Trong “Khuyến Nhẫn bách châm”, một cuốn sách về việc thực hành đạo Nhẫn, có viết: “Hy vọng đạt được đầy kho ngũ cốc nhưng kết quả lại chỉ được một đấu. Hy vọng có thể đảm nhiệm địa vị công khanh tể tướng, kết quả lại chỉ có thể làm chức quan nhỏ mà thôi. Khi trong lòng có điều bất mãn thì sẽ thể hiện ra ở sắc mặt và lời nói”. Chu Á Phu thời Hán vì bất mãn hộc máu mà chết, Dương Uẩn thời Tây Hán vì bất mãn mà bị chém ngang lưng. Vì vậy khi trong lòng có bất mãn, ai cũng cần phải học cách nhẫn nhịn. Nhưng đạo Nhẫn thực sự không nằm ở chữ “nhịn”, mà nằm ở chỗ được mất tùy duyên.

Giao phó được mất cho tự nhiên thì tâm khoáng thần di
(Ảnh minh họa: Jikai.Z, Shutterstock)

Chu Á Phu là con trai của công thần khai quốc nhà Hán, được Hán Văn Đế coi trọng. Nhờ chiến công của cha, Chu Á Phu được phong hầu và sau này vì có tài cầm quân mà ông lập công trạng rất lớn. Đến năm Hán Cảnh Đế thứ 5, Chu Á Phu được bổ nhiệm làm Thừa tướng.

Mặc dù vậy, Chu Á Phu không biết nhẫn nhịn, thường hay nói quá thẳng, khiến Hoàng đế không vui. Ông cũng vì hành sự chính trực mà đắc tội với người trong cung, nên bị gièm pha nhiều lần.

Một dịp, Hán Cảnh Đế cho triệu kiến Chu Á Phu vào cung. Vì muốn xem thử tính cách của Chu Á Phu đã thay đổi hay chưa nên Hoàng đế cố ý cho dọn ra một miếng thịt lớn chưa cắt, cũng không cho để đũa trước mặt Chu Á Phu.

Chu Á Phu tỏ vẻ không hài lòng, gọi người hầu mang đũa tới và có phần nóng giận. Hán Cảnh Đế cười nói: “Ông như vậy còn chưa đủ hay sao?” Chu Á Phu cảm thấy rất xấu hổ và tức giận, đành quỳ xuống xin tạ tội. Nhưng Hoàng đế vừa cho đứng lên, Chu Á Phu đã liền lập tức xoay người rời đi, không đợi nói thêm câu nào. Hán Cảnh Đế thở dài nói: “Người như thế có thể phụ tá thiếu chủ sao?” Từ đó về sau, Chu Á Phu không còn địa vị trong lòng Hoàng đế nữa. Chu Á Phu cũng vì nhiều mâu thuẫn với Hoàng đế mà từ quan.

Năm 143 TCN, Chu Á Phu lúc này đã già nên con trai của ông là Chu Dương đã bí mật mua 500 chiếc khiên bọc sắt, dự định sẽ giữ chúng để dùng trong tang lễ cho cha. Nhưng việc cá nhân mua binh khí lúc ấy là phạm pháp. Hoàng đế biết nên đã phái người đi điều tra. Chu Á Phu sau đó bị bắt đưa đến đình úy xét xử. Ở đây, Chu Á Phu nói rằng ông không tạo phản, những binh khí đó là để chôn khi ông chết. Đình úy nói rằng: “Trên đất không tạo phản, dưới đất sẽ tạo phản”, cố ý hạ nhục Chu Á Phu. Chu Á Phu bị nhốt vào đại lao, không nhẫn chịu nổi ủy khuất này nên đã tuyệt thực, sau năm ngày thì hộc ra máu tươi mà chết. 

Một trường hợp nữa là Dương Uẩn thời Tây Hán. Ông từng bị người vu cáo và bị cách chức quan làm dân thường, vì bất mãn nên có phần phóng túng. Thái thú Tôn Hội Tông là bạn cũ của Dương Uẩn đã viết thư cho ông, khuyên ông nên đóng cửa mà nghiền ngẫm lỗi lầm của mình, không nên để khách đến đầy nhà, uống rượu mua vui như hiện tại. Dương Uẩn viết một bức thư hồi âm Tôn Hội Tông, trong đó có nhiều lời oán hận Hoàng đế, biện giải cho những hành vi của bản thân.

Về sau, có người dâng thư quy tội cho Dương Uẩn kiêu căng ngạo mạn, không ăn năn. Khi đình úy điều tra đã tìm thấy bức thư gửi cho Tôn Hội Tông. Hán Tuyên Đế sau khi đọc xong đã vô cùng tức giận, phán Dương Uẩn phạm tội đại nghịch bất đạo, bị chém ngang lưng.

Trong “Khuyến Nhẫn bách châm” có viết rằng:

“Nhân sinh trên đời, được nhiều hay ít đều là thượng thiên quy định. Thăng chức hay giáng chức cũng là thượng thiên định ra. Những gì nên là hiển đạt hay thất bại, những gì nên được đến hay bị mất đi đều là kết quả của âm dương tiêu trưởng và quỷ thần chưởng quản”.

Đào Uyên Minh thời nhà Tấn khi từ quan về quê thì chỉ làm thơ phú để biểu đạt lòng mình. Họ có thể làm được cảnh giới bình thản trong tâm, bằng lòng với số mệnh.

Trong “Quy khứ lai từ”, Đào Uyên Minh viết đại ý là:

“Giàu sang không phải nguyện vọng của ta, mà tiên cảnh thì ta không có cách nào đi tới. Gặp thời tiết đẹp, một mình ta dạo chơi hoặc dùng cây trượng mà bới cỏ. Bước lên mô đất cao ta ngâm nga, lội dòng suối nhỏ ta làm thơ, mặc cho vạn vật biến hóa. Vui với thiên mệnh, còn có gì nghi hoặc nữa”.

Một người khác là Dương Hùng thời Tây Hán viết trong “Giải trào” rằng:

“Ánh lửa cháy rực cuối cùng cũng phải tắt, tiếng sấm ù ù cũng không thể kéo dài mãi. Người tranh quyền đoạt lợi sẽ bị diệt vong, người không tranh danh lợi có thể bảo tồn. Người có công cao chấn động, họ hàng đều có nguy hiểm. Người không màng danh lợi tự giữ mình thì có thể bảo toàn được thân thể”.

Khi đối mặt với được mất vinh nhục trong cuộc đời, không nên lo được lo mất để rồi bị hãm sâu vào trong đó. Người ta nên bảo trì thái độ thuận theo tự nhiên, như vậy mới có thể khiến bản thân đạt tới cảnh giới vui vẻ thoải mái, vô ưu vô lự, tường hòa thanh tịnh. Giao phó được mất cho tự nhiên, tùy duyên đến, tùy duyên đi, thì sẽ đạt được điều gọi là “tâm khoáng thần di” trong tâm cảnh.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Thân Tư Mính
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: