“Luận Ngữ. Bát dật” chép: Lỗ Định Công hỏi Khổng Tử: “Quân vương sai khiến hạ thần như thế nào và thần tử phụng sự cho quân vương như thế nào?” Khổng Tử đáp: “Quân vương phải dựa theo yêu cầu của Lễ để sai khiến thần tử, thần tử phải dùng Trung để phụng sự quân vương”. Đây chính là lễ quân thần mà Khổng Tử đề xướng, hơn nữa ông còn đặt yêu cầu đối với bậc quân vương lên trước nhất.

Đạo quân thần thời xưa: Quân vương có lễ, bề tôi tận trung
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Lễ quân thần lớn lao thể hiện ở “kính”

Lễ nghi đối đãi giữa quân vương và quan đại thần thời xưa không chỉ được thực hiện bởi các quan đại thần đối với quân vương mà quân vương cũng phải sử dụng lễ nghi để đối đãi với hạ thần. Vô luận là đối với chư hầu hay là đối với khanh, đại phu, sĩ thậm chí là cấp thấp hơn như cố sĩ, hổ sĩ, đại phó… thì đều dùng lễ quân thần để đối đãi. Điều này thể hiện sự kính trọng lẫn nhau.

Trong “Nghiêu điển” viết về Đế Nghiêu: “Khâm minh văn tư an an, duẫn cung khắc nhượng”, “khâm” là kính cẩn nghiêm túc, “duẫn” là thành thực, “cung” là kính cẩn, “khắc” là có khả năng, “nhượng” là biết nhường. Đế Nghiêu nghiêm túc kính cẩn, nắm rõ thị phi, giỏi trị vì thiên hạ, khoan dung độ lượng ôn hòa, thành thực làm hết phận sự của mình và có thể nhường ngôi vị cho người hiền tài.

“Hoằng đạo lục. Quân thần chi lễ” viết: “Lễ lớn lao là kính”, “Thời thượng cổ, nếu quân vương mạnh thì hạ thần tự hào tán dương, nếu quân vương bình thường thì hạ thần hầu cận ông, nếu quân vương khiêm nhường thì hạ thần cúi đầu, cảnh tượng ấy rất tuyệt vời.”

Vào thời kỳ Tiên Tần, quốc quân muốn bày tỏ lòng tôn kính của mình với đại thần cũng thường thường xưng tự mà không xưng danh. Người thời Tiên Tần ngồi dưới sàn, để thể hiện sự tôn trọng của mình với người ngồi cùng thì họ sẽ nhấc hông ra khỏi chân và giữ thẳng phần thân trên. Quân vương quỳ lạy đáp lễ với đại thần gọi là “không thủ”, động tác là chắp hai tay xuống đất và lạy đầu không chạm đất. Ngoài lễ quỳ, còn có một số nghi thức cũng thể hiện sự tôn trọng của quân vương đối với các quan đại thần, như: bước xuống một bậc, đi xuống bậc để đón chào hoặc hành lễ.

Chuyện Lưu Bang bái tướng Hàn Tín

Hàn Tín là danh tướng khai quốc thời Tây Hán, là một trong “Hán sơ tam kiệt”. “Nhân tài kiệt xuất”, “Công cao vô nhị, lược bất xuất thế” là đánh giá của mọi người thời ấy về ông. Sau khi Hàn Tín quy thuận Lưu Bang, Tiêu Hà cho rằng ông là bậc kỳ tài. Tiêu Hà nhiều lần tiến cử Hàn Tín với Lưu Bang nhưng Lưu Bang không chấp nhận. Hàn Tín bèn bỏ đi. Tiêu Hà biết chuyện lập tức đuổi theo Hàn Tín. Lưu Bang tưởng rằng Tiêu Hà cũng bỏ đi nên tức giận nói: “Giống như mất cả tay trái và tay phải vậy”. Khi Tiêu Hà trở lại, Lưu Bang mừng hỏi: “Tướng lĩnh bỏ trốn có đến mấy chục người, vì sao phải đuổi theo Hàn Tín?”

Tiêu Hà nói: “Những tướng đó dễ kiếm được. Còn những nhân vật kiệt xuất giống như Hàn Tín thì thiên hạ không có người thứ hai. Đại vương nếu thật sự muốn làm vua Hán Trung lâu dài thì đương nhiên sẽ không cần Hàn Tín, còn nếu nhất định phải tranh đoạt thiên hạ thì ngoại trừ Hàn Tín sẽ không có ai có thể cùng bàn.”

Lưu Bang nói: “Ta đương nhiên muốn tiến về đông, lẽ nào cứ ở mãi nơi đây mà buồn bực bất đắc chí?

Tiêu Hà nói rằng: “Nếu Đại vương quyết định phát triển về phía đông thì có thể dùng Hàn Tín, Hàn Tín sẽ ở lại. Còn nếu không dùng, Hàn Tín sẽ bỏ đi”.

Lưu Bang nói: “Thế thì ta nể mặt nhà ngươi giao Hàn Tín làm Tướng quân”.

Tiêu Hà nói: “Làm tướng quân, Hàn Tín sẽ không ở lại đâu”.

Lưu Bang nói: “Thế thì làm Đại tướng quân”.

Tiêu Hà mừng: “Vậy được!”

Tiêu Hà lại nói: “Đại vương trước nay đối với người khác đều khinh mạn, không có lễ tiết. Hiện giờ Đại vương định trao chức Đại tướng quân mà cho gọi đến như gọi trẻ con, đó chính là nguyên nhân mà Hàn Tín muốn rời đi. Nếu Đại vương thực lòng muốn trao chức thì nên chọn ngày tốt, tự mình trai giới, lập cao đàn và quảng trường, lễ nghi phải đầy đủ như vậy mới được”.

Lưu Bang đáp ứng yêu cầu của Tiêu Hà. Thế là, Hàn Tín được bái làm Đại tướng quân.

Lưu Bang làm người vô cùng thiếu lễ nghi, có thể vừa rửa chân vừa tiếp chuyện quan tướng. Có thể nói rằng đây là lần duy nhất trong đời Hán Cao Tổ hạ mình dùng Lễ quân thần cầu hiền. Chính vì việc này mà sau đó Hàn Tín giúp đỡ Lưu Bang bình định thiên hạ. Thậm chí khi có thể chia ba thiên hạ, Hàn Tín cũng không muốn làm, không muốn quay lưng lại với Lưu Bang.

Thiên tử chế định tước vị cho hạ thần

Trong “Lễ ký. Vương chế” viết rằng, Thiên tử chế định thái lộc và tước vị cho hạ thần. Thuộc hạ của Thiên tử gồm có tam công, cửu khanh, 27 đại phu, 81 thượng sĩ. Khi lựa chọn một người có tài trong dân chúng làm quan thì nhất định phải xét đến phẩm chất đạo đức và tài năng của người ấy.

Chư hầu đối với Thiên tử, hàng năm phải phái đại phu đến thăm hỏi một lần, cứ ba năm lại phải phái khanh đến thăm hỏi một lần và cứ năm năm phải đích thân đến thăm hỏi một lần. Thiên tử cứ năm năm phải đi tuần tra một lần.

Đến tháng 2 của năm phải đi tuần tra thì trước tiên phải tuần tra ở phía đông, đi đến núi Thái Sơn và chất củi lên đốt để tế Thiên, cúng tế các sông lớn núi lớn ở các địa phương. Sau đó thiên tử cần gặp gỡ các quốc gia chư hầu ở phương đông và đến nhà thăm hỏi các cụ già gần 100 tuổi. Thiên tử cần lệnh thái sư của các nước chư hầu cho biểu diễn các ca khúc dân ca của địa phương để hiểu biết các phong tục địa phương. Thiên tử cần lệnh cho quan viên quản lý chợ nói về giá cả để biết người dân thích mặt hàng nào, không thích mặt hàng nào. Thiên tử cần cho quan viên phụ trách lễ hiệu chỉnh các mùa, tháng và ngày ở địa phương, đồng thời kiểm tra âm luật, lễ nhạc, chế độ, y phục của địa phương, nếu phát hiện thấy bất kỳ điều gì không phù hợp với quy định thì phải sửa ngay. 

Đến tháng 5 thì thiên tử sẽ đến phía nam, đi đến núi Hành Sơn và làm các lễ cúng tế, tuần tra như ở phía đông. Đến tháng 8 đi tuần tra phía tây, đi đến núi Hoa Sơn và làm các lễ cúng tế, tuần tra giống như ở phía nam. Đến tháng 11 sẽ đi tuần tra phía bắc, đi đến núi Hằng Sơn và làm các lễ cúng tế, tuần tra giống như ở phía tây. Sau khi tuần tra xong cả nước trở về thì Thiên tử cần đến tổ miếu và phụ miếu làm lễ tế báo cáo. Khi Thiên tử sắp đi viễn chinh thì trước tiên cũng phải cúng tế trời, cúng tế đất và cúng tế tông miếu.

Những điều này đều cho thấy rằng Lễ nghi của quân vương thời xưa khi đối xử với thần tử, với chư hầu rất nghiêm ngặt, có thể phải dành cả một năm để thực hiện.

Nghĩa quân thần

Quân có lễ, thần tận trung, đây chính là đại nghĩa quân thần, quân có quân đạo, thần có thần đạo, hai bên đều phải hết sức thực hành. Mạnh Tử nói: “Vua xem bề tôi như tay như chân thì bề tôi xem vua như tim như gan. Vua xem bề tôi như chó như ngựa thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ thì bề tôi xem vua như kẻ thù”. “Luận Ngữ” viết: “Quân vương nếu vô lễ thì bề tôi sẽ không trung thành”.

Trên thực tế, một vị quân vương sẽ không vô cớ mà bắt thần tử của mình phải chết, trừ khi đó là hôn quân, bạo quân. Cho nên khi thần tử không thể không chết hoặc là vương triều đã tận số thì có thể là lúc phải phụng sự cho một minh quân khác.

Thời kỳ Xuân Thu, Trùng Nhĩ chạy loạn Ly Cơ đến Bồ Thành. Quân đội của Tấn Hiến Công ở Bồ Thành đã tấn công ông. Tấn Hiến Công phái hoạn quan tên là Phi đến tấn công Trùng Nhĩ. Người dân Bồ Thành muốn nghênh chiến, Trùng Nhĩ không chịu, cho rằng mệnh lệnh của Tấn Hiến Công là không thể chống cự. Vì thế ông đã mệnh lệnh cho mọi người theo mình, ai ra chống cự thì chính là kẻ thù của mình. Trùng Nhĩ nói: “Dựa vào ân sủng của phụ thân quốc quân mà được hưởng bổng lộc nuôi chính mình, cho nên mới được sự ủng hộ của dân chúng. Được sự ủng hộ của dân chúng mà đi phản kháng thì không có tội lỗi nào lớn hơn. Tốt nhất là tôi nên trốn đi thì hơn!” Thế là Trùng Nhĩ nhảy qua tường bỏ chạy, Phi đuổi theo và chỉ kịp cắt đứt tay áo của ông. 

Sau 19 năm lưu lạc, Trùng Nhĩ trở về nước Tấn làm vua, là Tấn Văn Công. Thái giám Phi yêu cầu được gặp ông, Tấn Văn Công sai người đến mắng Phi và từ chối gặp, nói: “Trong trận chiến Bồ Thành, quân vương đã ra lệnh cho ngày hôm sau đến mà ngươi lập tức đến. Sau đó, ta đi săn với quốc quân nước Địch ở sông Vị, ngươi vì Huệ Công đến mưu sát ta. Huệ Công lệnh cho ngươi ba ngày sau mới đến mà hai ngày ngươi đã đến rồi. Tuy rằng đã có lệnh của quốc quân nhưng sao lại làm nhanh như vậy? Cái ống tay áo bị cắt đứt vẫn còn đó, tốt nhất là ngươi nên rời đi!”

Thái giám Phi đáp: Tiểu thần vốn tưởng rằng quân vương sau khi về nước đã hiểu rõ đạo làm quốc quân, nếu còn chưa hiểu e rằng ngài sắp gặp phải tai họa. Đối với mệnh lệnh của quân vương chỉ có thể nhất tâm nhất ý mà làm. Điều này đã là chế độ từ cổ xưa. Diệt trừ những người bị quân vương ghét bỏ, chỉ cần nhìn xem bản thân mình thực sự có bao nhiêu năng lực để đi làm. Cho nên, ngài lúc ấy là người Bồ hay người Địch đối với thần mà nói có quan hệ gì đâu. Ngài bây giờ là quốc quân, cho dù một người là người Bồ hay người Địch thì chỉ cần xem họ có bảo vệ cho ngai vị của ngài hay không. Trước đây, Tề Hoàn Công từ bỏ hận thù mà để Quản Trọng phò tá mình. Ngài nếu muốn thay đổi cách làm của Tề Hoàn Công, không cần ngài hạ lệnh, thần cũng tự động trốn khỏi nước Tấn, sao phải một mình đến chịu hình phạt”.

Thế là Tấn Văn Công tiếp kiến thái giám Phi. Thái giám Phi đem chuyện phản loạn sắp xảy ra báo cáo cho Tấn Văn Công biết. Nhờ vậy, Tấn Văn Công đã có biện pháp ứng phó mà không gặp nạn trong cuộc phản loạn ấy. Đây cũng là nhờ Tấn Văn Công có thể hiểu được nghĩa quân thần.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: