Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều chuyện xảy ra vượt quá tầm kiểm soát và dự đoán của chúng ta. Nếu có xuất hiện kết quả không như ý nguyện thì đa số đều cho rằng đó là “ngẫu nhiên”. Nhưng suy xét một cách kỹ càng, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng trên đời này dường như không có chuyện gì là ngẫu nhiên cả. Văn hóa truyền thống cho rằng vận mệnh của con người là có thể biết trước được, đồng thời người xưa cũng rất coi trọng việc dự đoán vận mệnh của một người, cho rằng hết thảy đã được định sẵn theo an bài từ trước, dù là chuyện rất nhỏ đi nữa. Dưới đây là câu chuyện đoán mệnh “ăn một vạn con cừu” rất nổi tiếng trong lịch sử.

Đoán mệnh Ăn một vạn con cừu, Chữ Tín là sinh mệnh thứ hai của con người
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh đời Minh, Public Domain)

Trong “Tuyên thất chí” của Trương Độc đời Đường và “Thái Bình quảng ký” đời Tống đều ghi lại câu chuyện này. Lục Du thời Nam Tống có một câu thơ: “Trượng phu cùng đạt giai thường sự, phú quý hà phương thực vạn dương”, trượng phu khốn cùng và hiển đạt đều là chuyện thường, phú quý không ngại ăn một vạn con cừu. Kỳ thực đều là từ câu chuyện tể tướng “ăn” một vạn con cừu mà ra.

Lý Đức Dụ, tự Văn Nhiêu, người Tán Hoàng, Triệu Quận thời Đường (nay là huyện Tán Hoàng, Hà Bắc), làm quan qua 6 đời vua Hiến Tông, Mục Tông, Kính Tông, Văn Tông, Võ Tông, Tuyên Tông, từng hai lần được phong làm tể tướng, là một viên quan nổi tiếng vào cuối đời nhà Đường.

Vào lúc Lý Đức Dụ làm chức Thái Tử Thiếu Bảo phụ trách Đông Đô Lạc Dương, nghe nói có vị cao tăng dự đoán cát hung rất linh nghiệm, liền tìm đến vị cao tăng này, hỏi xem tương lai của mình như thế nào.

Vị cao tăng nhìn ông một chút rồi nói: “Tướng quốc bị cách chức biếm đi xa vạn dặm về phía nam. Mà thời gian của chuyến đi về phía Nam sẽ đến rất nhanh, mệnh lý đã định trước, không chạy thoát được.”

Lý Đức Dụ rất không vui, hỏi tiếp: “Tôi còn có thể trở về không?”

Cao tăng đáp: “Ông có thể trở về. Tướng quốc bình sinh trong mệnh sẽ ăn một vạn con cừu, hiện tại mới ăn chín ngàn năm trăm con, còn năm trăm con chưa ăn.”

Lý Đức Dụ kinh ngạc vô cùng nói: “Sư phụ quả nhiên là cao nhân! Năm Nguyên Hoà thứ mười ba, tôi từng mơ thấy rất rõ ràng. Trong mơ đi tới Tấn Sơn, thấy khắp núi đều là cừu, có mười mấy người chăn cừu đến bái kiến tôi. Tôi liền hỏi thăm bọn họ. Người chăn cừu nói: ‘Những thứ này chính là số cừu ngài sẽ ăn trong đời’. Tôi vẫn luôn ghi nhớ giấc mơ này, chưa từng kể với bất kỳ ai. Hôm nay quả đúng như lời thầy nói, xem ra chuyện âm đức là có thật chứ không phải là hư ảo!”

Mười ngày sau, Chấn Vũ Tiết Độ Sứ Mễ Kỵ phái người đưa thư cho Lý Đức Dụ, và còn tặng cho ông năm trăm con cừu. Lý Đức Dụ kinh hãi, lập tức quay lại thỉnh giáo cao tăng.

Vị cao tăng thở dài nói: “Số một vạn con cừu đã đầy đủ, tướng quốc đi về phía Nam sẽ không về nữa.”

Lý Đức Dụ nói: “Tôi đem số cừu này trả lại, có thể tránh khỏi không?”

Cao tăng đáp: “Cừu đã đưa cho ông rồi, thì đã là của ông, trả lại vô ích.”

Lý Đức Dụ nghe xong, mặt mũi âu sầu.

Không lâu sau, Lý Đức Dụ quả nhiên liên tục bị biếm chức, cuối cùng bị biếm đi Nhai Châu (nay thuộc Hải Nam) làm Ti Hộ Tham Quân (chức quan nhỏ quản lý dân số), cuối cùng bệnh chết ở Nhai Châu, hưởng thọ 63 tuổi.

Người đời sau bèn lấy câu “Ăn một vạn con cừu” làm điển cố, ý chỉ công danh phú quý đều là trong mệnh đã được định trước, không nên cưỡng cầu.

Theo “Điển cố Trung Hoa: Thực vạn dương
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Đường Vân

Xem thêm:

Mời xem video: