới thích hợp cho sinh hoạt trí thức, học sinh có thể học hết bậc trung học. Có hai Trường Petit Lycée (Pơ-tí Ly-xê) và Grand Lycée (Grăn Ly-xê). Trường Petit Lycée khởi công năm 1927 nằm ở đầu thành phố và trường Grand Lycée ở cuối thành phố. Nằm trên một ngọn đồi, trường này đang được mở rộng vì sĩ số tăng lên hằng năm. Rất tiếc, công trình xây dựng phải dừng lại vì chiến tranh. Trong tương lai, nhất thiết phải xây dựng lại vì nhiều phụ huynh muốn gửi con đến Đà Lạt, nơi có khí hậu thuận lợi hơn ở Sài Gòn và Hà Nội.

Khoảng cách khá xa giữa hai Trường Grand Lycée và Trường Petit Lycée không phải là một trở ngại chính. Nhiều thành phố ở Pháp và Bắc Phi cũng có trường hợp tương tự. Học sinh học các lớp cao ăn ở tại Trường Petit Lycée và đi xe buýt để đến học Trường Grand Lycée.

Người ta nghĩ đến một lúc nào đó sẽ mở rộng Trường Grand Lycée để học sinh nội trú, cả nam lẫn nữ, có thể ăn ở luôn tại trường. Vì nhiều lý do khác nhau, giải pháp này có thể bị bãi bỏ và sẽ có hai trường học: một trường dành cho nam sinh và một trường dành cho nữ sinh”.

Đà Lạt năm 1941 qua bài viết của P. Munier
Trường Lycée Yersin, nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, chụp từ trên cao. (Ảnh: Manhhai, Flicr, CC BY 2.0)

Đà Lạt năm 1941 dưới cảm nhận của P. Munier là như vậy đó. Thời điểm đó Đà Lạt vừa là nơi nghỉ dưỡng thú vị với nhiều loại hoa khoe sắc, vừa là những nông trại hiện đại với nhiều sản phẩm tốt như sữa, chè, rau, cà phê. Nơi đây còn là một trung tâm giáo dục được nhiều người muốn đưa con đến học… Đà Lạt năm 1941 dưới con mắt của P. Munier thật đẹp. Đó là một đánh giá khách quan của một người từng kinh lý qua rất nhiều nơi. Với P. Munier, xứ sở của ngàn hoa năm 1941 hiện lên thật lung linh với nhiều điểm nhấn mà không lẫn với bất cứ nơi nào được. Nói thế để thấy rằng trong những năm tháng chiến tranh, Đà Lạt vẫn được nhiều người biết đến với một vẻ đẹp diễm ảo. Vẻ đẹp đó đến nay vẫn là niềm tự hào chung của những người từng gắn bó với vùng đất này.

Nguyễn Hữu Tranh, Lê Khắc Niên
Đăng trên Báo Lâm Đồng

Xem thêm:

Mời xem video: