“Nhất diệp tri thu”, một chiếc lá rụng biết mùa thu đến. Nắm bắt thời điểm lập thu và bắt đầu dưỡng sinh từ lập thu đến cuối thu là điều rất trọng yếu. Làm thế nào để giữ gìn sức khỏe và có giấc ngủ ngon vào mùa thu? Hãy cùng tìm hiểu những bí quyết dưỡng sinh vào mùa thu được nêu ra trong sách “Hoàng đế nội kinh” dưới đây.

Dưỡng sinh mùa thu cần coi trọng "tâm pháp"
(Tranh minh họa: Pixnet.net, Public Domain)

Lập thu là tiết khí đầu tiên của mùa thu. Từ lập xuân đến lập thu là hơn nửa năm. Âm dương luân phiên nối tiếp, hoa xuân đã hết, ngày hè nóng lên, tiết lập thu đến, khí trời dần se lạnh. Thời tiết mùa thu thay đổi rất lớn, khiến cho tâm tình của con người cũng có nhiều biến đổi. Mùa thu khiến cho con người vui vẻ phấn khởi khi được thu hoạch nhưng cũng khiến người ta cảm thấy có lúc ưu sầu, buồn lo.

“Hoàng Đế nội kinh” viết: “Tuế bán chi tiền, thiên khí chủ chi; tuế bán chi hậu, địa khí chủ chi”, nghĩa là trước ngày lập thu khí của trời làm chủ, sau ngày lập thu thì khí của đất làm chủ. “Tuế bán” tức là ngày lập thu. Sau ngày lập thu, dương khí dần dần thu lại, âm khí từ mặt đất xuất ra, cái nóng bức lúc khí dương thịnh chuyển thành trạng thái khí âm xâm nhập, vạn vật cũng thuận theo tiết khí mà biến hóa, dần dần lụi tàn.

Trong văn hóa truyền thống có câu: “Nhất diệp tri thu”, một chiếc lá rụng biết mùa thu đến. Trong “Bặc tuế hằng ngôn” viết: “Ngô thụ nhất diệp lạc, thiên hạ tẫn giai thu”, một chiếc lá ngô đồng rụng, cả thiên hạ đều biết là mùa thu. Cây ngô đồng là loại cây rất mẫn cảm đối với khí tiết mùa thu, cứ lập thu đến là lá ngô đồng sẽ rụng. Trong sách “Mộng Lương” có ghi lại rằng, vào triều nhà Tống, ở trước cung có gieo trồng cây ngô đồng, ngày lập thu, trong triều sẽ cử hành nghi thức “báo thu”. Vừa đến thời điểm lập thu, Thái sử quan sẽ bẩm báo thu đến, lúc này cũng là khi một hai chiếc lá cây ngô đồng đã rơi rụng.

Đối mặt với khí se lạnh của mùa thu, y học truyền thống giảng: mùa thu dưỡng “thâu” (thâu nhận, thu vào). Mùa thu là quý tiết thâu nạp, mà khí huyết trong cơ thể con người cũng có sự chuyển dịch từ ngoài vào trong, cho nên dưỡng sinh cũng cần phải dưỡng thâu nạp, bổ âm, không để cho thân tâm mệt mỏi, tiêu hao.

Sách “Hoàng Đế nội kinh. Tố vấn. Tứ khí điều thần đạt luận” viết: “Sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình, thu liễm thần khí, sử thu khí bình, vô ngoại kỳ chí, sử phế khí thanh, thử thu khí chi ứng dưỡng thu chi đạo dã”, nghĩa là phải giữ thần chí an tĩnh, làm giảm tác động của cái lạnh mùa thu lên cơ thể con người, tinh thần hướng vào bên trong sẽ giúp cơ thể thích ứng với trạng thái của mùa thu, thần chí hướng vào bên trong không hướng ra ngoài như vậy sẽ khiến khí phổi thanh sạch. Nói chung, dưỡng sinh vào mùa thu phải chú trọng “tâm pháp”.

“Hoàng Đế nội kinh” viết: “Sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình”. “Chí” chính là chỉ ý chí, hoạt động tư tưởng. “Chí” có ảnh hưởng đến sự lưu thông của khí trong cơ thể con người. “Thu hình” chỉ sự tàn lụi của vạn vật bởi khí lạnh của trời đất. Khí thu gấp gáp và mang theo sát khí, cho nên mọi cảm xúc và suy nghĩ của con người cần phải chậm lại một chút, để nhân thể hài hòa với thiên khí, như thế sẽ làm giảm sự ảnh hưởng của khí lạnh đối với cơ thể con người.

Đông y giảng về sự hợp nhất giữa con người và thiên nhiên. Vào mùa thu, khí huyết trong cơ thể chuyển từ ngoài vào trong, cho nên lúc này, “chí” của con người cũng nên thu lại để tránh phạm sát khí.

“Hoàng Đế nội kinh” lại viết: “Thu liễm thần khí, sử thu khí bình”. Tâm thần quá mệt mỏi sẽ khiến ý chí bị mê loạn, tinh khí bị suy kiệt. Vào mùa hè, tinh thần hoạt động phóng thích ra bên ngoài. Đến mùa thu, tinh thần phải được thu liễm lại và trở về trạng thái bình hòa. Điều tiết tinh thần và tu dưỡng bản thân là mấu chốt nhất trong việc dưỡng sinh. Bảo trì tâm thần bình tĩnh và an hòa, làm nhưng không cầu thành tựu, thành tựu mà cũng không kể công, đạm nhạt đối mặt với thuận cảnh hay nghịch cảnh, như vậy có thể giúp giảm bớt sát khí.

Có một số cách hiệu quả có thể tăng cường năng lượng tích cực. Chẳng hạn như thiền định, thưởng thức âm nhạc cổ điển, có thể làm thư thái tâm thần, khiến con người bình tĩnh và an hòa, hơn nữa còn làm tăng cường khả năng miễn dịch. Ngoài ra, cần dùng thiện tâm và thiện niệm để đối đãi với mọi người và vạn vật, loại năng lượng này cũng rất mạnh mẽ.

“Hoàng Đế nội kinh” viết: “Vô ngoại kỳ chí, sử phế khí thanh”. Thời tiết mùa thu thay đổi dễ làm tổn thương phổi, làm xuất hiện các triệu chứng ho khan, thở dốc. Vào mùa thu, nếu mọi người còn suy tư quá nhiều, không thể hòa hợp với nhịp điệu thu liễm của thiên nhiên thì sẽ khiến phổi gánh chịu nhiều áp lực. Tiết lập thu đến, nên hướng các hoạt động tâm chí từ bên ngoài vào bên trong, hướng nội và an tĩnh, bớt suy nghĩ, bớt lo lắng, khiến khí phổi được thanh sạch.

Những điểm trên đây nhắc nhở mọi người chú ý đến tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe tinh thần. Phép tắc dưỡng sinh vào mùa thu không nằm ngoài một chữ “thâu”. Những ai vẫn còn đang suy nghĩ lên kế hoạch hoặc tìm kiếm các hoạt động khiến hao tâm tổn trí thì cần cân nhắc thu hồi lại. “Hoàng Đế nội kinh. Tố vấn” cũng nhắc nhở chúng ta: “Nghịch chi tắc thương phế, đông vi sôn tiết, phụng tàng giả thiểu”, làm ngược lại sẽ hại phổi, mùa đông sẽ bị tiêu chảy, nếu thuận theo tự nhiên mà ẩn giấu bớt, không khiến tâm lao khổ, thì sẽ ít bị bệnh hơn. Bởi vậy nếu làm trái với đạo “Thiên nhân hợp nhất”, không thể dưỡng sinh tốt vào mùa thu thì trước hết phổi sẽ dễ tổn thương, đến mùa đông sẽ dễ bị các vấn đề về đường tiêu hóa, cơ thể không thể tích trữ tinh chất cho việc dưỡng sinh nữa!

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: