Sách “Thái Căn Đàm” viết: “Trời đất có vạn năm, thân người thì khó được.” Sinh mạng con người là vô cùng quý giá, cuộc đời lại không thể lặp lại, vì vậy phải quý trọng điều này. Chúng ta không chỉ phải dưỡng tốt thân thể, sống khỏe mạnh trường thọ, rời xa bệnh tật mà càng cần phải dưỡng nội tâm, khiến cho thể xác và tâm hồn đều sung túc, phúc trạch kéo dài, như vậy mới không uổng phí đời này. Dưới đây là năm bí quyết dưỡng sinh dưỡng tâm, lĩnh hội và thực hành sẽ được lợi vô cùng.

dưỡng sinh dưỡng tâm
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

“Động” dưỡng thân

Trong cuốn “Chư bệnh nguyên hậu luận” viết: “Vận động cốt huyết, tắc khí cường”. Thể chất của một người là trời sinh, nhưng cơ thể khỏe mạnh lại có thể là hậu thiên dưỡng thành. Vận động có thể thúc đẩy khí huyết, cường thân kiện thể, thả lỏng tâm tình, là phương thức dưỡng thân tốt nhất.

Thời Đông Hán, Hoa Đà không chỉ có y đạo cao siêu mà ở đạo dưỡng sinh, ông cũng là một bậc thầy. Ông sáng tạo ra “Ngũ cầm hí” là bài dưỡng sinh dựa trên cơ sở vận động của 5 loại vật là gấu, chim hạc, hổ, khỉ và lộc, ngày qua ngày luyện tập, hoạt động thân thể, rèn luyện cơ thể. Trong sách “Hậu Hán Thư” viết về Hoa Đà:Dù đã trăm tuổi nhưng vẫn có dáng vẻ khỏe mạnh, người thời đó cho là thần tiên”.

Vận động có thể dưỡng thân, vận động có thể đẩy lùi bệnh, Hoa Đà khi về già vẫn có thể đi lại nhanh nhẹn, tinh thần minh mẫn sức vóc khỏe mạnh. Thậm chí các đệ tử của ông là Ngô Phổ, Phàn A đều chuyên cần luyện “Ngũ cầm hí” mà đạt được thân thể khỏe mạnh, tai thính mắt tinh, sống thọ gần 100 tuổi.

Danh thần nhà Tống, Phạm Trọng Yêm có câu: “Hoạt động có phương pháp thì ngũ tạng tự hài hòa.” Hàng ngày kiên trì vận động, rèn luyện thân thể là một loại linh đan dược liệu không chỉ đem đến một cơ thể khỏe mạnh mà còn khiến cho trạng thái tinh thần và sắc vóc cũng tốt đẹp lên mỗi ngày.

“Tĩnh” dưỡng tâm

Trong “Tố vấn” viết: “Khí huyết cực dục động, tinh thần cực dục tĩnh”, khí huyết cần phải động, tinh thần cần phải tĩnh. Tĩnh là cách tốt nhất để dưỡng tâm. Để cho bản thân tĩnh lặng lại, nội tâm bình tĩnh thong dong, tâm thái tự nhiên sẽ khiến con người trở nên tiêu diêu tự tại.

Vào năm Nguyên Phong thứ 2 đời Tống Thần Tông, bởi vì bị vu cáo là làm thơ có ý châm biếm triều đình, gây ra vụ “Ô Đài thi án” nổi tiếng, Tô Đông Pha bị lưu đày đến Hàng Châu, tiền đồ mờ mịt nhưng chí hướng của ông lại trong gian khó mà thăng hoa.

Lúc mới đầu đến, Tô Đông Pha không tránh khỏi lo lắng, nản lòng thoái chí, mê mang uể oải bởi vì không biết con đường phía trước sẽ ra sao. Tâm trạng ấy được ông thể hiện trong câu: “Tuý lý cuồng ngôn tỉnh khả phạ”, trong cơn say nói những lời cuồng bậy nhưng lúc tỉnh rồi lại thấy đáng lo.

Nhưng sau đó, ông đã tự tạo cho mình một căn phòng và vẽ những bông tuyết trên các bức tường xung quanh. Tô Đông Pha hàng ngày nhàn rỗi sẽ ngồi tĩnh tọa trong ấy để bình phục lại cái tâm đang xao động của mình. Cuối cùng, ông cũng tìm về được với sự thanh tỉnh và tĩnh lặng. Chính nhờ vậy mà Tô Đông Pha mới có thể không tranh không phiền, không vội không loạn, thản nhiên vượt qua những tháng ngày tăm tối ấy.

Cổ ngữ có câu: “Dưỡng tâm quý ở tĩnh”, người có thể giữ cho mình một cái tâm an tĩnh đạm bạc, không quan tâm hơn thua, đi hay ở đều không bi lụy thì sẽ sống những năm tháng thanh nhàn và tận hưởng được những niềm vui trong thế gian.

“Nhẫn” dưỡng tính

Sách “Tuân Tử” viết: “Tính tình phải nhẫn nại, rồi sau mới có thể sửa mình”. Con người có thất tình lục dục nên sẽ không tránh khỏi có lúc bị cảm xúc lấn át. Có thể nhẫn nhịn, không giận không sân, tu thân dưỡng tính thì mới là một người đáng quý.

Năm 99 TCN, trong trận chiến với Hung Nô, tướng quân Lý Lăng rơi vào cảnh hết lương, cùng đường nên bị bắt hàng. Hán Vũ Đế giận dữ, nhiều người “giậu đổ bìm leo”, chỉ có Tư Mã Thiên là lên tiếng biện hộ cho Lý Lăng. Nhưng việc làm này của Tư Mã Thiên lại giống như đổ thêm dầu vào lửa, Hán Vũ Đế đã cho bắt giam Tư Mã Thiên vào ngục, đồng thời xử cung hình với ông.

Bị tra tấn bởi vì lời ngay thẳng, người nào có thể không phẫn nộ bi thống? Thế nhưng, Tư Mã Thiên không bởi vì thế mà rơi vào trầm luân. Ông nhẫn nỗi nhục, nhẫn bi thương, nhẫn đau đớn, nhẫn phẫn nộ, tiếp tục sống và sáng tác. Cuối cùng ông đã sáng tác ra cuốn “Sử ký” lưu danh muôn đời.

Trong “Yến sơn dạ thoại” có câu nói: “Quân tử nhẫn được những điều người thường không thể nhẫn”. Con người sống trên đời không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, sự sự đều như ý. Chỉ có nhẫn, nhẫn những điều mà người bình thường không thể nhẫn, mới có thể làm thành được những điều người bình thường không thể làm thành, đạt đến cảnh giới cao hơn của cuộc sống.

“Thiện” dưỡng phúc

Sách “Đạo Đức Kinh” viết: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, Đạo trời là công bằng, không phân biệt thân hay sơ nhưng sẽ thường xuyên trợ giúp người thiện lương. Làm việc thiện là cách tích phúc. Người có tâm địa thiện lương, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác thì phúc báo sẽ sớm ở trên đường.

Vào thời Tây Tấn có một quan viên tên là Cố Vinh, là người có tính tình hào sảng, rộng rãi lại lương thiện. Một lần, ông nhận lời tham gia yến tiệc ăn thịt nướng. Nhìn thấy cảnh người hầu đang nướng thịt, nhìn miếng thịt mà không được ăn, thèm đến mức nuốt nước miếng nên ông đã sinh lòng trắc ẩn. Cố Vinh đưa miếng thịt nướng của mình cho người kia.

Bởi vì kẻ sĩ và người hầu có địa vị khác biệt nên những người khác thấy vậy thì đều châm biếm Cố Vinh. Nhưng Cố Vinh lại nói: “Người mỗi ngày nướng thịt, lẽ nào ngay cả vị của thịt nướng cũng không biết?”

Mấy năm sau, loạn Vĩnh Gia xảy ra, đô thành rơi vào tay giặc, Tấn Đế bị bắt, vương công quý tộc đều vượt sông trốn chạy. Thiên hạ đại loạn, cường đạo vào các nhà giết người cướp của rất nhiều. Nhưng Cố Vinh mỗi lần gặp phải nguy hiểm thì đều có người bảo vệ ông thoát nạn, hóa hiểm thành an. Sau khi hỏi ra, Cố Vinh mới biết người luôn giúp mình chính là người nướng thịt năm xưa.

Trong “Tam Quốc Chí” có câu: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”, giúp đỡ người cũng chính là làm việc thiện cho mình, người làm nhiều việc thiện nhất định có phúc trạch thâm hậu.

“Cười” dưỡng thọ

Người thường hay nở nụ cười, luôn giữ được tinh thần vui vẻ cởi mở thì khí cơ thông suốt, tâm thái cũng khoáng đạt. Người sống cởi mở và luôn nở nụ cười trên môi thì cuộc đời của họ cũng sẽ trở nên suôn sẻ và thuận lợi hơn.

Quán quân về tuổi thọ trong thi đàn thời Tống thuộc về Lục Du, ông sống thọ 85 tuổi. Một trong những bí quyết sống thọ của Lục Du chính là sống lạc quan hay cười, khoan thai rộng rãi. 

Có một ngày, cuồng phong gào thét, mưa to không ngớt, mái ngói của ngôi nhà ông ở bị tốc hết, tường cũng bị sập đổ, trong nhà cũng không còn thóc gạo. Đứng trước tình cảnh thê lương như thế nhưng Lục Du không trau mày ủ dột mà còn nở nụ cười ngâm một bài thơ:

Tạc tịch phong hiên ốc,
Kim triêu vũ nhưỡng tường
Tuy tri xuy mễ tẫn,
Bất phế dã ca trường.

Tạm dịch nghĩa:

Gió đêm qua làm tốc mái nhà,
Mưa sáng nay làm đổ sập tường
Dẫu rằng gạo đã sạch hết,
Ta vẫn ngâm thơ không dứt.

Cuộc sống dù có muôn ngàn muộn phiền, chúng ta cũng nên cười thật tươi. Nụ cười không chỉ là mỹ phẩm dưỡng da hữu hiệu nhất mà còn là phương thuốc trường thọ cao cấp nhất. 

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: