Làng Lạc Thổ còn có tên Nôm là làng Hồ, nằm ở bờ nam sông Đuống, là ngôi làng cổ thuộc trung tâm văn hóa tín ngưỡng Luy Lâu xưa kia. “Lạc Thổ” mang ý nghĩa là vùng đất an lạc.

Làng khoa bảng

Người dân làng Lạc Thổ vẫn tự hào rằng làng mình lập trên mắt rồng, bởi vậy mà sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Ngày nay, tại đình làng vẫn còn đôi câu đối do cụ Cử nhân – Tiên chỉ làng Nguyễn Xuân Điềm phụng soạn bằng chữ Nho. Tiếng Hán – Việt là:

Biệt chiếm trung khu, hữu đình hữu tự, hữu tứ đạt Long cù, quân tử đình xa ưng nhãn
Nghiễm nhiên phương diện, chi thị chi giang, chi trùng đê địa hiểm, gian hùng đáo xứ diệc hồn tiêu

Dịch nghĩa:

Riêng một cõi trời, có đình có chùa, bốn phương khoáng đạt thế rồng, quân tử dừng xe thỏa nguyện phóng tầm mắt
Uy nghi một phương, đây chợ đây sông, đê quai ôm đê chính địa thế hiểm trở, gian hùng đến đây hồn xiêu phách lạc

Làng Lạc Thổ cùng bài Văn sách đối phó Trung Quốc
Các văn bia ghi chép đầy đủ về các nhà khoa bảng của làng. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Theo bia Văn Chỉ của làng, Lạc Thổ có 7 vị tiến sĩ. Nổi bật có Dương Như Châu là người đỗ khai khoa của làng, ông đỗ đầu kỳ thi Đình năm 1466 thời vua Lê Thánh Tông khi mới chỉ 18 tuổi (tiếc rằng khoa thi này không lấy Tam khôi). Văn bia tiến sĩ khoa thi năm 1466 có ghi lại rằng: “Cho bọn Dương Như Châu 8 người đỗ Tiến sĩ, bọn Nguyễn Nhân Thiếp 19 người đỗ đồng Tiến sĩ”.

Khoa thi năm 1505 thời vua Lê Uy Mục, làng có 2 người đỗ tiến sĩ. Đến khoa thi năm 1535 làng có 3 người đỗ đại khoa.

Làng Lạc Thổ cùng bài Văn sách đối phó Trung Quốc
Văn chỉ làng Lạc Thổ.. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Ngoài 7 tiến sĩ được ghi tên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, làng Lạc Thổ còn có rất nhiều người đỗ cử nhân, tú tài. Đến thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức đã tặng cho làng 4 chữ “Mỹ tục khả phong”.

Bài Văn sách hiến kế bang giao

Người đỗ khai khoa của làng là Dương Như Châu sinh năm 1448, từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng. Khoa thi năm 1466 ông lọt vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình.

Kỳ thi Đình do đích thân vua Lê Thánh Tông ra đề và chấm thi, Vua hỏi về vấn đề bang giao giữa hai nước Việt -Trung, điều này gây bất ngờ và rất hiếm trong lịch sử khoa cử. Dương Như Châu dâng kế sách rằng :

“Bề tôi không dám dâng kế cùng binh độc vũ, cậy vào binh lính để đánh nhau mãi, cũng không dám dâng kế sách buông lơi việc võ mà chú trọng việc văn. Chỉ mong sửa sang điều nhân, thực hành điều nghĩa, chọn người giỏi văn, giỏi võ, trao trách nhiệm cho tướng soái, răn bảo việc luyện tập quân sĩ, chăm việc võ bị. Trong khi rảnh việc cày bừa, không quên việc giảng duyệt.”

“Như thế là đạt tới chỗ dùng văn, dùng võ đúng lúc, có thể tiêu trừ họa hoạn lúc chưa thành, giữ nền cực trị đến mãi mãi. Nước ta vững như bàn thạch, sáng như lửa hồng, hễ giặc đụng đến đâu thì là nát tan, chạm đến đâu là thiêu cháy. Điều lành về nhân, chính vì vậy mà mở rộng mãi ra.”

“Thế tất quân sĩ đều vui vẻ ra lệnh, một người có thể địch trăm người, dựa vào đấy đã tiến là đánh, đánh là diệt, thức thời bốn phương có thể yên ổn, còn có lo gì đến việc gây hấn ở biên thùy.”

Trong bài Văn sách của mình Dương Như Châu đã dâng kế sách “sửa sang điều nhân, thực hành điều nghĩa”, lại “đạt tới chỗ dùng văn, dùng võ đúng lúc” đây chính là “tu nội mà an ngoại” tức dùng nhân nghĩa giúp lòng người hướng thiện, Xã Tắc ổn định mà ngoại bang tự động không dám nhòm ngó.

Chỉ một phút nông nổi khiến làng bị triệt hạ

Theo văn bia và thư tịch của làng thì vào năm 1786 làng từng bị Triều đình nhà Lê triệt hạ và xóa tên bởi một phút nông nổi của trai làng, người làng vẫn còn lưu truyền câu chuyện này làm bài học cho mình.

Theo đó, vào dịp xuân đến năm 1786, dân làng nô nức mở hội vui xuân. Đúng lúc đó bỗng xuất hiện một thanh niên cưỡi ngựa vào làng, chẳng hề có phép tắc, xem thường mọi người, lại buông lời trêu ghẹo các thôn nữ. Mọi người hết sức nhã nhặn khuyên ngăn chàng trai này, thế nhưng anh ta chẳng xem ai ra gì, còn nói tục, buông lời thách thức mọi người.

Đám trai làng tức giận không kìm được liền xúm lại đánh cho một trận, mỗi người một quyền cước khiến chàng trai này tắt thở. Nào ngờ người bị đánh chết lại là viên quan Triều đình gọi là Nghè Hành. Tin dữ báo về, Triều đình xuống chiếu cho triệt hạ ngôi làng. Chỉ một phút nông nổi của trai làng mà tai họa ập đến, dân làng phải phiêu tán chạy khắp nơi.

Sau có người con gái tên Tá Thị Hoa nên duyên vợ chồng với vị Quận công tổ thứ 12 của dòng họ Nguyễn Đức ở làng Quế Ổ. Dù là vợ của Quận công, cuộc sống sung túc nhưng cô gái vẫn buồn lòng khi nghĩ về làng mình.

Sau nhiều lần vị Quận công này gặng hỏi, Tá Thị Hoa lể lại chuyện làng mình, Quận công liền đưa chuyện này trình báo rõ ngọn ngành lên nhà Vua. Nhà Vua liền cho khôi phục lập lại làng.

Tá Thị Hoa liền tìm lại người làng thất tán trở về, lập ra “Cầu Chiêu” (tức chiều mời dân làng trở về) làm chốn tạm để tập hợp dân lập lại làng.

Dân chúng làng Lạc Thổ gọi nhau tìm đến “Cầu Chiêu” rồi cùng nhau xây dựng lập lại làng. Chẳng bao lâu làng Lạc Thổ được lập lại đông vui như xưa, “Lạc Thổ” lại trở thành vùng đất an lạc.

Đến nay làng Lạc Thổ vần còn tấm bia ghi lại sự việc trên cùng công đức của bà Tá Thị Hoa.

Giống gà Hồ nổi tiếng

Làng Lạc Thổ còn nổi tiếng với giống gà Hồ vốn chỉ có ở nơi đây. Giống gà này có vóc dáng cao to, mào kép, da cổ đỏ, cánh hình vỏ trai, vảy chân sáng mịn màu vàng trắng như màu hạt đậu nành, lưng vuông dài, đuôi đày đặn và úp như hình nơm, dáng đi uy nghi oai vệ, tiếng gáy vang dội, thân mình chắc nịch…

Xưa kia gà Hồ được xem là biểu tượng của người quân tử với 5 đức tính là văn, võ, dũng, nhân, tín. Gà Hồ đã đi vào thi ca và được các nghệ nhân khắc họa trong tranh dân gian Đông Hồ. Thi sĩ Hoàng Cầm có bài thơ mô tả rằng:

Tranh Đông Hồ gà lơn nét tươi trong,
Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Đến nay làng vẫn bảo tồn được các di tích văn hóa như Đình làng (được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh), Văn Chỉ, chùa, và cả “Cầu Chiêu” ở trung tâm làng. Cùng các trò chơi dân gian, hội thi gà Hồ, hội thi thả chim bồ câu bay, thi đấu cờ tướng…

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: