Lư hương là khí cụ dùng để đốt hương thời xưa. Nó là pháp khí Phật giáo trong các ngôi chùa và cũng là lễ khí, khí cụ không thể thiếu trong các gia đình thời cổ đại.

Lư hương trong đời sống tinh thần của người xưa
(Ảnh minh họa: Pierre Jean Durieu, Shutterstock)

Hầu hết các lư hương trong đình, chùa, miếu thời cổ được làm bằng đồng và sắt. Ngoài ra, một số lư hương kích thước nhỏ được làm bằng ngọc, đá, gốm, sứ, gỗ. Trong hoàng cung có lư hương được làm bằng vàng, bạc. Lư hương xuất hiện vào thời gian nào, đến nay vẫn không có kết luận chính xác. Nhưng có thể biết được lịch sử của văn hóa lư hương bắt nguồn từ “Đỉnh” vào các triều đại Thương và Chu.

Coi trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trước có sau, nên khi thờ cúng các vị Thần linh, Trời đất và tổ tiên, người xưa đều thắp hương trong lư để tỏ lòng thành kính. Trong Phật giáo, Đạo giáo và các tôn giáo khác, với tư cách là vật dụng nghi lễ hiến tế để thờ cúng Thần Phật, lư hương được sử dụng rộng rãi. Thời Hán Minh Đế, sau khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa, người ta thường xuyên đốt hương trong lễ cúng Thần linh hoặc cúng tế tổ tiên, Trời đất.

Lư hương dùng để cúng tế thông thường được làm bằng đồng và gốm, hình thức đơn giản nhưng tinh tế và tao nhã, có ba chân đứng thẳng, màu sắc trầm tối, có chân màu nâu. Đến thời nhà Tống, thuận theo sự phát triển của chế tác, Lư hương được thiết kế công phu và sáng tạo hơn, cũng được trạm khắc tinh xảo hơn.

Ngoài dùng để cúng tế, lư hương cũng được người xưa sử dụng để đốt các loại thảo mộc có mùi thơm, xông phòng khách phòng ngủ nhằm khử mùi hôi và uế khí. Thời kỳ Chiến Quốc, phương pháp đốt hương trong nhà đã bắt đầu được sử dụng nhưng chưa phổ biến rộng rãi. Đến thời nhà Hán, một số lượng lớn các loại hương liệu quan trọng đã được đưa vào sử dụng, các khái niệm và phương pháp sử dụng hương liệu cũng được lưu truyền. Hương liệu từ là một vật dụng đơn giản trong đời sống của người xưa trở thành một vật dụng quan trọng trong đời sống hàng ngày của hoàng gia, quý tộc và văn nhân nhã sĩ.

Lư hương phần lớn được các gia đình đặt trên các án (bàn dài), vừa có thể sử dụng trong đời sống hàng ngày vừa là vật trang trí để thưởng thức. Loại lư hương có nắp đậy có thể đựng hương liệu bên trong, sau khi thắp hương thì khói hương sẽ từ các lỗ trên nắp bốc lên khuếch tán ra, lúc tụ lúc tán, vừa mang đến mùi thơm, vừa khiến người ta có cảm giác mơ màng vô hạn.

Việc đốt hương trong thư phòng đã trở thành một trong những thú vui tao nhã không thể thiếu của các văn nhân thời xưa. Các văn nhân nhã sĩ trước khi đọc sách hay đánh đàn thì đều đốt hương để tẩy tịnh tạp niệm, khiến cho tinh thần tập trung hơn. Trong rất nhiều sách cổ đều có ghi chép về điều này.

Trong “Hoàng châu tân kiến tiểu trúc lâu kí”, Vương Vũ Xưng thời Bắc Tống viết: “Ngày rảnh rỗi cầm trong tay cuốn Chu Dịch, đốt hương ngồi tĩnh lặng, giải trừ đi những muộn phiền”.

Trong bài “Phần hương” của Trần Dư Nghĩa thời Bắc Tống nói về ý cảnh tuyệt vời của việc đốt hương đọc sách:

Minh song duyên tĩnh thư,
Tĩnh tọa tiêu trần duyến.
Tức tương vô hạn ý,
Ngụ thử nhất chú yên.

Mở cuốn sách trước cửa sổ sáng, tĩnh lặng đọc, tiêu trừ bụi trần. Cuốn sách ẩn chứa vô vàn ý, trú ngụ trong làn khói lượn lờ.

Thi nhân Lục Du thời nhà Tống cũng thường xuyên đốt hương trong phòng để tĩnh tâm đọc sách. Ông cho rằng đốt hương là một phương thức quan trọng để làm cho thể xác và tinh thần của con người trở nên khoan khoái, thoải mái hơn.

Tô Đông Pha cũng lấy đốt hương làm bạn, hàng ngày đều đốt hương làm thơ mà vui sống tuổi già.

Đến thời Tống, các văn nhân nhã sĩ đều coi việc đốt hương, pha trà, cắm hoa, treo tranh là “Tứ nghệ”. Tứ nghệ này cũng tạo thành một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. “Tứ nghệ” cũng chính là thông qua bốn giác quan là khứu giác, vị giác, xúc giác và thị giác để nếm trải cuộc sống hàng ngày, đồng thời lại hàm chứa sự tao nhã.

Người xưa khi đứng trước lư hương sẽ có được một khoảng tĩnh lặng, thong thả trong cả nội tâm và hoàn cảnh xung quanh. Đây trở thành một nghi thức vừa trang nghiêm vừa giúp con người tĩnh hạ tâm xuống. Cảnh khói hương khuyếch tán trong phòng và hòa quyện cùng mùi hương khiến người ta cảm thấy thư thái, như được gột rửa tâm linh.

Không chỉ văn nhân mặc khách hay trong nhà dân thường đốt hương mà trong hoàng cung cũng rất thịnh hành. Các Hoàng đế thời cổ đại đều đốt hương, nhưng việc sử dụng lư hương và đốt hương của hoàng gia là có sự khác biệt đối với nhà dân thường. Sự khác biệt này là thể hiện sự phân chia tôn ti trật tự theo lễ nghi thời ấy.

Khi Thái hậu, Hoàng hậu hay các phi tần xuất hành đều sẽ có người đi trước bê theo lư hương. Việc này là để xông hương, tẩy trừ mùi ô uế trên đường để các hậu phi không cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến thân thể. Ngoài ra, dựa theo địa vị, lư hương cũng có sự khác nhau. Người địa vị cao sẽ dùng lư hương làm bằng ngọc, vàng, thấp hơn thì dùng lư hương làm bằng bạc… Ví dụ như nô bộc dưới trướng của phi tần chỉ có thể dùng lư bạc khi đốt hương, không thể dùng lư vàng.

Do có lịch sử lâu đời nên lư hương đã dần có sự thay đổi, từ chỗ chỉ dùng để đốt hương, lư hương trở thành một trong những đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật được những người yêu thích đồ cổ sưu tầm và thưởng thức.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: