Gustave Dumoutier là nhà Việt Nam học người Pháp thuộc thế hệ đầu tiên, là một học giả có tài, một con người gắn bó và yêu mến lịch sử văn hóa Việt Nam, là nhà Đông phương học đầy nhiệt huyết có chủ trương hợp tác với giới nho sĩ Việt Nam, trân trọng và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam truyền thống, duy trì chữ nho và khuyến khích chữ quốc ngữ. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử, văn hóa Việt nói chung và Hà Nội nói riêng. Ông là một trường hợp khá đặc biệt: vì sở thích cá nhân mà bỏ nghiệp lớn của người cha muốn để lại cho ông kế nghiệp, vì cuối thế kỷ XIX, không mấy ai trong số những người Pháp quan tâm tìm hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam thì ông lại là người tiên phong và ông có một số phận bất hạnh mang tính bi kịch.

Gustave Dumoutier
Gustave Dumoutier. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Gustave Dumoutier sinh ngày 03 tháng 6 năm 1850 tại Courpalay, gần Coulommier. Ông bố là một nhà công nghiệp lớn có tham vọng được thấy cậu con trai kế nghiệp nhưng nghiệp lớn này không thu hút người con trẻ, mà sở thích cá nhân đã đưa Dumoutier đến sự nghiệp nghiên cứu khảo cổ học tiền sử và đến Việt Nam.

G. Dumoutier trở thành hội viên Hội Khảo cổ Seine et Marne, và đã viết hai sách: Phát hiện – khảo cổ tiền sử. Những người Briards trước lịch sử (Coulommier, 1877) và Những cổ tích của Montapeine và của Beautheil (Coulommier, 1878). Từ khảo cổ học, ông chuyển sang nghiên cứu nhân học, dân tộc học và khoa học tôn giáo. Năm 1882, ông đã xuất bản một công trình có ảnh minh họa Những địa điểm của người tiền sử trên cao nguyên Grand-Morin (Seine et Marne): xưởng, trại, trung tâm, dân cư, tượng đài, lăng mộ của người nguyên thủy. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu được xuất bản trong giai đoạn này không đủ sống, ông đã phải làm việc đồng thời trong một xưởng in, và có ý định phấn đấu trở thành giám đốc nhưng xưởng này mắc nhiều vụ việc xấu.

Dumoutier cũng theo học ngành lịch sử bảo tàng, chính trong ngành học này đã cho ông gặp được Paul Bert, người sau này có những ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp và quyết định số mệnh của Dumoutier.

Năm 1883, Dumoutier nảy sinh ý được đi đến vùng thuộc địa của Pháp mà Bắc Kỳ là điểm người ta nói đến rất nhiều, khiến ông quan tâm đặc biệt. Ông bắt đầu theo học lớp tiếng Việt và chữ Hán ở Trường Ngôn ngữ Phương Đông, bắt đầu gửi niềm tin theo một khoa học mới. Năm 1885, ông viết đăng trên tạp chí Dân tộc học bài “Chữ vạn và bánh xe mặt trời trong hệ thống ký hiệu và ký tự chữ Hán”. Ông có tham vọng tự hóa giải một chủ đề lớn như vậy, nhưng cuối cùng cũng chỉ đề cập ở khuôn khổ một tiểu luận giản đơn trong thể loại mới.

Năm 1886, sau sự vụ chính trị xảy ra ở Lạng Sơn, Paul Bert được phong chức Tổng Trú sứ Trung-Bắc kỳ. Lúc này, Paul Bert nhớ đến người bạn học cũ và đề nghị Dumoutier cùng đến Việt Nam với tư cách phiên dịch hai thứ tiếng Việt và Hán.

Tới Hà Nội đúng ngày 8 tháng 4 năm 1886, ở Bắc và Trung kỳ lúc này, ngành học chính ít được quan tâm tổ chức. Chỉ ở thành phố Hà Nội và Lạng Sơn mới có một vài trường Pháp-Việt, không có một phiên dịch nào của địa phương mà toàn phiên dịch được tuyển đến từ Nam kỳ. Dumoutier được Paul Bert tin cẩn giao cho làm “người tổ chức và thanh tra các trường Pháp-Việt” tại Bắc Kỳ, nơi sau này Dumoutier trở thành Giám Đốc Nha Học Chính.

Ngay sau khi đến Bắc kỳ (chỉ từ tháng 4 đến ngày 11 tháng 11 năm 1886 – ngày Paul Bert chết), Dumoutier đã ra sức giúp Paul Bert đề ra chương trình và tổ chức ở Bắc kỳ được 1 trường phiên dịch; 9 trường Pháp-Việt dành cho con trai; 4 trường Pháp-Việt dành cho con gái; 117 trường tư bản xứ và các lớp học tiếng Pháp cho giáo viên tiểu học; 1 trường đào tạo nghề, một trường nghệ thuật trang trí và mở cho các viên chức những lớp học tiếng Việt và chữ Hán khuyến khích những người đỗ đạt. Ở Huế mở được 1 trường dạy cho con em hoàng tộc và con các quan lại.

Đặc biệt, ở Hà Nội thành lập được 1 Viện Hàn lâm Bắc kỳ với chương trình riêng khá rộng mở như sau:

“Nghiên cứu và tập hợp tất cả những gì có thể nghiên cứu, trên mọi lĩnh vực ở Bắc kỳ; Quan tâm việc bảo tồn các công trình nghệ thuật, tượng đài, đền tháp; Chỉ dẫn cho nhân dân hiểu biết những kiến thức khoa học hiện đại và tiến bộ của các nền văn minh; Dịch và phát hành những ấn phẩm bằng tiếng Việt và tóm tắt khái quát trên các sách tiếng Âu châu.

– Dịch và phát hành bằng tiếng Pháp những trích đoạn sử ký quan trọng dưới các triều đại cũng như các công trình của các đoàn nghiên cứu. Mở các khóa đào tạo về thư viện cộng đồng trong các thành phố và thư viện quốc gia tại thành phố Hà Nội.

– Điều tra để mở hướng bảo tồn các văn bia, văn khắc, công trình nghệ thuật quan trọng trên thực địa, tìm lại, thông báo và chuyển về nơi vững chắc, ổn định khi các đình, chùa đang bị hư hỏng, hoặc bảo quản bên ngoài có hiệu quả.

– Biên soạn và phát hành tạp chí ra hàng tháng trong đó đăng các kết quả nghiên cứu và sử lý các vấn đề khoa học, văn học, kinh tế và kỹ thuật.

– Lập quan hệ các Hội nghiên cứu phương Đông của châu Âu với các hiệp hội châu Á để liên tục có các công trình nghiên cứu đặc biệt mang tính bác học ở các vùng này”.

Là người được Paul Bert giao cho đảm trách việc dịch cũng như các phiên dịch viên nên Dumoutier có ý muốn điều chỉnh việc giảng dạy, đề cao ngang nhau việc học chữ quốc ngữ, chữ Hán và tiếng Pháp. Ông luôn cho rằng biết tiếng Việt, nghiên cứu Hán văn như là nguồn gốc của một ngôn ngữ để hiểu được cả hai xã hội Việt Nam và Pháp. Vì thế ông tiến hành soạn thảo rất nhiều sách song ngữ về ngữ pháp và sách học đọc tiếng Việt.

Dumoutier chủ trương hợp tác với giới nho sĩ Việt Nam, trân trọng những phong tục, tập quán có sẵn và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam truyền thống, tôn trọng thể chế, duy trì chữ nho và khuyến khích chữ quốc ngữ. Ông cũng bày tỏ công khai rằng “không nên bãi bỏ nền giáo dục cũ theo kiểu Trung Hoa”, và nhận định “Nếu những đứa trẻ người Việt ra trường không thể đọc và viết nổi những chữ Hán thông dụng nhất thì những đứa trẻ ấy trở thành người ngoại quốc trong đất nước của họ”. Về vấn đề này, Dumoutier cũng nêu rõ ý kiến và đánh giá của Paul Bert là “Việc xóa bỏ việc dạy học chữ Hán chẳng khác gì xóa bỏ việc dạy đạo đức ở nơi đây và chúng ta sẽ chẳng có gì bù đắp được thứ đã mất”. Dumoutier nhận thấy tình trạng thiếu nhà nho để dạy chữ Hán và cũng không có đủ sách, đủ thầy dạy các tác phẩm của các nhà luân lý học, triết học Trung Hoa, hay những tác phẩm về tôn giáo của các nhà truyền giáo… Từ đó, Dumoutier tăng thêm giáo viên dạy chữ Hán vào các trường Pháp ở Đông Dương để chỉ dạy chữ quốc ngữ. Và, Dumoutier tuyên bố bắt buộc học chữ Hán ở trường phiên dịch bởi ông rút kinh nghiệm từ mình, muốn dịch một văn bản chính thống, phiến toái nhất là nhà Hán học không biết tiếng Pháp và trái lại, người phiên dịch chuyên Pháp lại không biết chữ Hán, tất nhiên việc học tiếng Pháp không được sao nhãng. Dumoutier cũng đã cố gắng phổ biến rộng rãi trong xã hội ưu tú người Việt bằng cách dần dần đưa tiếng Pháp làm môn thì bắt buộc ở các kỳ thi hương.

Qua các chủ trương đề ra và chương trình đã thực hiện, người ta thấy cả Dumoutier và Paul Bert muốn né tránh sự lặp lại sai lầm ở Nam kỳ. Cái sai lầm ở đó là “Pháp hóa” toàn diện dân bản xứ.

Thật không may, ngày 11 tháng 11 năm 1886, Paul Bert chết, từ sau ngày đó, Dumoutier đã gắng sức theo đuổi và thực hiện một mình chương trình của hai người đã vạch ra. Song, chương trình tốt đẹp này tiêu tan dần trước sự thờ ơ của chính quyền kế nhiệm, trước tiên “Viện Bắc kỳ”, rồi Trường trung học Huế, các lớp cho giáo sinh, Trường nghề, trường Mỹ thuật trang trí, các lớp tiếng Việt và chữ Hán cho các viên chức. Họ đã trách cứ Dumoutier và cả vẽ tranh biếm họa về ông là phương pháp thiếu tính khoa học, quá câu nệ vào sự cộng tác của các nhà nho.

Trước những trách cứ và sự thờ ơ của chính quyền kế nhiệm, Dumoutier đấu tranh không ngừng, cố gắng làm sáng tỏ quan điểm của mình, phản biện những giải pháp khác. Cuối cùng, sự cố gắng và tính kiên trì của ông cũng được bù đắp dần dần: năm 1894, người ta quyết định mở lại các lớp học tiếng Việt và chữ Hán cho viên chức. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer đã tái lập trường Trung học Huế với tên gọi mới Trường Quốc học, tái tổ chức lại Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Năm 1898, đưa vào chương trình thi tiếng Pháp ở trường thi Nam Định…

Song song việc giúp Paul Bert đề ra các chủ trương, đường hướng và thực hiện có hiệu quả các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, Dumoutier rất quan tâm đến ngành học chính, viết nhiều sách giáo khoa giảng dạy trong các trường như: Sách học vần và bài tập đọc sách dùng cho các trường Pháp-Việt (Hà Nội, 1886); Bài tập thực hành tiếng Việt – Exercices pratiques de la langue annamite (Hà Nội, 1889); Giáo trình quân sự Pháp-Bắc kỳ (Hà Nội, 1888); Những bài lịch sử nước An-nam (in theo lối bản thảo, 1899); Những bài học tiếng Việt và tiếng Hán giảng dạy ở Hà Nội từ năm 1886 đến năm 1889 (in theo lối bản thảo). Bên cạnh đó, Dumoutier cũng rất say mê nghiên cứu khoa học, các công trình nghiên cứu về khảo cổ, dân tộc học, tôn giáo, dân gian, lịch sử văn hóa Việt nói chung và Hà Nội nói riêng mà ông đã công bố thật đáng kể:

– Người ta tính từ năm 1887-1889, ông đã cho xuất bản một loạt các chuyên khảo công trình kiến trúc, phong tục, truyền thuyết lịch sử ở Bắc kỳ. Đó là: Truyền thuyết lịch sử Trung và Bắc kỳ; Chùa Hà Nội và chùa ở Bắc kỳ qua nghiên cứu khảo cổ; Chùa Hà Nội qua nghiên cứu khảo cổ và văn khắc chữ nôm; Đại tượng phật ở Hà Nội nghiên cứu qua lịch sử, khảo cổ, văn khắc và khảo cổ học ở chùa Trấn Vũ; Văn Miếu, đền thờ Khổng Tử ở Hà Nội; Thử tìm hiểu về thuốc Nam: Xác định 300 cây và sản phẩm với tên gọi tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng La-tinh, tiếng Hán và chỉ dẫn cách điều trị qua các phương thuốc được bào chế của người Việt và người Hoa.

Những ấn phẩm trên đã có tiếng vang rất lớn ở Pháp và được chọn đi triển lãm năm 1889 ở Paris. Tại đây người ta tổ chức riêng thành một gian trung tâm nghiên cứu dân tộc, tôn giáo người Việt. Đặc biệt, người ta còn thấy ở đó “một ngôi chùa bằng gỗ quý chứa đựng một khu điện thờ phật, nơi các nhà mộ đạo đến làm lễ”.

– Từ năm 1890 đến 1903, ông công bố một số công trình khảo cứu có giá trị về Việt Nam là Những bài hát và truyền thống dân gian của người Việt; Những biểu tượng và đồ thờ của người Việt; Thuật phù thủy và bói toán của người Việt; Thuật phong thủy của người Việt; Lịch sử bát vị bất tử của đạo giáo; Truyền thuyết của người Việt về Phật và đạo Phật; Du nhập đạo Phật ở Trung Quốc; Sách tang chế; Sách tu luyện của các nhà sư Việt Nam; Các vị thần hộ vệ các cửa đền Việt; Khảo cứu về xứ Bắc kỳ (một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất); Đền Hai Bà; Các thương quán người Bồ ở Phố Hiến; Nghiên cứu qua tài liệu lịch sử và khảo cổ về Hoa Lư, thủ đô đầu tiên của nước Việt độc lập (968-1010); Nghiên cứu qua tài liệu lịch sử và khảo cổ về Cổ Loa, cố đô vương quốc Âu Lạc; Tường thành nhà Mạc; Khảo cứu về các tuyến đường thủy, đường bộ duyên hải, các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV (Công trình này được đánh giá cao và tác giả được giải “Prix Jomard” của Hiệp hội Địa lý năm 1897); Ghi chép về vùng Sông Đà và núi Ba Vì

Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều bài đăng trên các Tạp chí Hải Phòng (Courrier d’Hai-phong), báo Tương lai Bắc kỳ (l’Avenir du Tonkin).

Sau nhiều lần bị thất sủng, bị trù dập, năm 1903, Dumoutier làm đơn xin tạm nghỉ việc, nhưng đơn của ông bị bác và ông bị ép nghỉ hưu ngày 23 tháng 4 năm 1904. Ông cho rằng việc phê chuẩn này không chính đáng. Do bức xúc, suy nghĩ nhiều đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe, ngày 02 tháng 8 năm 1904, Dumoutier từ trần do lâm trọng bệnh, trong nỗi cô đơn buồn tẻ tại Đồ Sơn, nơi ông lui về để dưỡng bệnh. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Hà Nội, gần bên phần mộ của vợ mình. Ở Hà Nội, trước 1945, một đường phố mang tên ông, phố Dumoutier (Gustave) nay là phố Chùa Vua, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng.

Nguyễn Văn Trường
Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội
Tác giả gửi Trí Thức VN

Tài liệu tham khảo:

– “Gustave Dumoutier”, Cl. E. Maitre, Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient (BEFEO), tập IV, 1904, tr. 790-803

– “G. Dumoutier, Directeur de l’enseignement en Annam – Tonkin (1850-1904)”, René Despierres, Indochine hebdomadaire illustré, n°220, 1944, tr. 27-30

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: