Thiện tâm và khoan dung tha thứ có sức mạnh to lớn, có thể giải quyết mâu thuẫn xung đột giữa đôi bên từ gốc rễ. Đồng thời, nó cũng là cách thực sự có thể thay đổi, cảm hóa người khác từ trong tâm, là biện pháp tốt nhất để tránh kết oán hận. Có rất nhiều câu chuyện về việc người xưa dùng khoan dung tha thứ để giải quyết vấn đề.

Khoan dung tha thứ
(Ảnh minh họa: 5534534, Pixabay, Pixabay License)

Vương Minh Thịnh người Gia Định, Giang Tô là bảng nhãn năm Giáp Tuất đời Càn Long, nhà Thanh. Ông làm quan đến chức Nội các Học sỹ. Một hôm, khi ông nhàn rỗi ở nhà, có một kẻ vô lại say rượu đến trước cổng nhà ông chửi rủa ầm ĩ. Người gác cổng phải vất vả lắm mới khiến cho kẻ vô lại kia ngừng chửi rủa.

Ngày hôm sau kẻ kia tỉnh rượu, mẹ của anh ta đã dẫn anh ta đến nhà Vương Minh Thịnh xin thỉnh tội. Vương Minh Thịnh vốn không coi đó là chuyện gì to tát, cười đáp tạ rằng: “Hôm qua là cậu say rượu, tôi không trách cậu, nhưng sau này nếu lại say rượu mà chửi bới người khác thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp phải tai họa đó!”

Không ngờ người này từ sau hôm đó đã quyết tâm bỏ rượu.

Thử nghĩ ở vào thời nay, đột nhiên gia đình có người vô duyên vô cớ đến nhục mạ thậm tệ, huống hồ lại là gia đình có địa vị cao, có lẽ rất nhiều người sẽ không thể giữ được bình tĩnh. Nhưng Vương Minh Thịnh đã thành tâm khuyên giải an ủi khiến anh ta thay đổi tính cách. Đây là sức mạnh của lòng tốt và sự khoan dung tha thứ.

Lại có một chuyện khác về một người phụ nữ là Lục Ngọc Trân, người huyện Tiền Đường, Hàng Châu. Cô vốn nhân từ, đoan trang, nghiêm chỉnh và độ lượng. Trong nhà cô có hai người tỳ nữ, một người tên là Lai Hỷ, người còn lại tên là Lai Khánh. Lục Ngọc Trân đối xử vô cùng tốt với hai tỳ nữ này, lo ăn mặc chu đáo. Khi họ bị bệnh, cô luôn hết sức mình giúp họ chữa trị. Không chỉ vậy, vào buổi tối, Lục Ngọc Trân còn thắp đèn dạy họ học chữ, đọc sách. Cho dù họ đôi lúc có mắc lỗi lầm thì Lục Ngọc Trân cũng chỉ nhắc nhở giáo dục họ mà thôi.

Một hôm, lúc sắp ăn trưa, Lai Hỷ bưng canh lên cho Lục Ngọc Trân nhưng do bất cẩn đã đánh đổ bát canh. Canh nóng đổ lên tay và y phục của Lục Ngọc Trân. Lai Hỷ sợ bị trách mắng nên đã òa khóc. Nhưng Lục Ngọc Trân vẫn bình thản tự nhiên nói với Lai Hỷ rằng: “Y phục bẩn rồi cũng không đáng tiếc, còn có thể giặt sạch được. Tay đau một chút thì cũng hết, bát vỡ thì càng không đáng kể gì. Huống hồ đây chỉ là lỗi do cô vô ý mà thôi”.

Phạm lỗi mà không bị tức giận đánh mắng trách tội, trái lại còn được an ủi, đây là điều đáng cảm động biết chừng nào?

Chúng ta hẳn từng nghe được câu nói: “Điều mà mình không muốn thì cũng đừng làm với người khác” (Kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân). Thực ra trước câu này có một từ rất quan trọng, đó là “thứ”. Câu này xuất phát từ sách “Luận Ngữ”. Theo đó, một hôm, Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Có một chữ nào mà có thể cả đời mình làm theo chăng?” Khổng Tử đã nói cho Tử Cống một chữ “thứ”: “Có lẽ là chữ ‘thứ’ chăng? Điều gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.

Sách “Chu Lễ” viết: “Như tâm viết thứ”, ý nói đối đãi với người khác giống như đối đãi với mình, đem lòng mình để suy ra lòng người, lý giải người khác, thông cảm người khác, đây là thứ. Chu Tử, nhà Nho thời Tống, nói: “Tẫn kỷ chi vị trung, thôi kỷ chi vị thứ”, tận tâm tận sức với người khác là trung, suy từ lòng mình ra lòng người là thứ.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Cận
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: